|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhiều dự án nghìn tỉ nguy cơ ngừng thi công vì nợ nhà thầu

08:02 | 20/06/2019
Chia sẻ
Ngoài Dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên, TPHCM còn hàng loạt dự án trọng điểm có quy mô đầu tư hàng trăm triệu USD từ nguồn vốn vay ODA có nguy cơ ngừng thi công vì chậm thanh toán cho các nhà thầu.
avatar_1560992138267

Nhà thầu Dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé – Kênh Đôi – Kênh Tẻ (giai đoạn 2) treo băng rôn "tạm dừng thi công"

Vào đầu tháng 6/2019, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến làm việc với lãnh đạo các sở, ban, ngành chức năng và đơn vị liên quan về việc tạm ứng cho dự án cải thiện môi trường nước (giai đoạn 2). Động thái này nhằm thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của UBND TPHCM trong xem xét, trả nợ cho các nhà thầu thi công. Tuy nhiên, trao đổi riêng với PV Tiền Phong mới đây, ông Tuyến cho hay UBND TPHCM phải xin ý kiến vì thẩm quyền thuộc Thủ tướng Chính phủ.

Cuối tháng 5 vừa qua, tại hàng loạt rào chắn công trường thi công dự án cải thiện môi trường nước, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ (giai đoạn 2) trên địa bàn TPHCM, các nhà thầu đã cho treo băng rôn “Chúng tôi buộc phải tạm dừng thi công”. Sau đó, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TPHCM (chủ đầu tư) thuyết phục và các nhà thầu đã tháo băng rôn.

Trước đó vào cuối tháng 4, Văn phòng UBND TPHCM có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến về việc tạm ứng vốn ngân sách thành phố để thanh toán khối lượng hoàn thành cho Dự án cải thiện môi trường nước thành phố, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ (giai đoạn 2 và dự án phát triển giao thông xanh).

Theo đó, ông Trần Vĩnh Tuyến đã giao Sở Tài chính TPHCM chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cùng các cơ quan liên quan tham mưu đề xuất lãnh đạo TPHCM xem xét tạm ứng 300 tỷ đồng từ vốn ngân sách thành phố để thanh toán cho các nhà thầu thi công.

Đại diện Ban Quản lý dự án vệ sinh môi trường TPHCM cho biết, cũng đang rối bời và chịu nhiều áp lực từ phía các nhà thầu thi công trong việc thanh toán khối lượng thi công hoàn thành.

Từ giữa tháng 3 vừa qua, Công ty Italian - Thai Development Public (ITD), nhà thầu thi công gói thầu xây lắp số 1 (xây dựng tuyến cống bao) đã phát hành văn bản cho biết sẽ tiếp tục giảm công việc hoặc tạm ngưng thi công vì chưa nhận được tiền thanh toán.

Đến ngày 2/4, ITD tiếp tục có văn bản cho biết, trong số 21 hạng mục đang thi công, ITD đã tạm ngừng thi công nhiều hạng mục. Trong văn bản trên, ITD cho biết, có thể sẽ tiếp tục tạm dừng thi công thêm một số hạng mục nếu chủ đầu tư tiếp tục trả nợ chậm. Trong trường hợp chủ đầu tư không sắp xếp tài chính được thì nhà thầu sẽ tạm ngưng toàn bộ các công việc hợp đồng. ITD cũng yêu cầu chủ đầu tư dự án trả lãi suất khoản tiền chậm thanh toán khối lượng thi công, khoảng 2,29 tỷ đồng tính đến ngày 28/2/2019.

Theo đại diện Ban Quản lý dự án vệ sinh môi trường TPHCM, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là thiếu tiền trả nợ các nhà thầu thi công. Chủ đầu tư dự án đang nợ nhà thầu khoảng 300 tỉ đồng xét trên khối lượng công việc đã thi công trong năm 2018 và tính đến tháng 3/2019 và đã có nhiều văn bản báo cáo, kiến nghị UBND TPHCM sớm làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thúc đẩy việc bổ sung ngân sách nhà nước cho dự án là trên 1.200 tỉ đồng trong năm 2019.

Trước mắt, chủ đầu tư đã kiến nghị UBND TPHCM tạm ứng từ ngân sách 300 tỉ đồng để thanh toán khối lượng thi công hoàn thành cho các nhà thầu trong năm 2018 và khối lượng thực hiện tính đến hết tháng 3/2019.

Dự án vệ sinh môi trường TPHCM (giai đoạn 2) được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 12/2013 xác định thực hiện trong giai đoạn 2014 - 2019. Tuy nhiên, do thủ tục chậm trễ, đến tháng 2/2017, gói thầu xây lắp 1 “thi công xây dựng tuyến cống bao” và là gói thầu đầu tiên của dự án mới được khởi công.

Huy Thịnh

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.