|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nhìn lại một năm đầy sóng dữ với thị trường condotel

19:40 | 31/12/2019
Chia sẻ
Thị trường condotel năm 2019 rúng động và chao đảo khi phải đối mặt với hai "cú sốc" lớn, đó là tình trạng thắt chặt tín dụng vào bất động sản, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng và việc vỡ trận cam kết lợi nhuận tại dự án Cocobay Đà Nẵng.

Một năm ảm đạm của thị trường condotel

Condotel là một loại hình bất động sản nghỉ dưỡng xuất hiện từ cuối năm 2015 và đã nhanh chóng gây được sự chú ý trên thị trường, trở thành một trong những sản phẩm đầu tư thu hút sự quan tâm nhiều nhất đối với các nhà phát triển dự án cũng như các nhà đầu tư thứ cấp và cá nhân.

Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), trong giai đoạn từ 2015 – 2018, chỉ tính riêng Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc và Hạ Long đã có khoảng 30.000 sản phẩm condotel được tung ra thị trường.

Nhìn lại một năm đầy sóng dữ với thị trường condotel  - Ảnh 1.

Thị trường condotel năm 2019 rúng động và chao đảo khi phải đối mặt với hai "cú sốc" lớn. Ảnh: VnExpress.

Trong đó, giai đoạn 2016 - 2017 được xem là thời kì cực thịnh của thị trường condotel tại Việt Nam. Nếu như năm 2016, tổng nguồn cung condotel trên cả nước đạt 16.000 căn, thì trong năm 2017, theo thống kê của VARs, nguồn cung condotel tung ra toàn thị trường đã lên tới 22.837 căn.

Tuy nhiên, từ đầu quí II/2018, thị trường condotel bắt đầu bước vào giai đoạn sụt giảm, thoái trào.

Theo thống kê của DKRA Việt Nam, trong quí này, lượng tồn kho condotel vọt lên ngất ngưởng. Toàn thị trường có 2.100 căn chào bán mới nhưng lượng giao dịch cả sản phẩm mới và sản phẩm chào bán lại chỉ đạt 850 căn.

Sang quí III/2018, theo số liệu từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, tại Nha Trang không có nguồn cung mới chào hàng. Tổng nguồn cung condotel chào bán trong quí là 12.000 căn, đều từ các dự án đã mở bán trước đó. Lượng tiêu thụ trong quí chỉ đạt 789 căn.

Tại Đà Nẵng, tổng nguồn cung condotel chào bán là 8.061 căn, giao dịch chỉ đạt 294 căn.

Hội Môi giới bất động sản cũng cho biết, trong quí III, hầu hết các vùng phát triển mạnh về BĐS nghỉ dưỡng đều không có nguồn cung mới chào hàng. Lượng giao dịch cả nước về sản phẩm condotel chỉ đạt khoảng 1.000 sản phẩm.

Sang tới năm 2019, thị trường condotel càng "tụt dốc không phanh". Báo cáo mới nhất của Savills liên quan tới thị trường condotel Nha Trang cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2019, lượng condotel tiêu thụ tại tỉnh Khánh Hòa đạt chưa đến 200 căn, giảm mạnh so với con số 850 căn cùng kì năm 2018.

Lũy kế đến hết tháng 6/2019, Khánh Hòa có hơn 13.000 căn condotel chào bán trên thị trường, chiếm tỉ trọng nguồn cung lớn nhất cả nước, gấp đôi Đà Nẵng.

Nhìn chung, số liệu thống kê từ các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, thị trường condotel trong năm 2019 không những lượng giao dịch sụt giảm mạnh mà còn không có dự án mới và nhiều dự án đang triển khai bị chậm tiến độ hoặc vướng thủ tục mở bán.

Bên cạnh đó, có rất nhiều dự án bị rút ra khỏi thị trường hoặc kéo dài thời gian thực hiện do vướng mắc pháp lí.

Mới đây nhất, hồi cuối tháng 11 vừa qua, Bộ Xây dựng đã công bố thông tin về thị trường bất động sản quí III/2019.

Theo đó, trong quí này cả nước chỉ có 1.945 căn condotel được Cục Giám định nhà nước và chất lượng công trình xây dựng chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng. Trong đó, chỉ có 198 căn được Cục Quản lí hoạt động xây dựng thẩm định.

Vỡ trận Cocobay và thắt chặt tín dụng vào bất động sản - Hai cú sốc lớn với condotel năm 2019

Từ khoảng giữa đầu năm 2017, vấn đề pháp lí của các sản phẩm nghỉ dưỡng, đặc biệt là condotel bắt đầu nổi lên và nhanh chóng trở thành một trong những rào cản lớn nhất đối với thị trường này. Theo đó, hai vấn đề nhà đầu tư quan tâm và băn khoăn nhất đó là khả năng được cấp sổ đỏ và thời hạn sở hữu của condotel.

Vấn đề pháp lí chưa rõ ràng đã khiến các nhà đầu tư chùn bước, kéo theo đó thị trường condotel trong năm 2018 nguồn cầu giảm và nguồn cung cũng giảm mạnh.

Đến năm 2019, trong khi vấn đề pháp lí với condotel vẫn chưa được giải quyết thì thị trường condotel lại đối mặt với hai "cú sốc" lớn đó là tình trạng thắt chặt tín dụng với bất động sản và sự việc vỡ trận cam kết lợi nhuận tại dự án Cocobay Đà Nẵng.

Với việc thắt chặt tín dụng vào bất động sản, phân khúc condotel là một trong những loại hình bất động sản bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các ngân hàng lo ngại về rủi ro pháp lí nến rất chặt chẽ, cẩn trọng khi cho vay. Có ngân hàng trong năm 2019 còn từ chối cho vay với loại hình bất động sản nghỉ dưỡng này.

Với "cú sốc" vỡ trận tại dự án Cocobay Đà Nẵng xảy ra hồi giữa cuối tháng 11 vừa qua, thị trường condotel gần như rúng động và chao đảo bởi đây là một trong những dự án có qui mô lớn nhất nhì cả nước với tổng vốn đầu tư lên tới 11. 000 tỉ đồng, kế hoạch phát triển khoảng 10.000 phòng condotel cùng chiến dịch nghìn tỉ đổ vào quảng bá rầm rộ hàng năm trời.

Cocobay Đà Nẵng cũng là một trong những dự án có mức cam kết lợi nhuận hấp dẫn nhất nhì thị trường (12% trong vòng 8 năm), không những vậy, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô (Empire Group) còn gây sốt thị trường khi công bố kế hoạch phát triển một chuỗi các dự án Cocobay tương tự trên khắp cả nước.

Tuy nhiên, khi dự án Cocobay Đà Nẵng mới trả lợi nhuận cam kết được 2 năm, và chưa có thêm một dự án Cocobay khác mọc lên thì chủ đầu tư bất ngờ tuyên bố dừng trả lợi nhuận cam kết khiến hơn 1.800 khách hàng mắc kẹt.

Trong đó, vị khách đổ tiền nhiều nhất vào đây là ông Mai Huy Tân, nhà sáng lập thương hiệu xúc xích Đức Việt với số tiền đầu tư 600 tỉ đồng và 2/3 trong số này là tiền vay từ ngân hàng. Ông Tân đã phải ngậm ngùi chia sẻ với báo chí rằng ông bị sốc nặng, "Thành Đô đã đẩy tôi vào cảnh nợ nận".

Đến nay, giữa chủ đầu tư và khách hàng vẫn chưa thống nhất được các phương án xử lí mà chủ đầu tư đưa ra khi dừng trả cam kết lợi nhuận tại dự án Cocobay. Theo các khách hàng, hầu hết phương án đều bất lợi cho họ.

Mới đây nhất, thông qua văn bản gửi khách hàng, chủ dự án Cocobay Đà Nẵng cho biết sẽ thanh lí/hủy bỏ hợp đồng mua bán nếu khách hàng không lựa chọn bất cứ giải pháp nào do phía chủ đầu tư đưa ra trước ngày 1/1/2020.

Sau cú sốc từ sự cố Cocobay, thị trường condotel có thể nói là bước vào giai đoạn sóng gió và ảm đạm nhất từ trước đến nay.

Nhiều nhà đầu tư cho biết họ mất niềm tin vào thị trường này, không ít người đang đầu tư condotel đã rao bán dự án cắt lỗ, còn những nhà đầu tư đang có ý định nhảy vào condotel thì đã phải xem xét lại thận trọng, ngồi yên nghe ngóng…

Với các chủ đầu tư, nhà phát triển dự án, có đơn vị chuẩn bị mở bán dự án mới phải tạm dừng kế hoạch, có doanh nghiệp phải rao bán, chuyển nhượng lại dự án condotel mà mình đang triển khai như trường hợp một dự án 2.700 tỉ đồng tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng

Khánh Hà