Nhiều tàu bay Việt Nam phải nằm sân do ảnh hưởng của dịch COVID-19
Trong số này, có 247 tàu bay cánh bằng, gồm 18 tàu Boeing B787, 14 tàu Airbus A350, 33 tàu A320, 136 tàu A321, 1 tàu A319, 1 tàu A330, 7 tàu ATR72, 3 tàu Embraer. Ngoài ra, còn có 22 trực thăng.
Đáng chú ý, theo Cục Hàng không Việt Nam, tính đến hết quý I/2021, cả nước có 39 tàu bay đang phải thực hiện bảo quản dừng bay do hoạt động khai thác bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Trong số này, Vietnam Airlines phải dừng 18 tàu bay, Bamboo Airways dừng 3 tàu bay, Pacific Airlines dừng 4 tàu bay và Vietjet Air dừng 14 tàu bay.
Để giảm thiểu rủi ro do bảo quản dừng bay, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng đã có văn bản yêu cầu các hãng hàng không thực hiện luân chuyển tàu bay khai thác để đảm bảo việc bảo quản dừng bay không quá 1 tháng.
Trường hợp tàu bay thực hiện bảo quản dừng bay trên 1 tháng do hỏng hóc, sự cố, không đủ cấu hình, hãng hàng không phải báo cáo Cục Hàng không Việt Nam và được cơ quan này chấp thuận (trừ trường hợp tàu bay thực hiện bảo dưỡng định kỳ).
"Các hãng hàng không, tổ chức bảo dưỡng thường xuyên theo dõi và cập nhật các quy định, hướng dẫn của nhà sản xuất về bảo quản dừng bay và phải triệt để tuân thủ. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, bảo dưỡng trong quá trình bảo quản dừng bay, khắc phục ngay các hiện tượng bất thường", Cục trưởng cũng yêu cầu.
Trước đó, do số lượng tàu bay phải bảo quản, bảo dưỡng dừng bay rất lớn nên các nhà chế tạo tàu bay và chế tạo động cơ đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật và qui trình bảo dưỡng tương đương (Alternate Procedure) cho phép các nhà khai thác tàu bay sử dụng cụ và vật liệu tương đương (tấm nhựa nylon - plastic, hóa chất hút ẩm và băng keo chuyên dụng) để bao bọc và bảo quản động cơ trong trường hợp nhà khai thác không có đủ dụng cụ bao bọc, bảo vệ động cơ như yêu cầu trong tài liệu bảo dưỡng tàu bay (Aircraft Maintenance Manual).