Nhiều tập đoàn lớn Hàn Quốc muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam, lĩnh vực nào được chú trọng?
Trong chương trình thăm chính thức Hàn Quốc, sáng 1/7, tại thủ đô Seoul, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có cuộc Tọa đàm bàn tròn với lãnh đạo gần 20 tập đoàn lớn hàng đầu của Hàn Quốc trong các lĩnh vực.
Tại tọa đàm, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Hàn Quốc đều bày tỏ mong muốn được mở rộng đầu tư Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng, hàng không, đóng tàu, ...
Cụ thể, ông Jung Yeoin, Chủ tịch Doosan Enerbility cho biết dù đã đầu tư vào Việt Nam từ năm 2006, song tập đoàn mong muốn tham gia các dự án điện gió, điện khí của Việt Nam, cung cấp thiết bị của nhà máy phát điện như turbine… vào các dự án.
"Phát điện là lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước, chúng tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ và cùng Việt Nam đào tạo về chuyên môn", ông Jung Yeoin chia sẻ.
Tương tự, ông Lee Kye-in, Chủ tịch POSCO International, cho biết từ 2015, tập đoàn đã tham gia vào dự án phát điện Mông Dương 1 với doanh thu 1,5 - 2 tỷ USD/năm. Hiện doanh nghiệp đang hướng tới dự án Quỳnh Lập ở Nghệ An với mong muốn đóng góp cho sự phát triển của địa phương.
Còn ông Jung In Sup, Giám đốc điều hành Hanwha Aerospace cho rằng, Việt Nam có nhiều hãng hàng không lớn có nhu cầu nhưng phải ra nước ngoài như Mỹ, Singapore để bảo trì, bảo dưỡng máy bay. Vì vậy, tập đoàn này hy vọng thời gian tới sẽ làm được các công việc bảo dưỡng, bảo trì máy bay ở Việt Nam.
Ông Kim Hyung Kwan, Chủ tịch và Giám đốc điều hành HD Hyundai Mipo, cho biết đơn vị đang đầu tư mạnh vào Việt Nam để cùng Việt Nam phát triển ngành đóng tàu tạo ra những sản phẩm tàu có uy tín trên thế giới.
“Chúng tôi đang cố gắng ứng dụng công nghệ mới, công nghệ xanh, thân thiện với môi trường vào ngành đóng tàu để đóng góp vào sự phát triển bền vững cho ngành đóng tàu của Việt Nam”, ông Kim Hyung Kwan thông tin.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam luôn hoan nghênh và mong muốn các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc tiếp tục mở rộng đầu tư, hợp tác trên cơ sơ sở cách tiếp cận mang tính "toàn cầu, toàn diện, toàn dân", hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 100 tỷ USD vào năm 2025 và 150 tỷ USD vào năm 2030.
Thủ tướng đề nghị các tập đoàn Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về nguồn tài chính, xây dựng cơ sở hạ tầng, góp ý hoàn thiện thể chế, chính sách, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị thông minh cả quản trị doanh nghiệp và quản trị quốc gia.
Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư Hàn Quốc tiếp tục tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người dân khi khó khăn, thiên tai, người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị của doanh nghiệp Hàn Quốc, chuỗi giá trị toàn cầu.
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng trên tinh thần cùng lắng nghe, thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển; "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", các nhà đầu tư, doanh nghiệp của Việt Nam và Hàn Quốc sẽ đóng góp lớn hơn cho quan hệ hai nước, cho sự phát triển của mỗi nước, mang lại đời sống ngày càng tốt đẹp cho người dân hai nước.
Đồng thời, Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, khuyến nghị tại Tọa đàm, nhất là về thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; từ đó, vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn phát triển của Việt Nam.
"Chính phủ Việt Nam cam kết luôn lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng đầu tư kinh doanh thuận lợi, hiệu quả và bền vững tại Việt Nam", Thủ tướng khẳng định.