|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nhóm doanh nghiệp nhà TNG Holdings xuất hiện tại KĐT 12.000 tỷ ở Lâm Đồng

11:34 | 06/10/2023
Chia sẻ
Khu đô thị mới Nam sông Đa Nhim (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) có tổng mức đầu tư gần 12.000 tỷ đồng. Dự án từng lọt tầm mắt FLC, T&T, Ecopark và mới đây là sự xuất hiện của nhóm doanh nghiệp nhà TNG Holdings.

Khu vực thượng nguồn sông Đa Nhim. (Ảnh: Báo Lâm Đồng).

Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng mới đây đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến về năng lực tài chính của liên danh muốn đầu tư dự án Khu đô thị mới Nam Sông Đa Nhim là CTCP Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân, CTCP Phát triển Bất động sản An Phúc, CTCP Bất động sản Hano-Vid. Các doanh nghiệp này đều có liên quan đến Tập đoàn TNG Holdings Vietnam. 

Theo đó, dự án Khu đô thị mới Nam sông Đa Nhim có diện tích gần 154 ha, tổng vốn đầu tư gần 12.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu hơn 3.200 tỷ đồng; vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác là khoảng 8.559 tỷ đồng.

Theo thỏa thuận liên danh ngày 18/5/2023, trong đó CTCP Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân tham gia vốn chủ sở hữu hơn 1.477 tỷ đồng, CTCP Phát triển bất động sản An Phúc tham gia vốn chủ sở hữu 493 tỷ đồng và CTCP Bất động sản Hano - Vid tham gia vốn chủ sở hữu hơn 1.313 tỷ đồng.

Theo quy định liên danh phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư, tương ứng với vốn chủ sở hữu tối thiểu để thực hiện dự án là 1.776 tỷ đồng. Tại chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị mới Nam sông Đa Nhim (cấp lần đầu ngày 4/11/2022), UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt vốn chủ sở hữu thực hiện dự án hơn 3.283 tỷ đồng.

Do đó, theo Sở Tài chính, liên danh nhà đầu tư sử dụng vốn chủ sở hữu số tiền tối thiểu như trên để tham gia thực hiện dự án.

Tại báo cáo tài chính (đã kiểm toán) của các doanh nghiệp, số dư vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2021 và cuối năm 2022 của CTCP Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân lần lượt là 3.947 tỷ và 3.954 tỷ đồng; của CTCP Phát triển bất động sản Hano - Vid  lần lượt là 4.008 tỷ đồng và 5.238 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của CTCP Phát triển bất động sản An Phúc tại thời điểm cuối năm 2022 là 950 tỷ đồng.

Về khả năng huy động vốn, đại diện liên danh là CTCP Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân cam kết vốn vay công ty phải huy động để thực hiện dự án là khoảng 8.559 tỷ đồng.

Theo hồ sơ Sở Tài chính nhận được có thư cam kết cho vay ngày 18/5/2023 của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) - chi nhánh Hà Nội. Trong đó, OCB sẽ xem xét cho CTCP Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân vay/thu xếp vốn tối đa là khoảng 8.559 tỷ đồng để thực hiện dự án nói trên với điều kiện công ty thực hiện theo đúng các yêu cầu, quy định nội bộ của Ngân hàng OCB, các quy định của pháp luật hiện hành về cho vay và phụ thuộc vào tình hình nguồn vốn của ngân hàng trong từng thời kỳ.

Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng đánh giá năng lực tài chính (vốn chủ sở hữu, khả năng huy động vốn) tại thời điểm xem xét của liên danh nói trên đảm bảo điều kiện theo quy định về tiến độ sử dụng đất để thực hiện dự án Khu đô thị mới Nam sông Đa Nhim.

Dự án từng lọt tầm mắt của FLC, T&T, Ecopark

Dự án Khu đô thị Nam sông Đa Nhim được UBND tỉnh Lâm Đồng ủng hộ ý tưởng và thống nhất đề xuất của Tập đoàn FLC về khảo sát nghiên cứu vào năm 2018.

Quy hoạch chi tiết Khu đô thị đã được UBND huyện Đức Trọng phê duyệt tại quyết định số 524/QĐ-UBND tháng 3/2020.

Trên cơ sở quy hoạch chi tiết khu đô thị Nam Sông Đa Nhim được phê duyệt, Tập đoàn FLC đã lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án. Tuy nhiên, huyện này cho biết, vào tháng 3/2022 vừa qua, Bộ Kế hoạch Đầu tư có văn bản về việc dừng xem xét hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Khu đô thị nói trên.

Đến tháng 6/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản không chấp nhận hồ sơ chủ trương đầu tư dự án nói trên của CTCP Tập đoàn FLC do không đáp ứng các điều kiện.

Còn nhớ, ngày 17/6/2021, Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB) chi nhánh Long Biên - Hà Nội đã có văn bản cam kết cấp tín dụng số 29/2021/034/CKTD-MSB (có hiệu lực đến hết ngày 17/6/2024).

Qua đó, ngân hàng cam kết thu xếp tài chính hoặc là đầu mối thu xếp tài chính cho Tập đoàn FLC với số tiền không vượt quá 11.116 tỷ đồng để thực hiện dự án nói trên nếu công ty đáp ứng đầy đủ các quy định của Ngân hàng và pháp luật tại thời điểm đề nghị cấp tín dụng.

Trong một diễn biến khác, tháng 3/2022, CTCP Tập đoàn T&T có văn bản đề xuất đăng ký thực hiện dự án này. Về đề xuất, đầu tháng 4/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư Lâm Đồng đã có văn bản phản hồi và đề nghị doanh nghiệp nộp hồ sơ về Sở trước ngày 18/4. Sở sẽ xem xét hồ sơ của công ty khi hồ sơ đề xuất dự án đầu tư của FLC không đáp ứng các điều kiện quy định.

Trường hợp T&T không nộp hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, sau khi UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án KĐT Nam sông Đa Nhim, Sở sẽ thông báo rộng rãi trên mạng đấu thầu quốc gia và sẽ thông tin đến T&T để tham gia đăng ký thực hiện dự án và tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Đến tháng 2/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng công bố kết quả mở hồ sơ quan tâm dự án này thì chỉ có nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện là liên danh CTCP Đầu tư và Phát triển Ecolives - CTCP Tập đoàn Ecopark.

Tháng 5/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất gia hạn thời gian nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án để các nhà đầu tư tiếp cận thông tin và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án trên.

Công Tâm

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.