‘Nhiều nhóm sáng lập start-up tan rã vì kiếm được quá nhiều tiền’
Khối lượng công việc của công ty khởi nghiệp rất lớn. Bởi vậy, hiếm khi start-up chỉ có một nhà sáng lập, mà thường có ít nhất hai người. Một người phát triển sản phẩm, người còn lại thương mại hóa và tìm nhà đầu tư.
Tuy nhiên, tìm người “ăn ý” để cùng nhau xây dựng doanh nghiệp không phải việc đơn giản. Các nhà sáng lập có xu hướng lựa chọn anh em, bạn bè hoặc đồng nghiệp cũ thân thiết, bởi tin rằng mối quan hệ tình cảm, tin cậy sẽ khiến họ vượt qua những khó khăn khi hiện thực hóa ý tưởng.
Thực tế diễn ra không suôn sẻ như lý thuyết. Thay vì hứng khởi, tràn trề niềm tin như lúc bắt đầu kinh doanh, họ thường xuyên mâu thuẫn, cãi vã do áp lực công việc, bất đồng quan điểm. Cuối cùng, họ không thể đi tiếp, thậm chí tách ra trở thành đối thủ của nhau.
Sau một thời gian kinh doanh, nhóm sáng lập trong một số công ty thường xung đột do bất đồng quan điểm. |
Nguyên nhân gây xung đột
Chia sẻ trong chương trình Café Khởi nghiệp gần đây, tiến sĩ Sử Ngọc Khương – giám đốc đầu tư Savills Việt Nam - nhận định, biên độ lợi nhuận là nguyên nhân gây ra bất đồng chính kiến giữa những nhà quản trị.
“Hai người đồng sáng lập sở hữu số lượng cổ phần tương đương thì quyền can thiệp vào công ty như nhau, dẫn đến xung đột về vị trí điều hành, lợi ích, kỳ vọng phát triển doanh nghiệp. Không phải tất cả nhà sáng lập đều muốn dự án phát triển đến đỉnh cao. Một số người chỉ muốn duy trì ở tầm vừa và nhỏ”, Khương bình luận.
Phạm Duy Hiếu – giám đốc Qũy khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ - nhận định mâu thuẫn thường xuyên xảy ra khi hai nhà sáng lập thích doanh nghiệp đi theo hai con đường riêng. Ngoài ra, sứ mệnh khởi nghiệp khác nhau khiến họ đưa ra những quyết định không trùng khớp. Hay quan điểm cá nhân về giá trị cốt lõi của công ty cũng dễ đẩy họ vào cuộc cãi vã không hồi kết.
“Muốn đi cùng nhau lâu dài, nhóm điều hành phải ngồi xuống thống nhất tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi của công ty”, Hiếu đưa ra lời khuyên.
Nhóm sáng lập thường xung đột trong hai hoàn cảnh là tranh giành quyền ảnh hưởng khi công ty kiếm được nhiều tiền và cãi nhau trong khó khăn. Từng tiếp xúc nhiều start-up, ông Hiếu cho rằng, số nhóm tan vỡ vì nhiều tiền quá lớn hơn nhóm tan vỡ vì khó khăn, do người Việt rất đoàn kết trong gian khổ.
Thực tế cho thấy, đội ngũ điều hành nên có một nhà sáng lập (founder), còn lại là những người đồng sáng lập (co-founder). Trong đó, founder có quyền quyết định trong trường hợp bất đồng không thể thỏa hiệp. Với tinh thần dám chịu trách nhiệm trước quyết định mà người sáng lập đưa ra, nhóm quản trị sẽ đi bền, xa.
Video: Phạm Duy Hiếu - giám đốc Qũy khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ và Sử Ngọc Khương và giám đốc đầu tư Savills - trong Café Khởi nghiệp.
Chọn đúng người
Giống như hẹn hò, muốn tìm đúng người đồng hành, người khởi nghiệp cần dành nhiều thời gian tìm kiếm. Sự lựa chọn sai lầm ở khắp nơi, còn mảnh ghép phù hợp đôi khi mất chục năm mới tìm được.
Ông Hiếu nói rằng, mối quan hệ là cánh cửa mở ra nhiều cơ hội tìm kiếm nhà đồng sáng lập. Chủ doanh nghiệp nên tham gia nhiều diễn đàn, hội thảo, rồi mạnh dạn tiếp cận với người tiềm năng. Từ đó, họ lựa chọn nhân tố bổ sung tính cách, năng lực cho mình, bỏ qua những ai tương tự mình.
“Xét ở góc độ nào đó, co-founder chính là nhà đầu tư vì họ bỏ thời gian, công sức, tiền bạc, từ chối cơ hội khác để đồng hành cùng dự án. Do đó, nếu bạn không thực sự đam mê, minh bạch con số, thậm chí không biết bản thân muốn gì, thì họ chắc chắn không theo bạn”, Hiếu khẳng định.
Đội ngũ điều hành của nhiều công ty, tập đoàn lớn trên thế giới thường bao gồm một vị chủ tịch thân thiện, dễ tính kèm theo một giám đốc rất sắc sảo. Họ luôn hỗ trợ, bổ sung thế mạnh cho nhau. CEO Savills – Ngọc Khương cho rằng đây là cách phối hợp đầy “ăn ý”. Nhóm sáng lập có người đứng phía trước, người đứng phía sau sẽ đi lâu bền và đưa công ty tới thành công.
Xem thêm |