|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhộn nhịp thoái vốn CKG sau lên sàn: Hé lộ công ty chứng khoán bán gần hết, cổ đông lớn liên tục giao dịch

11:07 | 03/08/2020
Chia sẻ
Theo ghi nhận, Chứng khoán ACB đã thoái gần hết phần vốn góp tại Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang (Mã: CKG). Bên cạnh đó, một cổ đông lớn cũng liên tục bán ra trong giai đoạn cổ phiếu tăng mạnh.

ACBS đã bán ra gần 2,2 triệu cổ phiếu CKG

Trong thời gian gần đây, "tân binh" CKG của CTCP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang trở thành tâm điểm của giới đầu tư. Chào sàn HOSE vào ngày 25/3 với giá tham chiếu 11.000 đồng/cp, cổ phiếu CKG giảm sàn ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, đóng cửa ở 8.800 đồng/cp.

Giai đoạn sau đó cổ phiếu CKG đi ngang quanh vùng giá 7.000 đồng/cp với thanh khoản chỉ vài chụn nghìn đơn vị mỗi phiên. Tuy nhiên, kể từ sau khi tăng trần 4 phiên liên tiếp (19 – 22/5), thanh khoản của cổ phiếu CKG được cải thiện với hàng trăm nghìn đơn vị mỗi phiên. Thậm chí, phiên giao dịch ngày 19/6 và 24/6, hàng triệu cổ phiếu CKG được khớp lệnh.

Kết quả của giai đoạn tăng giá là cổ phiếu CKG đạt đỉnh 11.750 đồng/cp trong phiên 9/7 với thanh khoản gần 1 triệu đơn vị. Sau khi tạo đỉnh, cổ phiếu này giảm, đóng cửa phiên 31/7 ở 9.500 đồng/cp.

Trở lại diễn biến giao dịch của cổ phiếu CKG, sau khi mã này chào sàn, các cổ đông lớn của công ty liên tục thực hiện giao dịch. Đơn cử, cổ đông lớn Nguyễn Ngọc Tiền đã mua vào và bán ra hàng trăm nghìn cổ phiếu CKG kể từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 7.

Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính được công bố mới đây cho thấy cổ đông tổ chức là Chứng khoán ACB (ACBS) đã bán ra gần hết số lượng cổ phiếu CKG nắm giữ.

Nhộn nhịp thoái vốn CKG sau lên sàn: Hé lộ công ty chứng khoán bán gần hết, cổ đông lớn liên tục giao dịch - Ảnh 1.

Cơ cấu cổ đông của Xây dựng Kiên Giang tính đến ngày 30/6/2020. Nguồn: BCTC

Ghi nhận trên báo cáo tài chính của công ty, tính đến ngày 30/6, vốn góp của Chứng khoán ACB chỉ còn 946 triệu đồng, tương đương 0,18% vốn điều lệ của công ty. Tại ngày 31/12/2019, vốn góp của Chứng khoán ACB tại CKG là gần 23,9 tỉ đồng, tương đương 4,8% vốn điều lệ của công ty. Cập nhật tại thời điểm 31/3, vốn góp của công ty chứng khoán này là 23,9 tỉ đồng. Theo đó, Chứng khoán ACB đã bán ra gần 2,2 triệu cổ phiếu.

Với diễn biến thanh khoản chỉ vài chục nghìn đơn vị mỗi phiên trong những ngày đầu lên sàn, nhiều khả năng Chứng khoán ACBS đã bán ra lượng lớn cổ phiếu trong gần 2,2 triệu cp trong giai đoạn mã này tăng giá mạnh.

Ghi nhận trong quí II, Chứng khoán ACB giao dịch gần 8,3 triệu cổ phiếu với giá trị 127,6 tỉ đồng, tương đương mức giá bình quân gần 15.400 đồng/cp.

Cơ cấu cổ đông phân mảnh của Xây dựng Kiên Giang

Trở lại cơ cấu cổ đông của Xây dựng Kiên Giang, công ty có cấu trúc sở hữu tương đối phân mảnh. Tính đến ngày 30/6, các nhà đầu tư cá nhân nắm giữ khoảng 40,7 triệu cổ phiếu CKG, tương đương 81,4% vốn điều lệ của công ty.

Ngoại trừ cổ đông lớn là tổ chức – CTCP Đầu tư Xây dựng HUD Kiên Giang (sở hữu khoảng 6,9% vốn điều lệ, hàng loạt tổ chức khác đang nắm giữ cổ phần tại công ty với tỉ lệ dưới 5% như Phương Nam Kiên Giang, Cấp Thoát nước Kiên Giang, Phát triển Đô thị Kiên Giang, Nam Dương, Bất động sản Đảo Vàng, Kiến trúc ATA. Mới đây nhất là CTCP DV Tài chính và mua bán nợ VN trở thành cổ đông của công ty.

Trước khi Xây dựng Kiên Giang niêm yết trên HOSE, cổ đông lớn là công đoàn Công ty CP Du lịch Hòa Bình Việt Nam đã thoái toàn bộ 6,36% vốn điều lệ tại công ty.

Về sở hữu của ban lãnh đạo, ông Trần Thọ Thắng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc nắm giữ hơn 4,15 triệu cổ phiếu CKG, tương đương 8,3% vốn điều lệ của công ty. Các thành viên HĐQT khác cũng sở hữu cổ phần cá nhân như bà Nguyễn Thị Hoa Lệ (4,13%), bà Nguyễn Thị Diệu Trâm (1,43%) và ông Lê Trọng Ngọc (1,3%).

Nhộn nhịp thoái vốn CKG sau lên sàn: Hé lộ công ty chứng khoán bán gần hết, cổ đông lớn liên tục giao dịch - Ảnh 2.

Cổ đông lớn, NĐT tổ chức liên tục thoái vốn khỏi CKG sau giai đoạn tăng giá mạnh. Nguồn: TradingView

Những phân tích trên đã cho thấy cổ đông tổ chức và cổ đông lớn "nhộn nhịp" giao dịch cổ phiếu CKG sau khi mã này chào sàn HOSE. Đặc biệt là việc giao dịch của cổ đông lớn và cổ đông tổ chức diễn ra trong giai đoạn cổ phiếu CKG nổi sóng tăng mạnh.

Câu hỏi đặt ra cho cổ đông là hoạt động kinh doanh của công ty đang diễn ra ra sao trong bối cảnh cổ đông lớn và nhà đầu tư tổ chức liên tục thoái vốn? Người viết phân tích về tình hình tài chính và kinh doanh của công ty trong bài viết tới.

Lợi Hoàng