|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhìn mớ rắc rối của Boeing mới thấy Warren Buffett đã đúng khi bỏ cổ phiếu hàng không 4 năm trước

10:17 | 10/04/2024
Chia sẻ
Năm 2020, các hãng hàng không Mỹ rơi vào khủng hoảng vì đại dịch COVID-19. Sang năm 2024, một "thiên nga đen" mới lại xuất hiện, đó là các rắc rối của máy bay Boeing.

Warren Buffett, Chủ tịch kiêm CEO Berkshire Hathaway. (Ảnh: MarketWatch). 

Thiên nga đen

4 năm trước, ngành hàng không Mỹ suýt nữa đã ngã quỵ trước sự kiện “thiên nga đen” là đại dịch COVID-19. Vào tháng 4/2020, số lượng hành khách của các hãng hàng không Mỹ giảm gần 95%. Hai tháng sau, khoảng 16.000 chiếc máy bay bị đem đi đắp chiếu.

Năm 2016, Warren Buffett chỉ đạo Berkshire Hathaway mua 10 tỷ USD cổ phiếu 4 hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ là Delta, American, United và Southwest Airlines. Đây là điều đáng chú ý bởi trước đó ông thường chỉ trích các hãng bay là hố đen nuốt tiền.

Song, sang năm 2020, khi COVID-19 xuất hiện và lượng hành khách giảm hơn 90%, Buffett đã rũ sạch cổ phiếu hàng không trong danh mục của Berkshire.

Buffett thừa nhận tập đoàn phải chịu lỗ vì quyết định đầu tư này. Ông giải thích lý do thoái vốn: “Berkshire đã rút tiền ra khỏi ngành hàng không dù phải chịu lỗ đáng kể. Chúng tôi sẽ không tài trợ cho những công ty mà chúng tôi đoán là sẽ tiếp tục đốt tiền trong tương lai”.

4 năm sau, lưu lượng hành khách toàn cầu được dự đoán sẽ vượt mức năm 2019. Theo các ước tính, ngành hàng không sẽ phục vụ 9,7 tỷ lượt khách trong năm 2024, con số cao nhất từ trước đến nay.

Tại Mỹ, chính phủ đã rót 50 tỷ USD cho các hãng hàng không và sân bay, đồng thời vắc xin COVID-19 giúp công chúng tự tin khi di chuyển.

Nhưng phải chăng Warren Buffett vẫn là người đúng? Hoạt động của các hãng hàng không đã hồi phục, nhưng giá cổ phiếu của họ thì không. Hơn nữa, có thể ngành hàng không đang đối mặt với một thiên nga đen khác.

Khổ vì Boeing

Ngày 11/3/2024, giá cổ phiếu của các hãng hàng không Mỹ lại lao dốc khi Boeing không thể giao máy bay 737 MAX đúng hạn và xin giấy phép cho mẫu này. Nỗi lo về độ an toàn sau sự cố cánh cửa của máy bay 737 MAX của Alaska Airlines bị bung ra giữa bầu trời cũng có ảnh hưởng lớn, tờ Forbes cho hay. 

Cổ phiếu Southwest Airlines chịu tác động nặng nề nhất. Toàn bộ 820 máy bay của hãng này là các dòng của Boeing 737. Hôm 8/3, Southwest đóng cửa ở mức 34,3 USD. Ngày 11/3, sau một tuần lo ngại về Boeing, Southwest kết phiên ở 28,8 USD/cp, tương ứng mức giảm hơn 15%. Đến ngày 8/4, cổ phiếu này vẫn chưa hồi phục.

 

Southwest Airlines đã hạ dự báo công suất năm 2024 vì Boeing sẽ không kịp giao hàng như dự kiến. Hãng có thể sẽ chỉ nhận được 46 chiếc Boeing 737 Max trong năm nay, thấp hơn hẳn kỳ vọng ban đầu là 79 chiếc.

Một nỗi lo khác của các hãng hàng không là công cụ tìm kiếm dữ liệu du lịch Kayak có tùy chọn lọc để loại bỏ các mẫu máy bay mà người dùng không thích. Kể từ hôm 6/1 - một ngày sau sự cố của Alaska - số lượt tìm kiếm chuyến bay loại trừ mẫu Boeing 737 Max 9 đã nhảy vọt 15 lần.

Gần đây nhất, một máy bay Boeing của Southwest Airlines đã bị mất nắp động cơ khi cất cánh. Các vấn đề về kiểm soát chất lượng đã buộc Boeing phải hạn chế số máy bay mà công ty sản xuất.

United Airlines yêu cầu Boeing ngừng chế tạo máy bay MAX 10 cho họ và thay vào đó nên tập trung sản xuất thêm mẫu MAX 9. Ông Scott Kirby, CEO United Airlines, giải thích: “Không ai có thể nói trước khi nào máy bay Max 10 sẽ được cấp chứng nhận”.

CEO của Southwest Airlines là ông Bob Jordan tuyên bố: “Boeing phải cải tổ rồi sau đó mới có thể giao máy bay đúng hạn”.

Rắc rối của Boeing đã trở thành chủ đề nóng hổi của giới truyền thông, bị xếp cùng với tin tức giật gân về án mạng và ma túy. Các hãng hàng không bị mắc kẹt. Về bản chất, thị trường máy bay mang tính độc quyền, Boeing và Airbus cung cấp toàn bộ máy bay chở khách cỡ lớn.

Nhiều hãng hàng không muốn mua mẫu Airbus A321NEO. Tuy nhiên, nhu cầu hiện nay vượt quá những gì Airbus có thể cung ứng, làm giới hạn khả năng tăng trưởng của các hãng hàng không.

Quyết định khôn ngoan

Warren Buffett từng nói: “Loại hình kinh doanh tồi tệ nhất là những doanh nghiệp tăng trưởng nhanh chóng, đòi hỏi nguồn vốn đáng kể để thúc đẩy tăng trưởng nhưng sau đó kiếm được rất ít hoặc không kiếm được tiền. Ví dụ là các hãng hàng không”.

Vị tỷ phú hứng chịu không ít chỉ trích vì quay lưng với hàng không vào tháng 5/2020. Một tháng sau, Tổng thống Donald Trump công khai bình luận: “Warren Buffett bán ra cổ phiếu hàng không cách đây ít lâu.

Ông ta đã đúng về rất nhiều thứ trong cuộc đời, nhưng đôi khi ngay cả người thông minh như Warren Buffett cũng mắc sai lầm. Đáng ra Berkshire nên giữ lại cổ phiếu hàng không, vì giá của chúng nhảy vọt ngày hôm nay”.

Nhưng Buffett tuân theo chiến lược dài hạn. 4 năm sau khi ông thoái vốn, nhiều cổ phiếu hàng không mới chỉ tăng thêm chút ít kể từ mức giá thê thảm trong đại dịch. Trong khi đó, tình hình kinh doanh của Berkshire lại đang bùng nổ.

Tập đoàn của Buffett ghi nhận lợi nhuận hoạt động từ các công ty bảo hiểm, đường sắt và tiện ích tăng 28% trong quý IV/2023, lên 8,48 tỷ USD. Berkshire nắm trong tay 167,6 tỷ USD tiền mặt, nhiều hơn 10 tỷ USD so với quý trước đó. Cổ phiếu hạng A của Berkshire Hathaway đã tăng khoảng 16% trong năm nay.

 

Nhà hiền triết xứ Omaha hiểu rằng các hãng hàng không rất dễ bị tổn thương bởi những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Năm 2020, yếu tố khó lường là đại dịch. Năm 2024, thiên nga đen là khủng hoảng tại Boeing, công ty sản xuất máy bay cho họ.

Vào ngày 1/5/2020, American Airlines đóng cửa ở 10,6 USD/cp, giảm hơn 60% từ mức giá 28,7 ngày 31/12/2019. Sau hai năm phục hồi từ đại dịch, American kết phiên 8/4/2024 ở mức 13,9 USD/cp.

Ngày 1/5/2020, Southwest Airlines có giá 29,2 USD/cp. Ngày 8/4/2024, cổ phiếu hàng không này đóng cửa ở mức 28,7 USD/cp, dù đại địch đã chấm dứt và hãng này đang hoạt động hết công suất.

Vì những rắc rối của Boeing, 2024 sẽ lại là một năm đầy thử thách đối với các hãng hàng không. Nhưng ít nhất đối với Warren Buffett, các hãng hàng không và vấn đề của họ đã không còn là điều ông phải bận tâm.

Giang