|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp tên tuổi của Mỹ gục ngã trong COVID-19

16:17 | 05/07/2020
Chia sẻ
Sức tàn phá của đại dịch Covid-19 giáng đòn chí mạng vào các doanh nghiệp Mỹ. Theo Công ty tư vấn pháp lý Epiq Systems Inc, trong nửa đầu năm này, số vụ nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 ở Mỹ đã lên đến 3.604, tăng 26% so với với cùng kì năm ngoái.

NPC International, công ty nhận nhượng quyền chuỗi nhà hàng Pizza Hut và nhà hàng Wendy’s ở Mỹ, vừa nộp đơn xin bảo hộ phá sản, nối dài danh sách những doanh nghiệp tên tuổi của Mỹ gục ngã do tác động của đại dịch Covid-19 bao gồm chuỗi bán lẻ thời trang J.Crew, chuỗi bách hóa cao cấp Neiman Marcus, chuỗi bách hóa J. C. Penney, Công ty dầu đá phiến Chesapeake Energy, Công ty cho thuê xe Hertz.

Nhiều doanh nghiệp tên tuổi của Mỹ gục ngã trong COVID-19 - Ảnh 1.

Nhu cầu thuê xe mất hút cộng với núi nợ gần 19 tỉ đô la khiến Hertz, công ty cho thuê xe lớn thứ hai ở Mỹ, chọn con đường xin bảo hộ phá sản. Ảnh: Bloomberg

Chuỗi nhà hàng nhượng quyền, chuỗi bán lẻ thời trang gục ngã

Hôm 1-7, NPC International, công ty đang quản lý hơn 1.200 nhà hàng Pizza Hut và khoảng 400 nhà hàng Wendy’s, nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Cuối tháng trước, CEC Entertainment, công ty mẹ của chuỗi 555 nhà hàng và trung tâm giải trí Chuck E. Cheese, có trụ sở ở Texas, cũng đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. CEC Entertainment cho biết lý do xin bảo hộ phá sản là do hàng loạt nhà hàng Chuck E. Cheese phải đóng cửa trong thời gian quá lâu theo lệnh phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19, gây tổn thất doanh thu nặng nề.

Nếu như vụ phá sản của NPC International là hồi chuông cảnh báo cho các công ty kinh doanh nhượng quyền nhà hàng ở Mỹ trong thời kỳ khó khăn vì Covid-19, thì vụ phá sản của J.Crew đánh dấu cú gục ngã lớn đầu tiên của các chuỗi bán lẻ thời trang do tác động của dịch bệnh này.

Hôm 4-5, J.Crew nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở một tòa án tại bang Virginia. J.Crew quản lý gần 500 cửa hàng mang các thương hiệu J.Crew, Madewell và J.Crew Factory nhưng buộc phải đóng cửa chúng trong thời kỳ phong tỏa vì được xem là dịch vụ kinh doanh không thiết yếu. J.Crew dự báo tổn thất doanh thu 900 triệu đô la Mỹ do tình trạng đóng cửa này.

Tình hình kinh doanh của J.Crew đã sa sút trước khi dịch Covid-19 ập đến với mức lỗ ròng 78,8 triệu đô la Mỹ vào năm ngoái. Công ty này đang gánh khoản nợ khoảng 1,7 tỉ đô la. Trong những năm gần đây, J.Crew đối mặt với cuộc khủng hoảng định vị thương hiệu. Giữa lúc người tiêu dùng có xu hướng theo đuổi phân khúc thời trang cấp cao hoặc giá rẻ, thì thương hiệu J.Crew nằm lưng chừng ở giữa.

Thành lập vào năm 1983, J.Crew đã giúp phổ biến hóa các thương hiệu thời trang preppy, biến tấu giữa lối ăn mặc chỉn chu, thanh lịch của các trường tư thục và chất phóng khoáng, sành điệu của giới thượng lưu Mỹ, châu Âu.

Doanh nghiệp trăm tuổi cũng phải ra đi

Nhiều doanh nghiệp tên tuổi của Mỹ gục ngã trong COVID-19 - Ảnh 2.

JCPenney, chuỗi bán lẻ thời trang và nội thất với 118 tuổi đời, có trụ sở ở bang Texas, nộp đơn xin bảo hộ phá sản hồi giữa tháng 5. Ảnh: AP

Trong tháng 5, chuỗi bách hóa cao cấp Neiman Marcus cũng nộp đơn xin bảo hộ phá sản chỉ ba ngày sau đó.

Công ty có lịch sử 113 tuổi đời này cho biết đang đàm phán tái cấu trúc với các chủ nợ để giảm nợ và xác định phương hướng phát triển dài hạn.

Neiman Marcus quản lý 69 cửa hàng dưới 3 thương hiệu Neiman Marcus, Bergdorf Goodman và MyTheresa.

Các vấn đề của Neiman Marcus tồn tại nhiều năm trước khi dịch Covid-19 ập đến, bao gồm nợ nần lớn và xu hướng người tiêu dùng giảm mua sắm ở các chuỗi bách hóa truyền thống vì họ có sự lựa chọn thay thế bao gồm các kênh mua sắm trực tuyến.

Theo tài liệu công bố hồi năm ngoái, công ty này gánh khoản nợ gần 5 tỉ đô la. Cũng giống như các chuỗi bán lẻ khác, hồi tháng 3, Neiman Marcus thông báo đóng cửa tất cả các cửa hàng và tạm thời sa thải gẩn 14.000 nhân viên.

Ngày 15-5, JCPenney, chuỗi bán lẻ thời trang và nội thất với 118 tuổi đời, có trụ sở ở bang Texas, nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Với hệ thống 846 cửa hàng trên khắp nước Mỹ buộc phải đóng cửa và gánh khối nợ gần 4 tỉ đô la, JCPenney đã không trụ nổi trong thời kỳ dịch bệnh.

Báo cáo tài chính quí 1-2020 của JCPenney ghi nhận doanh thu giảm 56% và mức lỗ hoạt động tăng gấp hơn 4 lên 447 triệu đô la so với mức lỗ 93 triệu đô la vào cùng kỳ năm ngoái.

Cũng trong tháng 5, Hertz Global Holdings, công ty cho thuê xe lớn thứ hai nước Mỹ, nộp đơn xin bảo hộ phá sản do nhu cầu thuê xe giảm quá nhiều trong thời kỳ dịch bệnh và các cuộc đàm phán với các chủ nợ thất bại.

Đây là vụ phá sản đáng chú ý nhất trong cuộc khủng hoảng Covid-19 vì Hertz là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực cho thuê xe ở Mỹ, có tuổi đời hơn 100 năm.

Hertz có tổng cộng 568.000 xe cho thuê và 12.400 chi nhánh và công ty nhận nhượng quyền kinh doanh ở 150 nước trên thế giới.

Chỉ trong ba tháng đầu năm nay, Hertz chịu mức lỗ 356 triệu đô la, tăng mạnh so với mức lỗ ròng 58 triệu đô la trong năm 2019. Vào thời điểm cuối tháng 3, khối nợ của Hertz là 18,8 tỉ đô la,  tăng thêm 1,7 tỉ đô la so với cuối năm ngoái. Hertz sử dụng đội xe khổng lồ của mình để thế chấp cho phần lớn khối nợ khổng lồ này. Giờ đây, Hertz đề xuất với các chủ nợ về kế hoạch thanh lý 30.000 xe mỗi tháng cho đến hết năm nay để huy động 5 tỉ đô la tiền mặt.

Nhà tiên phong trong công nghệ dầu đá phiến ra đi

Vụ phá sản gây chú ý gần đây nhất là Chesapeake Energy, công ty tiên phong mở ra cuộc cách mạng dầu đá phiến của Mỹ. Hôm 28-6, Chesapeake Energy nộp đơn xin bảo hộ phá sản, trở thành công ty dầu khí lớn nhất của Mỹ sụp đổ trong cuộc khủng hoảng Covid-19.

Chesapeake Energy từng là nhà sản xuất khí đốt lớn thứ hai nước Mỹ nhờ đặt cược sớm vào công nghệ nứt vỡ thủy lực (fracking) để khai thác dầu khí ở các vùng đá phiến dầu.

Aubrey McClendon, người sáng lập kiêm giám  đốc điều hành đã quá cố của Chesapeake Energy được xem là một trong những nhà lãnh đạo thúc đẩy cơn bùng nổ dầu đá phiến, giúp Mỹ vươn lên trở thành nhà sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới.

Song đối mặt cú sút giá mạnh của hàng hóa năng lượng do tác động của dịch bệnh và núi nợ,  Chesapeake Energy không còn cách nào khác ngoài sự lựa chọn xin bảo hộ phá sản. Cổ phiếu của công ty này sụt giảm mạnh hơn 97% từ mức 172 đô la vào hồi năm nay, xuống còn 4,69 đô la vào ngày 2-7.

Hồi đầu tháng 6, Chesapeake Energy đã phải khất trả lãi cho khoản nợ 13,5 tỉ đô la. Công ty này ghi nhận mức lỗ ròng 8,3 tỉ đô la trong quí 1-2020.

Chesapeake Energy là cái tên mới nhất trong danh sách các công ty dầu khí ở Mỹ làm thủ tục phá sản. Hồi tháng 4, Whiting Petroleum, một “ngôi sao” dầu đá phiến khác, cũng đã xin phá sản vì giá dầu giảm và khoản nợ gần 5 tỉ đô la Mỹ. 

Một báo cáo nghiên cứu gần đây cũa hãng kiểm toán Deloitte nhận định 30% công ty dầu đá phiến sẽ vỡ nợ về mặt kỹ thuật nếu giá dầu Tây Texas ở mức 35 đô la/thùng. Báo cáo này ước tính ngành dầu đá phiến của Mỹ sẽ buộc phải bút toán giảm giá trị tài sản đến 300 tỉ đô la Mỹ do giá dầu giảm.

Khánh Lan