|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nhiều tập đoàn nước ngoài sẽ đổ bộ vào khu công nghiệp Việt Nam

11:36 | 14/09/2020
Chia sẻ
Theo ước tính của SSI, lợi nhuận của nhóm bất động sản khu công nghiệp giảm khoảng 23% về 4.900 tỉ đồng trong năm nay. Tuy nhiên bước sang năm 2021, thị trường sẽ có nhiều triển vọng hơn, đón thêm nhiều tập đoàn nước ngoài đổ bộ vào các khu công nghiệp.
Nhiều tập đoàn nước ngoài sẽ đổ bộ vào khu công nghiệp Việt Nam  - Ảnh 1.

Nhiều tập đoàn nước ngoài sẽ đổ bộ vào khu công nghiệp Việt Nam. (Ảnh minh họa: Báo Sài Gòn Giải Phóng)

Báo cáo phân tích mới đây của CTCP Chứng khoán SSI cho thấy, các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp niêm yết đạt tổng doanh thu 21.4000 tỉ đồng trong nửa đầu năm, giảm 14% so với cùng kì.

Lợi nhuận sau thuế của nhóm doanh nghiệp này khoảng 3.600 tỉ đồng, giảm 18% so với cùng kì năm ngoái.

Đi ngược lại xu hướng chung, CTCP Sonadezi Châu Đức (Mã: SZC), CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (D2D) hay CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (Mã: SIP) là những doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng cao.

Đánh giá về triển vọng phân khúc bất động sản khu công nghiệp nửa cuối năm, SSI cho rằng do các chuyến bay quốc tế đi và đến Việt Nam giảm xuống mức rất thấp, làm trì hoãn việc chốt hợp đồng thuê trong thời gian qua.

Chính sách miễn trừ yêu cầu về kiểm dịch mới đối với các chuyên gia và nước ngoài và nhà đầu tư (Công văn số 4674/BYT/MT của Bộ Y tế) được ban hành vào đầu tháng 9 vừa qua đã giúp giải tỏa phần nào tình trạng này.

Mặc dù thông tin về việc miễn trừ mới là một tin đáng mừng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tuy nhiên tần suất các chuyến bay vẫn ở mức rất thấp và ước tính các chuyến bay tới Việt Nam chỉ đạt 5.000 chuyến trong tháng 9.

Do vậy, SSI đánh giá vấn đề này sẽ kéo dài quyết định đàm phán và đầu tư đến ít nhất là 6 tháng cuối năm 2020, có thể dẫn đến diện tích thuê mới theo khu vực giảm 12% so với cùng kì.

Mặc khác, khó khăn hiện hữu trong công tác đền bù và giải phóng mặt bằng vẫn gây nên sự thiếu hụt nguồn cung có thể cho thuê của các khu công nghiệp. Theo ước tính của SSI, nguồn cung quĩ đất có thể tăng nhẹ 5% trong nửa cuối năm.

Về mặt bằng giá đất khu công nghiệp 6 tháng cuối năm, SSI ước tính giá thuê tăng 10% so với cùng kì ở miền Nam và tăng 7-8% so với cùng kì ở miền Bắc.

Nhiều tập đoàn nước ngoài sẽ đổ bộ vào khu công nghiệp Việt Nam  - Ảnh 3.

Lợi nhuận ròng ước tính trong 6 tháng cuối năm 2020 của một số doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp. (Nguồn: SSI)

Từ những yếu tên, SSI nhận định lợi nhuận của các công ty bất động sản khu công nghiệp chỉ đạt 4.900 tỉ đồng, giảm 23% so với cùng kì năm ngoái.

Trong đó, lợi nhuận ròng của Sonadezi Châu Đức ước tính giảm mạnh 63% so với cùng kì do không có khách hàng mới. Lợi nhuận ròng của D2D ước tính giảm 68% so với cùng kì do doanh thu từ việc bán các khu dân cư Lộc An thấp hơn.

Bên cạnh đó, lãi ròng 6 tháng cuối năm 2020 của Becamex IDC cũng dự kiến giảm 56% so với cùng kì do thiếu hụt các nhà đầu tư thuê đất mới tại Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng.

Nhiều tập đoàn lớn sẽ đổ bộ 

Đối với triển vọng thị trường năm 2021, SSI vẫn đánh giá xu hướng dịch chuyển sản xuất vẫn tiếp diễn và Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng này.

"Khi đại dịch lắng xuống trong năm 2020, các khu công nghiệp của Việt Nam sẽ đón nhu cầu lớn từ những công ty đã chuẩn bị chuyển cơ sở sản xuất sang. Do đó, nhu cầu về đất khu công nghiệp trong năm 2021 tiếp tục có nhiều triển vọng", SSI dự báo.

Nhiều tập đoàn nước ngoài sẽ đổ bộ vào khu công nghiệp Việt Nam  - Ảnh 4.

Danh sách các tập đoàn lớn có kế hoạch xây dựng nhà máy tại Việt Nam.

Nhiều tập đoàn nước ngoài sẽ đổ bộ vào khu công nghiệp Việt Nam  - Ảnh 5.

Danh sách các công ty Nhật Bản mở rộng sản xuất ở Việt Nam.

SSI cũng chỉ ra ba yếu tố đóng vai trò hỗ trợ chính cho khu công nghiệp giai đoạn tới. Trước mắt là qui hoạch các khu công nghiệp mới của Chính phủ cho giai đoạn 2021-2025 có thể giúp tăng diện tích các khu công nghiệp mới trong tương lai, đặc biệt đối với các khu công nghiệp lớn có tổng diện tích đất từ 1.000 ha trở lên, có thể đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn FDI lớn.

Bên cạnh đó, việc cải thiện cơ sở hạ tầng như đường cao tốc Biên Hòa Vũng Tàu, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Bắc - Nam, cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Gemalink giúp kết nối thuận tiện hơn cho các khu công nghiệp.

Ngoài ra, giá đất khu công nghiệp tại Việt Nam thấp hơn khoảng 30-40% so với Indonesia và Thái Lan, đây có thể là một lợi thế thu hút FDI.

Nhiều tập đoàn nước ngoài sẽ đổ bộ vào khu công nghiệp Việt Nam  - Ảnh 6.

Giá đất tại các quốc gia thuộc ASEAN trong 6 tháng đầu năm 2020. Đvt: USD/m2. (Nguồn: SSI)

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam có 336 khu công nghiệp trên tổng diện tích là 97.800 ha. Trong đó, có 261 khu công nghiệp hiện đang hoạt động với tỉ lệ lấp đầy bình quân 76%.

Tại miền Bắc, các khu công nghiệp tập trung ở các tỉnh như Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, Hưng Yên và Vĩnh Phúc,... với tổng diện tích là 13.500 ha.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, tỉ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp đang hoạt động ở miền Bắc là 75% và giá cho thuê bình quân 85-90 USD/m2/chu kì thuê, tăng 6,5% so với cùng kì, theo nghiên cứu của JLL.

Các khu công nghiệp ở miền Nam tập trung tại TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước và Long An với tổng diện tích là 42.836 ha.

Nửa đầu năm, tỉ lệ lấp đầy bình quân ở các khu công nghiệp đang hoạt động tại miền Nam đạt 83%, giá cho thuê đất khoảng 105-115 USD/m2/chu kì thuê, tăng 9,7% so với cùng kì).

Riêng tại TP HCM, nguồn cung đất khu công nghiệp cho thuê mới vẫn đang gặp vướng mắc về thủ tục đền bù và giải phóng mặt bằng.

Ngọc Anh