Nhu cầu nhà ở cho lao động nhập cư còn hạn chế
Dự báo đến năm 2025, số lao động tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn Hải Phòng đạt khoảng 800.000 đến 1 triệu người. Ảnh minh họa: Phạm Kiên - TTXVN
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng phải tuyển dụng lao động đến từ các tỉnh, thành phố khác. Số lượng lao động nhập cư tăng nhanh làm phát sinh những vấn đề cấp bách về đảm bảo an ninh trật tự, chăm lo đời sống tinh thần và nhà ở cho người lao động.
Ông Tống Văn Băng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng cho biết, hiện thành phố có khoảng 15.225 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng số 506.789 công nhân lao động. Số lao động nhập cư tại Hải Phòng chiếm 24%.
Công nhân lao động nhập cư làm việc tại khu kinh tế Hải Phòng chiếm trên 30%. Dự báo đến năm 2025, số lao động tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn Hải Phòng đạt khoảng 800.000 đến 1 triệu người.
Lao động nhập cư là đối tượng dễ bị tổn thương, nhất là lao động nữ. Họ thường bị hạn chế về điều kiện học tập, chăm sóc sức khỏe, bị thiệt thòi vì sống xa gia đình, người thân.
Các dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của lao động nhập cư rất hạn chế. Vẫn còn tình trạng một số cán bộ giải quyết thủ tục hành chính gây khó dễ đối với lao động nhập cư khi giải quyết các loại giấy tờ như đăng ký tạm trú, tạm vắng, chứng thực hồ sơ tài liệu, làm giấy xác nhận, giấy khai sinh...
Vấn đề lớn nhất của lao động nhập cư là nhà ở. Phần lớn họ phải thuê nhà trọ. Các khu nhà trọ hình thành tự phát, do người dân tự xây dựng, không theo tiêu chuẩn quy định, chủ yếu là nhà cấp 4 liền tường nên diện tích chật hẹp, môi trường sống ẩm thấp, nóng bức, thiếu ánh sáng, không khí.
Theo Đại tá Đào Quang Trường, Phó Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng, lao động nhập cư thường xuyên thay đổi việc làm và nơi lưu trú nên không khai báo tạm trú, gây khó khăn trong quản lý dân cư, tội phạm.
Nhà trọ nơi lao động nhập cư sinh sống là khu vực có nguy cơ cháy nổ cao, dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện hành vi trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tham gia các tệ nạn như cờ bạc, ma túy, mại dâm, gây rối trật tự công cộng, dễ bị các thế lực thù địch, đối tượng xấu lôi kéo, kích động.
Bên cạnh đó, các địa bàn có khu công nghiệp thường tập trung số lượng lớn người dân địa phương từ nơi khác đến kinh doanh, buôn bán, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của công nhân thuê trọ, kéo theo nhiều loại hình dịch vụ như karaoke, cầm đồ, tín dụng đen, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán, kinh doanh, từ đó tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự và gây tai nạn, ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Để giúp người lao động nhập cư yên tâm sinh sống, làm việc tại Hải Phòng, Đại tá Đào Quang Trường đề xuất, các ngành chức năng cần phối hợp với chủ doanh nghiệp tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức cho người lao động, đặc biệt là những âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng xấu, lợi dụng để lôi kéo, kích động công nhân.
Bà Phạm Thị Hằng, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng cho rằng, để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân lao động nhập cư, thành phố Hải Phòng cần quan tâm xây dựng nhà ở, nhà trẻ ở khu công nghiệp, trong đó ưu tiên các khu công nghiệp lớn, nơi tập trung đông lao động nhập cư như khu công nghiệp Tràng Duệ, Nomura, VSIP.
Thành phố cần có chính sách hỗ trợ cho công nhân nhập cư mua nhà trả góp, hỗ trợ về y tế, học phí cho lao động nhập cư có con đi học tại Hải Phòng. Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng cần dành một phần kinh phí để thí điểm thành lập các nhóm công nhân nhà trọ, nhóm dư luận công nhân nhà trọ, thường xuyên tổ chức tư vấn pháp luật, các hoạt động văn hóa, tinh thần nhằm gắn kết và định hướng tư tưởng, tạo sức hút, giữ vững niềm tin của công nhân với tổ chức Công đoàn.
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai các chính sách dành cho công nhân nhập cư, ông Vũ Đình Chi, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Regina Miracle (Khu Công nghiệp VSIP) cho biết, Công ty Regina Miracle có khoảng 30.000 lao động, trong đó trên 33% là lao động nhập cư đến từ các tỉnh miền Trung và miền Bắc.
Để bảo vệ, chăm lo quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động, Công đoàn đã thương lượng, đề xuất với ban lãnh đạo Công ty hỗ trợ tiền xăng xe 400.000 đồng/người/tháng, bố trí trên 200 xe ô tô đưa đón công nhân ở các tỉnh gần. Công ty hỗ trợ 300.000 đồng/người/tháng cho 4.500 công nhân ở các tỉnh xa đang phải thuê nhà trọ.
Để chăm lo tốt đời sống cho công nhân lao động Công ty nói chung và lao động nhập cư nói riêng, Ban Chấp hành Công đoàn đã chủ động tham mưu với lãnh đạo công ty mua trên 50.000 m2 đất để xây dựng khu liên hợp nhà ở, vui chơi, nghỉ ngơi cho cán bộ công nhân lao động. Đề xuất này đã được Ban Lãnh đạo Công ty Regina Miracle đồng ý và đang xây dựng kế hoạch triển khai.
Liên quan đến vấn đề cấp bách này, Phó Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Thị Nghĩa lưu ý Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng cần tranh thủ sự hỗ trợ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai xây dựng thiết chế công đoàn tại Khu Công nghiệp Tràng Duệ với tổng diện tích khoảng 4,5ha, lấy đó là mô hình điểm để nhân rộng ra toàn thành phố.
Trong chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2020- 2030, thành phố Hải Phòng dự kiến sẽ quy hoạch khoảng 20% diện tích đất trong các Khu Công nghiệp để xây dựng nhà ở xã hội.