|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhiều sai phạm khó tin ở dự án Cát Linh-Hà Đông

07:19 | 23/09/2019
Chia sẻ
Số vốn đầu tư vào dự án theo báo cáo của chủ đầu tư khoảng 11.337 tỉ đồng nhưng kết quả kiểm toán chỉ ghi nhận khoảng 8.679 tỉ đồng.

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng về thực hiện kết luận Kiểm toán Nhà nước (KTNN) liên quan đến việc phê duyệt định mức khoan cọc nhồi vào cuội sỏi áp dụng cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (sau đây gọi là dự án) khi chưa lấy ý kiến của Bộ Xây dựng.

Bộ GTVT “xin” đồng thuận để thực hiện kết luận

Theo đó, Bộ GTVT cho biết định mức dự toán một số công tác thi công đường sắt trong đô thị chưa được công bố trong hệ thống định mức hiện hành của Nhà nước. Để phù hợp với quy trình, quy phạm, khung tiêu chuẩn về thiết kế, thi công và nghiệm thu cho dự án, đáp ứng tiến độ, tuân thủ các quy định hiện hành, Bộ GTVT có văn bản gửi Bộ Xây dựng xin ý kiến thỏa thuận về áp dụng định mức dự toán cho dự án. 

Ngay sau khi có thỏa thuận của Bộ Xây dựng, Bộ GTVT chỉ đạo Ban quản lý dự án đường sắt và các đơn vị liên quan tiến hành lập định mức dự toán áp dụng cho dự án.

Tuy nhiên, ngày 29-5-2014, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 588 công bố định mức dự toán xây dựng công trình phần xây dựng (sửa đổi, bổ sung). Trong đó, thay thế định mức khoan cọc nhồi từ mã AC32711 đến AC32722 bằng mã AC32110 đến AC32445 và không đề cập đến định mức khoan cọc nhồi vào cuội sỏi… 

Nhưng Bộ GTVT không áp dụng quy định mới này mà cho rằng việc vận dụng định mức theo ý kiến trước đó của Bộ Xây dựng là phù hợp về mặt thời gian cũng như địa chất thực tế dự án.

Để có cơ sở thực thực hiện kết luận của KTNN (xin ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng), Bộ GTVT kiến nghị Bộ Xây dựng chấp thuận việc áp dụng định mức khoan cọc nhồi vào tầng lớp địa chất là cuội sỏi vận dụng theo định mức 1776/2007 của Bộ Xây dựng từ thời điểm năm 2010 đến hết 2014.

“Đối với định mức dự toán hạng mục cọc khoan nhồi thực hiện từ năm 2015 trở về sau (tầng lớp địa chất không phải là cuội sỏi) thì áp dụng định mức ban hành kèm theo Quyết định 588/2014 của Bộ Xây dựng…” - Bộ GTVT nêu kiến nghị.

Liên quan đến vấn đề dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, Bộ GTVT cho rằng ngoài trách nhiệm chính thuộc phía tổng thầu thì chủ đầu tư (Bộ GTVT), Ban quản lý dự án đường sắt chịu trách nhiệm trong công tác quản lý điều hành dự án. Tư vấn thiết kế bước lập dự án chịu trách nhiệm về chất lượng lập dự án đầu tư. 

Chủ đầu tư của phần giải phóng mặt bằng (UBND TP Hà Nội) chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong công tác này. Tư vấn giám sát chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo thi công, quản lý tiến độ, chất lượng, giá thành xây dựng.

“Đến nay Bộ GTVT vẫn đang thực hiện nghiêm túc các kết luận của KTNN” - lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định.

Nhiều sai phạm khó tin ở dự án Cát Linh-Hà Đông - Ảnh 1.

Đến nay dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa xác định được ngày về đích. Ảnh: VL

Những sai phạm ngàn tỉ

Cuối năm 2018, KTNN có thông báo kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.Theo đó, KTNN phát hiện hàng loạt sai phạm trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh tăng vốn và ký kết hợp đồng dự án…

Cụ thể, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án (8.769 tỉ đồng lên 18.001 tỉ đồng, tăng 205% so với tổng vốn đầu tư ban đầu được duyệt) vào tháng 2-2016, Bộ GTVT không báo cáo Thủ tướng để trình Quốc hội thông qua chủ trương điều chỉnh vốn là chưa thực hiện đúng Nghị quyết 49 của Quốc hội, trái với quy định của Luật Đầu tư công.

Về tài chính của dự án, đến 30-6-2018, số vốn đầu tư vào đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông theo báo cáo của chủ đầu tư khoảng 11.337 tỉ đồng nhưng kết quả kiểm toán chỉ ghi nhận khoảng 8.679 tỉ đồng đã đầu tư vào dự án. Số chênh lệch khoảng 2.656 tỉ đồng do chủ đầu tư tính sai khối lượng 360 triệu đồng, sai đơn giá 175 tỉ đồng, sai khác 698 tỉ đồng, chưa đủ điều kiện quyết toán 1.781 tỉ đồng.

Chỉ riêng hạng mục thiết bị và đoàn tàu của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được điều chỉnh tăng vốn khoảng 3.143 tỉ đồng, trong đó hạng mục đoàn tàu tăng 364 tỉ đồng (tăng 34,4%), hạng mục thiết bị tăng 2.778 tỉ đồng (tăng 227%).

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã phê duyệt phụ lục hợp đồng EPC phần thiết bị với đơn giá 178,7 triệu USD, cao hơn khoảng 8,3 triệu USD so với giá trong hợp đồng EPC không đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Trong quá trình đàm phán, Ban quản lý dự án đường sắt chưa làm rõ chênh lệch tăng 3,19 triệu USD trong việc thay đổi vật liệu vỏ tàu và chi phí vận chuyển tăng 3,945 triệu USD.

Ngoài ra, KTNN cũng chỉ ra lưu lượng hành khách sử dụng đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đơn vị tư vấn Trung Quốc giả định tính toán, phân tích hiệu quả kinh tế dự án cao hơn nhiều lần so với số liệu dự báo của Viện Chiến lược giao thông vận tải.

Đặc biệt, khi phân tích hiệu quả kinh tế dự án, chủ đầu tư không xem xét đến chi phí vận hành cao, chiếm tỉ trọng lớn trong giai đoạn khai thác dự án nên kết luận đường sắt Cát Linh - Hà Đông hiệu quả về kinh tế là thiếu chính xác. Phương án tài chính của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông ngay từ khi lập dự án đã phải bù lỗ nhưng các bên liên quan chưa đề xuất phương án khai thác hiệu quả…

Với những sai phạm trên, KTNN kiến nghị Ban quản lý dự án đường sắt xử lý về tài chính gần 900 tỉ đồng. Trong đó, thu hồi nộp ngân sách nhà nước 91 triệu đồng và xử lý tài chính đối với tổng thầu EPC là hơn 600 tỉ đồng. 

Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án đường sắt phải làm rõ trách nhiệm của tổng thầu EPC (Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) về những thiệt hại vì để dự án chậm trễ. Ngoài ra, KTNN đề nghị đơn vị này xác định trách nhiệm của các đơn vị tư vấn còn để xảy ra các tồn tại, sai sót để xử lý theo quy định của hợp đồng.

KTNN cũng kiến nghị Bộ GTVT chấn chỉnh công tác đầu tư công, kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong việc phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư sai quy định như đã nêu ở trên khi chưa chứng minh được hiệu quả tài chính, kinh tế-xã hội mang lại cho dự án…

Theo hợp đồng EPC, thời gian hoàn thành, chạy thử và bàn giao công trình không quá 48 tháng (kể từ năm 2010) và được điều chỉnh đến ngày 30-9-2017. Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm toán (tháng 11-2018), công trình chưa hoàn thành và bàn giao cho chủ đầu tư chậm gần bốn năm. Tuy nhiên, chủ đầu tư chưa làm rõ trách nhiệm của tổng thầu về những thiệt hại do việc chậm tiến độ gây ra để xử lý theo quy định.

Viết Long - Chân Luận

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.