Nhiều dự án bất động sản đang vướng mắc thuộc thẩm quyền địa phương giải quyết
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, một trong những điểm mới được ghi nhận trong việc thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng là Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép ủy quyền công bố danh mục các dự án nhà ở xã hội cho UBND tỉnh – thành phố ngay tại địa phương sau khi các dự án được phê duyệt, cấp phép xây dựng và đảm bảo điều kiện theo quy định.
“Như vậy, trên cơ sở UBND tỉnh công bố, ngân hàng sẽ căn cứ vào đó để thực hiện giải ngân, theo đúng nhu cầu kịp thời, phù hợp, sát thực tế. Điều này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy quá trình đầu tư xây dựng các dự án cũng như xác định đối tượng cho vay nhanh nhất, để giải ngân thật nhanh nguồn vốn dành cho nhà ở xã hội”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh phân tích.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, hiện nay, nhiều khó khăn, vướng mắc đã được nhận diện đầy đủ. Nhiều nội dung đã được Chính phủ tháo gỡ thông qua hệ thống văn bản chính sách mới ban hành như Thông tư, Nghị định… liên quan đến thủ tục đầu tư, giao đất, định giá đất, quy hoạch, tài chính,…
Thời gian tới, hoàn thiện thể chế tiếp tục được chú trọng với việc sửa Luật liên quan nhà ở; trong đó, đặc biệt quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội. Riêng với phân khúc này, các vướng mắc tập trung chủ yếu ở 1 số nhóm vẫn đề: dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, định giá đất, lựa chọn chủ đầu tư, xác định giá bán, giá cho thuê, xác định đúng đối tượng thụ hưởng…, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh chỉ rõ.
Dự kiến, Luật Nhà ở sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và thông qua vào Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Nhóm chính sách về nhà ở xã hội sẽ có hiệu lực ngay khi Luật được thông qua để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhận định, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ (thành lập theo Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 17/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ) cùng các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Một số cơ chế, chính sách mới được Chính phủ ban hành, các bộ, ngành tổ chức triển khai về chào bán, giao dịch trái phiếu; chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP; đề án Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 đã có nhiều tác động đến thị trường bất động sản.
Nhìn chung, thị trường bất động sản đã có phản ứng tích cực với những chỉ đạo, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành.
Theo đó, thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu tích cực, niềm tin của nhà đầu tư được phục hồi, một số dự án bất động sản được tiếp tục triển khai sau một thời gian phải tạm dừng, lượng tìm kiếm và giao dịch bất động sản đã dần tăng lên, đặc biệt vào thời điểm cuối quý.
Tuy nhiên, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy thị trường bất động sản vẫn đang trong trạng thái trầm lắng, giá rao bán nhà đất đều trong xu hướng giảm. Nhưng giá rao bán chung cư trên thị trường thứ cấp chưa có hiện tượng giảm sâu do nguồn cung thấp, giá thành xây dựng công trình cao. Do đó, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.
Liên quan đến kết quả phát triển nhà ở xã hội, Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường Bất động sản Nguyễn Hoàng Hải cho biết, đến nay, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn, với tổng diện tích hơn 7.950.000 m2. Đang tiếp tục triển khai 418 dự án (bao gồm các dự án đang xây dựng và dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư), với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn, với tổng diện tích khoảng 22.565.000 m2.
Riêng quý I, cả nước có 1 dự án nhà ở xã hội với quy mô 300 căn hộ được cấp phép mới (tại Bình Định); có 5 dự án với quy mô 1.908 căn đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai; có 4 dự án với quy mô 934 căn hộ đã hoàn thành xây dựng.
Cùng đó, có 397 dự án đang triển khai xây dựng với quy mô 453.426 căn trong đó: đang triển khai xây dựng 152 dự án với quy mô 153.426 căn; đang thực hiện thủ tục đầu tư 245 dự án với quy mô 300.000 căn.
Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục để hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án bất động sản, dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về đầu tư để tăng nguồn cung về nhà ở, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản trên địa bàn. Cùng đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản cả về phía người bán và người mua...
Ngoài ra, cần khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; đồng thời thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở.