|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhiều tranh cãi xoay quanh đề xuất xử lý hình sự người bỏ cọc đấu giá

20:28 | 28/11/2023
Chia sẻ
Tại phiên họp Quốc hội sáng nay, nhiều đại biểu cho ý kiến về chế tài xử lý đối với hành vi bỏ cọc trong đấu giá tài sản. Có đại biểu đề xuất cần xử lý hình sự để tránh tình trạng thổi giá, phá giá tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng đây chỉ là quan hệ dân sự hoặc có đại biểu đề xuất phạt hành chính bổ sung.

Liên quan đến quy định về việc xử lý người bỏ cọc trong đấu giá tài sản, đã có nhiều ý kiến trái chiều từ các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại phiên thảo luận sáng ngày 28/11.

Đề xuất xử lý hình sự người bỏ cọc

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đề xuất cần xử lý hình sự người bỏ cọc vì cho rằng việc sửa đổi, bổ sung chế tài mạnh sẽ hạn chế tình trạng bỏ cọc, ngăn ngừa tình trạng phá giá vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, thao túng, gây rối.

Ông cho rằng việc xử lý hình sự với người bỏ cọc từng được sử dụng tại quốc tế. Việc bổ sung quy định cụ thể theo hướng xử lý hình sự với hành vi bỏ cọc đấu giá, có dấu hiệu thao túng, gây rối trật tự, ảnh hưởng xấu đến an ninh kinh tế. 

"Bộ luật Hình sự cần bổ sung các hành vi tương ứng trong đấu giá tài sản, tránh tình trạng thổi giá, phá giá, gây hệ lụy lớn như thời gian vừa qua", ông Thanh đề nghị.

"Đấu giá chỉ là quan hệ dân sự"

Đại biểu Phạm Văn Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội). 

Tuy nhiên, quan điểm này không nhận được nhiều sự đồng tình từ các nghị trường. Phát biểu tranh luận về chế tài, hình thức xử lý đối với người trúng đấu giá từ bỏ quyền mua tài sản, Đại biểu Phạm Văn Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng đây là quan hệ dân sự, trong mọi trường hợp, phải tôn trọng, bảo vệ quyền được từ bỏ tài sản trúng đấu giá của người trúng đấu giá. Đại biểu cho rằng, chỉ nên điều chỉnh bằng các quan hệ khác, trong trường hợp này, cần điều chỉnh về tiền đặt trước. 

Theo đại biểu, khi đấu giá theo hình thức trả giá lên nhiều vòng liên tục, khi nào giá bắt đầu đến mức gấp 2 lần giá khởi điểm ban đầu thì cho phép điều chỉnh giá đặt trước. Quy định như vậy sẽ phù hợp hơn với điều kiện thực tế. Đại biểu cũng lưu ý, quy định về tiền đặt trước này chỉ nên đặt ra đối với tài sản nhà nước mang ra đấu giá, không nên điều chỉnh đối với các tài sản khác.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Đồng tình với quan điểm trên thực tế có một số đối tượng tham gia đấu giá với mục đích không tốt và sẵn sàng chịu mất tiền cọc song Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đề xuất người trúng đấu giá sau thời gian nhất định mà không nộp tiền và không chứng minh được lý do bất khả kháng thì bị phạt nộp thêm, bổ sung thêm chế tài xử phạt vi phạm hành chính.

Đại biểu Dung nêu một số ví dụ như có cuộc đấu giá, người tham gia trả giá cao vài chục, tới hơn 200 lần giá khởi điểm; hoặc từ giá khởi điểm 24 tỷ đồng, nhưng giá trúng được trả lên tới gần 1.700 tỷ, cao bất thường.

Đại biểu Trần Văn Khải – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam thì bổ sung ý kiến rằng cần nghiêm cấm người tham giá đấu giá tài sản sử dụng nguồn vốn không minh bạch để tham gia đấu giá.

Theo Đại biểu, trong Luật đấu giá tài sản hiện hành, Khoản 5 Điều 9 quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với người tham gia đấu giá tài sản không có quy định xác định nguồn lực tài chính của người tham gia đấu giá.

Việc này dẫn đến tình trạng lợi dụng đấu giá làm rối loạn thị trường đất đai hay “đấu giá hộ” do không đủ nguồn lực tài chính, nhiều trường hợp "dựa hoàn toàn" vào ngân hàng bảo lãnh. Hay trường hợp bỏ cọc xảy ra không dễ thu tiền cọc hay trúng đấu giá xong triển khai dự án chậm trễ…

Hạ An