NHNN sắp cho phép thử nghiệm cho vay ngang hàng (P2P Lending)
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo về Nghị định quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng.
Trong bản dự thảo lần này, NHNN đã cho phép thử nghiệm với ba giải pháp tài chính công nghệ (fintech) là chấm điểm tín dụng; chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) và cho vay ngang hàng (P2P Lending), giảm so với 6 giải pháp trong những dự thảo trước.
Theo NHNN, nguyên nhân chỉ còn cho phép thử nghiệm ba giải pháp đến từ nguồn lực triển khai, ý kiến thẩm định lần 1 của Bộ Tư pháp và trên cơ sở rà soát các quy định pháp luật có liên quan.
Thời gian thử nghiệm các giải pháp trên tối đa 2 năm, tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể, tính từ thời điểm được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm. Căn cứ vào tình hình thực tế, NHNN có thể điều chỉnh thời gian thử nghiệm.
Về lĩnh vực cho vay ngang hàng, NHNN cho biết trong giai đoạn gần đây, một số công ty lấy danh nghĩa mô hình này, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để lừa bịp, gian dối, quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền vốn của người dân bỏ tiền đầu tư mô hình cho vay này
Cũng có trường hợp các công ty lừa dối người vay về lãi suất “thấp”, điều kiện vay ưu đãi trong khi tính và áp dụng mức lãi suất thực tế cao “cắt cổ”, tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân.
Ngoài ra, các thỏa thuận đầu tư trong mô hình cho vay ngang hàng thiếu rõ ràng, minh bạch, thiếu ràng buộc có tính pháp lý, chưa có cơ chế giám sát, hậu kiểm đối với việc sử dụng, quản lý vốn vay đúng mục đích của người đi vay, nên có thể dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện giữa các bên.
Do đó, NHNN đã xây dựng dự thảo để tạo lập môi trường thử nghiệm nhằm đánh giá rủi ro, hạn chế rủi ro cho khách hàng và xây dựng, hoàn thiện quy định pháp lý.
Yêu cầu để tham gia cơ chế thử nghiệm
Để được xem xét cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm, các công ty cho vay ngang hàng cần đáp ứng những một loạt các điều triện.
Thứ nhất, công ty phải là pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam; không trong quá trình chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, phá sản; không hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ.
Thứ hai, người đại diện pháp luật, Giám đốc công ty không có án tích, không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và an ninh mạng; không đồng thời là chủ sở hữu, quản lý doanh nghiệp dịch vụ tài chính, tín dụng, cầm đồ, đa cấp, là chủ các dây hụi, họ, biêu, phường hoặc đang là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám, Phó Tổng giám đốc và các chức danh tương đương của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Thứ ba, người thành lập, quản lý doanh nghiệp không được lợi dụng ưu thế quản lý, điều hành để thực hiện các hành vi xâm phạm tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.
Thứ tư, người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc của công ty cho vay ngang hàng phải có bằng đại học trở lên về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật, công nghệ thông tin.
Đồng thời, phải có ít nhất hai năm kinh nghiệm là người quản lý, người điều hành của tổ chức trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và không thuộc những đối tượng bị cấm theo quy định của pháp luật.
Cuối cùng, giải pháp đăng ký tham gia cơ chế thử nghiệm thỏa mãn các tiêu chí như: chưa có hướng dẫn cụ thể, có tính đổi mới, đã có khung quản trị rủi ro, đã được rà soát về chức năng, công dụng tính hữu ích và có tính khả thi.