Nhiều trợ lực thúc đẩy thị trường bất động sản
Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: Chưa bao giờ chúng ta có được sự đồng thuận của các cơ quan Trung ương và địa phương như hiện nay. Điều này thể hiện sự quyết tâm trong việc ban hành các chính sách để tháo gỡ các khó khăn.
Tất cả vì mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các dự án được triển khai, thúc đẩy dòng vốn và thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch. Cùng lúc Nhà nước đã sửa đồng bộ 4 luật liên quan đến phát triển nhà ở, thị trường bất động sản, đất đai…
Thông tin một số điểm mới tác động đến thị trường bất động sản của các luật mới, ông Hoàng Hải cho biết vừa qua Quốc hội đã thông qua các Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật các tổ chức tín dụng.
Điểm chung của các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong các luật này là nhằm đảm bảo phù hợp tình hình thực tế, tháo gỡ tồn tại, hạn chế; bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất, đồng bộ giữa các luật này với các luật khác có liên quan để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cải cách thủ tục hành chính, chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế, thúc đẩy phát triển thị trường nhà ở và thị trường bất động sản.
Tương tự, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết: Việc tháo gỡ được những vướng mắc pháp lý sẽ giúp cho nguồn cung ứng dồi dào, nguồn cung tăng lên thì tự nó sẽ điều chỉnh xu hướng thị trường “kim tự tháp” nhà ở bền vững.
Chúng ta làm sao phải kéo được giá nhà hợp lý, chứ hiện giá luôn tăng. Để có thể chuyển hướng sang thị trường bất động sản xanh, sinh thái, sức khỏe, thân thiện môi trường, tích hợp nhiều tiện ích… thì phải có nền tảng pháp lý đồng bộ, thống nhất.
Đánh giá cao các chính sách mới ban hành, ông Lê Hoàng Châu cho rằng thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn nhưng khó khăn giảm dần và thị trường sẽ phục hồi cùng với sự cải thiện về môi trường đầu tư, kinh doanh; các doanh nghiệp không còn tìm cách đạt lợi nhuận đơn thuần về phía mình mà luôn luôn đồng hành với nhà đầu tư, khách hàng.
Liên quan đến các điểm mới của Luật Đất đai 2024, ông Nguyễn Đắc Nhẫn, Phó vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Luật quy định sở hữu nhà ở thông thoáng hơn, trong đó người Việt Nam định cư ở nước ngoài được đối xử như người ở Việt Nam.
Quyền và nghĩa vụ của các đối tượng như nhau. Ngoài ra, đối với người gốc Việt Nam ở nước ngoài không còn quốc tịch có thể nhận quyền sở hữu nhà, quyền thừa kế theo quy định, đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất.
Đặc biệt, Luật Đất đai mới quy định, đơn vị công lập được chuyển đổi mục đích sử dụng một phần diện tích trong khu đất đang sử dụng hoặc cho thuê. Quyền thuê trong hợp đồng thuê đất, quyền của người sử dụng đất được chuyển nhượng, được phát sinh khi tổ chức kinh tế thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm thì khi bán tài sản gắn liền với đất thuê có kèm theo đất, thay vì trước đó nhà nước thu hồi đất, làm các thủ tục tiếp theo mới có thể chuyển nhượng đất.
Cũng theo ông Nhẫn, theo luật mới, thu hồi đất để xây dựng dự án đầu tư xây dựng đô thị Điều 27 quy định rõ phải đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, đấu giá nếu đất sạch, đấu thầu nếu đất phải thu hồi. Muốn đấu giá để sử dụng đất thì phải có quy hoạch, phương án bồi thường, tái định cư phải được cơ quan nhà nước phê duyệt.
Liên quan đến nguồn tín dụng bất động sản, đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM cho biết, trong bối cảnh hấp thụ vốn trong nền kinh tế còn thấp, sự tăng trưởng của thị trường bất động sản sẽ có tác động tích cực và hiệu ứng đến những ngành lĩnh vực khác, trong đó có hoạt động tín dụng ngân hàng.
Những chuyển biến từ thị trường bất động sản trong những tháng gần đây và tăng trưởng tín dụng bất động sản đã phản ánh các yếu tố tác động này và xu hướng tăng trưởng trong thời gian tới.
Dẫn chứng từ TP HCM cho thấy, tín dụng bất động sản trên địa bàn thành phố duy trì tốc độ tăng trưởng dương trong 3 tháng gần đây. Tháng 3 tăng 0,96%; tháng 4 tăng 1,15% và tháng 5 tăng trưởng 1,15%; đạt mức dư nợ 992,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 28% so với tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn và tăng 2,78% so với cuối năm 2023, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn.
Về tín dụng nhà ở, đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết, cho vay với mục đích mua nhà để ở, mục đích tự sử dụng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 67,78% so với tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn. Trong số đó xuất hiện điểm tích cực ở phân khúc này, khi tín dụng nhà ở tăng trưởng trở lại, tăng 1,2% so với tháng 4/2024 (các tháng trước đó tăng trưởng âm).
Đây là bộ phận tín dụng chiếm tỷ trọng cao, vì vậy tín dụng phân khúc này tăng trưởng không chỉ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bất động sản mà còn có ý nghĩa xã hội rất lớn, cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, qua đó tác động tích cực đến thị trường bất động sản và tăng trưởng kinh tế.