Nhiều ngành hàng giảm giá sâu trước ngày cận Tết
Mặc dù còn chưa đến một tuần nữa là Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhưng nhiều ngành hàng vẫn tiếp tục tung ra hàng loạt hoạt động khuyến mãi, giảm giá sâu dành cho khách hàng.
Theo doanh nghiệp, cả năm qua thị trường tiêu dùng bị tác động do COVID-19 nên người dân thắt chặt chi tiêu, vì thế dịp Tết là cơ hội để đơn vị sản xuất, kinh doanh tăng doanh thu.
Khuyến mãi đến nghỉ Tết
Chị Mai Hương, chủ cửa hàng thiết bị trang trí nội thất trên đường 3/2, quận 10 cho hay, khoảng từ đầu tháng 2/2021 sức mua ngành hàng trang trí nội thất bắt đầu tăng lên đáng kể so với thời điểm bình thường. Để thu hút khách hàng, hầu hết đơn vị kinh doanh đều chiết khấu từ 10-30%, thậm chí có thể lên đến gần 50% tùy chủng loại hàng hóa hoặc giá trị đơn hàng.
Riêng ngành hàng điện gia dụng, điện lạnh như tivi, máy giặt, tủ lạnh, nồi chiên không dầu, lò nướng mini, bếp hồng ngoại đơn... cũng đắt hàng trong thời điểm cận Tết. Đặc biệt, những sản phẩm được sản xuất theo công nghệ tiết kiệm năng lượng, đa tiện ích và công năng sử dụng, bảo vệ môi trường và có chương trình khuyến mãi, giảm giá, kèm quà tặng thì tạo được sức hút với khách hàng.
Còn ở ngành hàng thời trang may mặc, anh Chí Thành, chủ cửa hàng quần áo thời trang trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết hoạt động giảm giá 50% tất cả sản phẩm của cửa hàng được kéo dài đến ngày đóng cửa nghỉ Tết. Hiện tại, sức mua đang nhích lên dần do có hoạt động giảm giá và đang bước vào thời điểm cận Tết, người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm quần áo mới để du Xuân.
Nếu như những cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ cũng chủ động giảm giá, chiết khấu cho khách hàng mua lẻ hoặc sỉ, thì chuỗi cửa hàng, nhãn hàng đã có thương hiệu cũng cạnh tranh không kém khi thực hiện chương trình khuyến mãi trên toàn hệ thống.
Đặc biệt, với mô hình kinh doanh chuỗi có hệ thống cửa hàng rộng khắp, nên người tiêu dùng dễ dàng chọn lựa điểm mua sắm thuận tiện nhất, đồng thời sản phẩm thương hiệu có xu hướng ngày càng được ưa chuộng trên thị trường.
Bạn Gia Hân, sinh viên trường Đại học quốc tế RMIT, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, việc đa dạng thương hiệu thời trang trẻ giày dép, túi xách, quần áo... như Vascara, Lime Orange, Canifa... giảm giá lên đến 50% đã tạo điều kiện cho khách hàng mua sắm hàng hóa chất lượng với giá cả tiết kiệm.
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị kinh doanh công bố thời gian nghỉ Tết trễ hơn những năm trước từ hai đến ba ngày càng tạo cơ hội cho khách hàng mua sắm những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu cho dịp Tết.
Ghi nhận thực tế tại hệ thống trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, không khí bán buôn duy trì ở mức tăng ổn định và giá trị đơn hàng của mỗi khách hàng tăng từ 30-50% (tương đương với mức tăng khoảng từ 500.000-1 triệu đồng/đơn hàng). Người dân chủ yếu mua sắm ở những ngành hàng như lương thực-thực phẩm, nhu yếu phẩm, đồ dùng gia đình, vệ sinh nhà cửa...
Đại diện một trung tâm thương mại tại quận 2, TP HCM cho rằng do tình hình dịch bệnh nên người tiêu dùng có xu hướng mua sắm online song song với trực tiếp đến điểm bán. Với kinh nghiệm mua sắm cá nhân, người dân sẽ chọn lọc những mặt hàng có thể mua sắm online, còn có những mặt hàng bắt buộc phải trực tiếp đến điểm bán như thực phẩm sơ chế sẵn, rau củ, quả, thịt gia súc, gia cầm, bánh chưng, bánh tét, dưa món, củ kiệu...
"Điều này đã góp phần thực hiện tốt việc phòng chống dịch COVID-19 tại nhiều kênh phân phối, bán lẻ, nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Hơn thế nữa, việc người tiêu dùng chuyển sang mua sắm online cũng thúc đẩy giảm áp lực cho hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng... trong dịp lễ, Tết," vị đại diện này cho biết thêm.
Hàng Tết nhộn nhịp nhập chợ
Thống kê sơ bộ tại một số kênh phân phối, bán lẻ, tình hình tiêu thụ bia và các loại nước giải khát nhẹ tăng khoảng từ 5-10% so với cùng kỳ năm trước. Do đặc tính của siêu thị là khách hàng mua biếu tặng và dự trữ dùng cho dịp sum họp gia đình nên sức tiêu thụ bia và các loại nước giải khát đều tăng trưởng ổn định.
Hiện tại, cũng là thời điểm tiêu thụ giỏ quà Tết mạnh nhất trong năm của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại (Saigon Co.op), với mỗi ngày các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile... tiêu thụ gần 10.000 giỏ quà Tết các loại. Nhóm giỏ quà tiêu thụ mạnh nhất quanh mức giá từ 500.000-800.000 đồng, gồm bánh, mứt, hạt điều, trà, lạp xưởng, nước yến, bánh kẹo nhập khẩu...
Theo bà Hồ Thị Hồng Đào, Phó Giám đốc Marketing Saigon Co.op, trong những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Saigon Co.op sẽ tập trung giảm giá mạnh thêm cho nhóm thịt lợn, sản phẩm chế biến từ thịt lợn, thịt gà, rau củ, trái cây, đặc sản chưng cúng trong mâm cổ gia tiên Tết. Saigon Co.op cũng chuẩn bị phương án vận chuyển hàng hóa thiết yếu từ những khu vực không có dịch đến vùng dịch để phục vụ nhu cầu của người dân.
Vào thời điểm này, lượng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 từ các địa phương trên cả nước đã và đang nhộn nhịp nhập về TP HCM, trong đó giá cả một số mặt hàng có xu hướng giảm. Tại chợ đầu mối Hóc Môn, từ ngày 20 tháng Chạp đến nay, lượng hàng về chợ bình quân đạt khoảng 2.800 tấn/ngày, tăng 300 tấn/ngày so với cùng kỳ năm trước. Trong 120 mặt hàng chủ lực tại chợ thì có 50 mặt hàng giảm giá ở mức gần 15% so với tháng trước.
Còn ông Phan Thành Tân, Giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền, cho biết ghi nhận sức mua ở chợ hiện thấp so với cùng kỳ năm trước, nhưng dự báo sức mua sẽ tăng bình quân từ 20-35% trong những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Thời gian cao điểm mua sắm Tết tại TP HCM thường vào ngày 27 và 28 tháng Chạp, nên lượng hàng hóa nhập chợ có thể đạt 4.500 tấn/đêm, tăng từ 50-80% so với ngày thường.
Trước đó, Phó chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng đã dẫn đầu đoàn công tác Ủy ban Nhân dân và sở, ngành Thành phố kiểm tra và làm việc với Ban quản lý các chợ đầu mối nông sản thực phẩm trên địa bàn; yêu cầu Ban quản lý chợ nghiêm túc thực hiện việc phòng chống dịch bệnh, cũng như lên kịch bản cho tình hình thị trường diễn biến phức tạp, nhất là chuẩn bị kịch bản khi người lao động ở lại Thành phố Hồ Chí Minh ăn Tết mà không về quê.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thắng cũng yêu cầu Chi cục Thú y, Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Ban quản lý chợ và các đơn vị liên quan phối hợp tăng cường việc kiểm soát, bảo đảm an toàn thực phẩm hàng hóa vào chợ đầu mối Thành phố.
Ban Quản lý chợ tuyên truyền thương nhân tại chợ đầu mối phải bán hàng đúng giá niêm yết, tạo ổn định chung về giá hàng Tết; phát loa nhắc nhở thương nhân, người dân ra vào chợ thực hiện quy định 5K trong phòng chống dịch, bắt buộc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn...