|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dậy sóng cổ phiếu KCN: Thiết lập đỉnh lịch sử, giá tăng bằng lần, dư mua trần hàng triệu đơn vị khi 'tân binh' lên sàn... không ai bán

06:52 | 11/06/2019
Chia sẻ
So với mức giảm 15,5% của chỉ số VN-Index trong một năm qua, các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp ghi nhận giao dịch ấn tượng khi giá cổ phiếu liên tục vượt đỉnh, đi cùng diễn biến giá tích cực là thanh khoản tăng vọt.

Kể từ giữa tháng 3 đến nay, thị trường chung rơi vào nhịp điều chỉnh với thanh khoản sụt giảm do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và tâm lý "Sell in May". Trong bối cảnh này, cổ phiếu nhóm bất động sản khu công nghiệp với câu chuyện hưởng lợi từ chiến tranh thương mại đã thu hút được dòng tiền và liên tiếp thiết lập kỉ lục về giá.

Cổ phiếu KCN đua nhau 'phá' đỉnh

Nếu như trong một năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến không mấy khả quan với mức giảm 15,5% của chỉ số VN-Index, các cổ phiếu khu công nghiệp đều ghi nhận giao dịch tích cực với thanh khoản tăng vọt, đặc biệt trong thời gian gần đây.

Dậy sóng cổ phiếu KCN: Thiết lập đỉnh lịch sử, giá tăng bằng lần, dư mua trần hàng triệu đơn vị khi tân binh lên sàn... không ai bán - Ảnh 1.

Diến biến các cổ phiếu khu công nghiệp trong vòng một năm. Nguồn: VNDirect

Cái tên "hot" nhất phải kể đển cổ phiếu SIP của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG. Ngay từ phiên giao dịch đầu tiên trên UPCoM vào ngày 6/6 với giá tham chiếu 17.200 đồng/cp, cổ phiếu này đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư với khối lượng dư mua hàng triệu đơn vị tại mức giá trần. Tuy nhiên, trong ba phiên liên tiếp, cổ phiếu SIP không có đơn vị nào được bán ra, hiện vẫn dừng ở mức giá 17.200 đồng/cp.

Dậy sóng cổ phiếu KCN: Thiết lập đỉnh lịch sử, giá tăng bằng lần, dư mua trần hàng triệu đơn vị khi tân binh lên sàn... không ai bán - Ảnh 2.

Diến biễn giá cổ phiếu khu công nghiệp sau một năm. Nguồn: Sơn Tùng tổng hợp

Cũng giao dịch trên UPCoM, cổ phiếu VRG của CTCP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam đang có đợt tăng giá ấn tượng. Vốn không được nhiều nhà đầu tư quan tâm trước đó do thanh khoản thấp, tuy nhiên trong khoảng một tháng trở lại đây, cổ phiếu VRG bật tăng mạnh với thanh khoản đột biến. Kết phiên 10/6, cổ phiếu VRG dừng ở mức giá 13.000 đồng/cp, tăng gấp 2,25 lần sau một năm.

Đáng chú ý, hai cổ phiếu NTC của CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên và D2D của CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2 đang 'làm mưa làm gió' trên thị trường trong thời gian gần đây khi liên tiếp phá đỉnh. Ghi nhận trong một năm qua, giá cổ phiếu NTC có mức tăng trưởng ấn tượng 170,9%, hiện đang giao dịch tại 150.100 đồng/cp, trong khi cổ phiếu D2D cũng ghi nhận mức tăng lên đến 111,9%, đóng cửa phiên giao dịch 10/6 tại 139.000 đồng/cp.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu 'họ' Sonadezi cũng ghi nhận sự bứt phá. Cụ thể, cổ phiếu SNZ của Tổng CTCP Phát triển Khu công nghiệp tăng 128,6% lên 22.400 đồng/cp. Cổ phiếu của hai công ty thành viên là Sonadezi Châu Đức (Mã: SZC) và Sonadezi Long Thành (Mã: SZL) có mức tăng trưởng lần lượt 90,5% và 54,8%.

Ngoài ra, cổ phiếu KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc đạt mức tăng 14,6%. Riêng cổ phiếu LHG của CTCP Long Hậu lại 'ngược sóng' với mức giảm 1,8%.

Kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng

Hầu hết các doanh nghiệp trong nhóm đều có mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ấn tượng trong năm 2018 cũng như quý I/2019, trong đó có những doanh nghiệp đạt mức tăng hơn 100%.

Dậy sóng cổ phiếu KCN: Thiết lập đỉnh lịch sử, giá tăng bằng lần, dư mua trần hàng triệu đơn vị khi tân binh lên sàn... không ai bán - Ảnh 3.

Kết quả kinh doanh năm 2017 - 2018 của các công ty nhóm Khu công nghiệp. Nguồn: Sơn Tùng tổng hợp

Nam Tân Uyên có mức tăng trường doanh thu và lợi nhuận cao nhất, lần lượt đạt 264,4% và 229,6% nhờ lợi thế về quỹ đất cho thuê lớn. Đến quý I/2019, doanh thu Nam Tân Uyên tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 39,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhờ ghi nhận doanh thu tài chính hơn 60 tỉ đồng từ lãi tiền gửi ngân hàng và cổ tức, lợi nhuận sau thuế đạt 69,8 tỉ đồng, tăng 114,8%. Tính đến 31/3, tồng tài sản đạt 3,297 tỉ đồng, trong đó có hơn 1.041 tỉ đồng tiền gửi ngân hàng và 1.037 tỉ đồng chi phí trả trước, chủ yếu tiền thuê đất do đối tác đặt trước.

Đứng thứ hai về hiệu quả kinh doanh là Đầu tư Sài Gòn VRG. Năm 2018, công ty đạt được doanh thu 3.244,3 tỉ đồng, tăng 25,7% so với năm trước. Trong đó, trên 50% tổng doanh thu của Sài Gòn VRG đến từ  hoạt động bán điện, nước, trên 10% đến từ hoạt động bán thành phẩm, phần còn lại nhờ cung cấp dịch vụ tiện ích KCN, cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng, bán hàng hoá, xây dựng và các hoạt động khác. Theo đó, lợi nhuận sau thuế đạt 248,5 tỉ đồng, tăng trưởng 39,8%.

Tình hình kinh doanh trong quý I/2019, công ty ghi nhận doanh thu đạt 858 tỉ đồng, tăng 17,9% so với cùng kì năm trước; LNST tăng 17,4%, đạt 67,5 tỉ đồng. Năm 2019, Đầu tư Sài Gòn VRG đặt chỉ tiêu doanh thu thuần 3.000 tỉ đồng, giảm 7,39% so với năm 2018; lợi nhuận sau thuế 200 tỉ đồng, giảm 19,54%.

Dậy sóng cổ phiếu KCN: Thiết lập đỉnh lịch sử, giá tăng bằng lần, dư mua trần hàng triệu đơn vị khi tân binh lên sàn... không ai bán - Ảnh 4.

Kết quả kinh doanh quý I/2019 của các doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp. Nguồn: Sơn Tùng tổng hợp

Tổng CTCP Phát triển Khu công nghiệp ghi nhận 4.314,3 tỉ đồng doanh thu và 794,4 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2018, tăng trưởng lần lượt 13,9% và 35,4%.

Sonadezi đã phát triển hơn 11 khu công nghiệp trọng điểm và hiện đang phát triển các KCN lớn tại Bà Rịa – Vũng Tàu, tiêu biếu như KCN Biên Hòa, Amata, Châu Đức, Gò Dầu, Giang Điền, … Nhờ kết quả tích cực từ các công ty con và công ty liên kết, quý I/2019, công ty tiếp tục đạt được tăng trưởng 9,6% doanh thu và 2,3% lợi nhuận sau thuế, tương ứng đạt lần lượt 975,4 tỉ đồng và 178,8 tỉ đồng.

Hai công ty thành viên của Sonadezi là Sonadezi Châu Đức và Sonadezi Long Thành cũng có kết quả tốt. Trong đó, Sonadezi Châu Đức đạt mức tăng trưởng 33,8% lợi nhuận sau thuế năm 2018, trong khi Sonadezi Long Thành đạt 22,5%.

Sonadezi Châu Đức hiện là chủ đầu tư KCN Châu Đức quy mô 2.245ha và dự án sân Golf Châu Đức 36 lỗ với diện tích 152ha. Quý I/2019, công ty ghi nhận doanh thu 48 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 18,5 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 42,4 và 20,9%.

Với Sonadezi Long Thành, công ty ghi nhận doanh thu và lợi nhuận giảm trong quý I do ảnh hưởng bởi giá vốn tăng, doanh thu tài chính giảm cũng như không còn ưu đãi thuế doanh nghiệp. Cụ thể, doanh thu đạt 95,4 tỉ đồng, giảm 0,7% trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 22,5 tỉ đồng, giảm 20,7%.

Một doanh nghiệp khác cũng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm trong quý I là Long Hậu, doanh thu công ty đạt 172,6 tỉ đồng trong kỳ, tăng trưởng 3,2%. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng mạnh 52,8% so với kỳ trước, dẫn đến lợi nhuận sau thuế giảm 28,3%, đạt 54,8 tỉ đồng.

Đáng chú ý, Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam ghi nhận lợi nhuận âm trong quý I vừa qua. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế ghi nhận âm 0,4 tỉ đồng do tăng chi phí quản lý doanh nghiệp, từ 0,9 tỉ đồng lên 1,8 tỉ đồng.

Triển vọng phát triển của nhóm cổ phiếu Khu công nghiệp

Trong Báo cáo Triển vọng thị trường chứng khoán 2019 mới ra đầu tháng 6, Công ty Cổ phần Chứng khoán Đại Nam (DNSE) cho rằng lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp là lĩnh vực được hưởng lợi trực tiếp và mãnh mẽ nhất từ xu hướng chuyển dịch sản xuất trên thế giới sang Việt Nam. Điều này có thể dễ dàng nhận biết qua số vốn đầu tư trực tiếp FDI vào Việt Nam liên tục tăng mạnh trong nhiều năm qua.

Dậy sóng cổ phiếu KCN: Thiết lập đỉnh lịch sử, giá tăng bằng lần, dư mua trần hàng triệu đơn vị khi tân binh lên sàn... không ai bán - Ảnh 6.

Tình hình cho thuê các KCN đã triển khai. Nguồn: DNSE

Theo Chứng khoán Đại Nam, làn sóng đầu tư này đang có xu hướng ngày càng mạnh lên từ chính các nước châu Á, các quốc gia đã từng là công xưởng của thế giới trong những thập niên trước như Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc. Lý do xuất phát từ nền kinh tế chính trị ổn định với nguồn nhân công dồi dào với chi phí thấp.

Sự chuyển dịch ồ ạt này đã dẫn đến việc tăng giá thuê đất KCN rất nhanh trong những năm trở lại đây, cùng với đó là những lo ngại về quỹ đất còn lại để phát triển KCN khi mà hệ số lấp đầy liên tục tăng cao và gần đạt ngưỡng giới hạn. Do đó, các doanh nghiệp KCN có thể đạt được những kết quả bùng nổ về doanh thu cũng như lợi nhuận trong những năm tới.

Sơn Tùng