|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhiều công ty chế biến thủy sản đến đường cùng vì sự cố Formosa

15:41 | 27/08/2016
Chia sẻ
Sự cố ô nhiễm môi trường liên quan tới Formosa đang đẩy các doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam vào con đường phá sản vì thiếu nguyên liệu sản xuất và chi phí đội lên cao.
nhieu cong ty che bien thuy san den duong cung vi su co formosa

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), từ tháng 4/2016, sự cố ô nhiễm môi trường khiến hải sản chết hàng loạt tại bốn tỉnh miền Trung, gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, đã ảnh hưởng rất lớn và gây thiệt hại nặng nề đến các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong nước.

Về nguồn cung, các nhà máy chế biến thủy sản đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nguyên liệu sản xuất trầm trọng. VASEP cho biết, nhiều nhà máy chế biến phải tạm ngừng sản xuất hoặc sản xuất với công suất rất thấp để duy trì hoạt động và giữ chân công nhân.

Nguồn cung thiếu hụt đơn giản vì, sự cố Formosa đã gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho ngư dân, dẫn tới hoạt động đánh bắt thủy hải sản bị ngưng trệ.

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh (Shatico) đã phải ngưng hoạt động của nhà máy chế biến suốt 2 tháng do không có nguyên liệu. Ông Trần Đình Nam – Chủ tịch Hội đồng quản trị của Shatico cho biết, công ty sẽ ngừng hoạt động từ tháng 9 đến cuối năm vì đến giữa tháng 8/2016, ngư dân vẫn chưa đi đánh bắt trở lại.

Mặt khác, với tâm lý lo ngại về chất lượng của đầu vào, doanh nghiệp cũng giảm sản lượng thu mua đến 60% so với cùng kỳ năm 2015. Theo báo cáo của Shatico, thu mua nguyên liệu trong 8 tháng đầu năm của công ty chỉ đạt 228 tấn so với năm 2015 là 580 tấn, tương đương 40% so với mục tiêu đề ra.

Xét về đầu ra, doanh nghiệp lại càng gặp khó khăn hơn khi thị trường tiêu thụ trong nước gần như đóng băng còn thị trường nước ngoài giảm sức mua, do lo ngại sản phẩm bị nhiễm kim loại nặng. Nhiều khách hàng nước ngoài thậm chí đã hủy hợp đồng mua bán với các doanh nghiệp có nhà máy chế biến tại 4 tỉnh miền trung bị ảnh hưởng, VASEP cho biết. Như với Shatico, xuất khẩu của công ty chỉ được 160 tấn với kim ngạch giảm khoảng 42%, tương đương 1 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2015 xuống còn 1,4 triệu USD.

Doanh thu giảm mạnh trong khi hàng tồn kho ngày một tăng khiến các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong nước phải chịu lỗ nặng. Các công ty phải chịu thêm nhiều chi phí, như tiền điện, tiền thuê kho,...để bảo quản hàng tồn kho trong khi vẫn phải chi các khoản để giữ chân người lao động và chi trả cho đối tác.

VASEP đánh giá, tổng thiệt hại đối với mỗi doanh nghiệp chế biến thủy hải sản là rất lớn. Riêng công ty Shatico đã báo cáo thiệt hại lên tới 8,256 tỷ đồng.

Trước tình hình như vậy, VASEP đã kiến nghị Chính phủ và các Bộ có sự can thiệp đối với tập đoàn Formosa trong vấn đề có trách nhiệm với doanh nghiệp và người dân ở 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường hồi tháng 4/2016. Thêm vào đó, Chính phủ nên ban hành chính sách hỗ trợ, giải quyết hỗ trợ cho những đối tượng đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự cố này, từ đó giúp vực dậy ngành thủy sản vốn được Chính phủ xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước hiện nay.

Kim Dung