|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhìn từ chuyển biến lạ ở thị trường Trung Quốc

10:25 | 21/04/2019
Chia sẻ
Số liệu thống kê lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong quí đầu của năm nay của Tổng cục Thống kê cho thấy một chuyện lạ. Đó là, Trung Quốc - thị trường nguồn lớn nhất của ngành du lịch, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhìn từ chuyển biến lạ ở thị trường Trung Quốc - Ảnh 1.

Khách Trung Quốc tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Đào Loan

Trung Quốc là một thị trường đặc biệt, trừ sự sụt giảm khách đột ngột vào năm 2015, do Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khiến quan hệ giữa hai nước căng thẳng, thì thị trường này luôn tăng trưởng đều. Sự sụt giảm, nếu có chỉ là tạm thời trong một tháng chứ không kéo dài đến cả quí như đầu năm nay.

Trao đổi với TBKTSG, nhiều doanh nghiệp cho rằng, tỷ lệ sụt giảm 5,6% là chưa đáng báo động nhưng đây là dấu hiệu mà ngành du lịch phải xem xét kỹ để tìm ra nguyên nhân cùng những cách đối phó, phòng khi có sự cố vì khách Trung Quốc chiếm khoảng 30% trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam.

Chiếm lĩnh thị trường này là doanh nghiệp Trung Quốc, chủ yếu là những doanh nghiệp khai thác các chuyến bay thuê bao đưa khách đến một số vùng du lịch biển như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Phú Quốc. Trong đó, Khánh Hòa hiện là nơi đón các chuyến bay thuê bao nhiều nhất, khoảng 200 chuyến/tuần.

Nhiều doanh nghiệp cho biết số lượng các chuyến bay thuê bao đến những vùng này hiện vẫn chưa có biến động nhưng phía Trung Quốc thì đã có một số thay đổi. Doanh nghiệp nước này đang chuyển một số chuyến bay sang những thị trường mới trong khu vực.

“Sihanoukville của Campuchia là một trong số đó. Khi hàng chục casino do người Trung Quốc đầu tư đi vào hoạt động thì hiện mỗi ngày có hàng chục chuyến bay đưa khách đến đây trong khi những năm trước rất ít”, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Công ty Du lịch Viet Excursions, nói.

Theo ông, mảng du lịch tàu biển cũng có một số thay đổi. Một vài hãng tàu châu Âu, Mỹ chuyển cảng chính từ Trung Quốc sang Hàn Quốc và Nhật Bản nên không còn chạy tuyến nối Trung Quốc với Việt Nam làm cho số khách đi bằng đường biển ít hơn. Thêm vào đó, một số tàu chuyên đón khách Trung Quốc và đi trên tuyến nối với Việt Nam tuy vẫn tiếp tục đến nhưng số lượng khách xuống bờ tham quan ít hơn trước.

“Hai chuyển động trên đặt ra vấn đề về làm sản phẩm, phải nhanh chóng có những sản phẩm hấp dẫn để thu hút khách, cạnh tranh với các điểm đến lân cận”, ông Xuân Anh nói.

Theo báo cáo thường niên du lịch Việt Nam 2017, báo cáo thường nên mới nhất của Tổng cục Du lịch, Trung Quốc không những chiếm số lượng áp đảo về lượng khách mà còn đóng góp rất lớn cho do tổng thu từ khách du lịch. Năm 2017, du khách nước này đã chi 77.000 tỉ đồng, tức hơn 3,3 tỉ đô la Mỹ tại Việt Nam, đóng góp đến 23,9% trong tổng thu 316.000 tỉ đồng từ khách du lịch quốc tế.

Một số doanh nhân cho rằng cần phải nhận định lại để có những đầu tư thích hợp hơn cho thị trường láng giềng. Đây là thị trường nguồn lớn nhất không chỉ của ngành du lịch Việt Nam mà còn là của thế giới.

Nhìn từ chuyển biến lạ ở thị trường Trung Quốc - Ảnh 2.

Ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc điều hành Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), cho rằng tuy sự sụt giảm trong ba tháng qua chưa đáng kể nhưng cần phải nhìn bao quát thị trường để xem sự sụt giảm này đến từ phân khúc nào, từ khách du lịch biên giới, khách đi tour truyền thống, tour tàu biển hay đến bằng máy bay thuê bao... nhằm có những ứng phó phù hợp. Trong trường hợp quí 1 giảm khách nhưng lịch trình khai thác sau đó tốt thì là điều đáng mừng nhưng nếu lỡ có một đợt suy giảm nữa thì vấn đề đặt ra là liệu ngành du lịch có thể nhanh chóng đưa ra một chương trình kích cầu hoặc chuyển sang những thị trường khác nhằm giảm tác động tiêu cực như đã từng xảy ra ở một số địa phương đón nhiều khách Trung Quốc hồi năm 2015 hay không.

“Chưa thể nói gì vào lúc này. Việc cần thiết nhất là phải đánh giá kỹ từng phân khúc để tìm hiểu nguyên nhân và dự phòng các biện pháp ứng phó khi có thay đổi lớn”, ông nói.

Cũng theo ông, cần phải có sự đầu tư mang tính chiều sâu hơn cho thị trường để đa dạng phân khúc khách hàng, để du khách được phục vụ tốt hơn nhằm mang lại nguồn lợi lớn hơn cho du lịch. Khó có điểm đến nào có thể làm ngơ trước thị trường lớn như Trung Quốc. Vào những nhà hàng ở Mỹ, Nhật Bản hay Maldives đều có thể thấy bên cạnh thực đơn bằng tiếng bản địa còn có tiếng Trung. Dịch vụ cho lượng khách này được đầu tư đa dạng, các chương trình tiếp thị được đầu tư tương xứng với quy mô của thị trường... Trong khi đó, Việt Nam chưa có những đầu tư mạnh mẽ cho thị trường được xác định là trọng điểm.

Nhìn từ chuyển biến lạ ở thị trường Trung Quốc - Ảnh 3.

Đào Loan