Nhiều băn khoăn trước đề xuất tái thành lập Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam
Theo Dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông Vận tải đang được xin ý kiến, nhiều đơn vị của Bộ này sẽ được sáp nhập hoặc bỏ hẳn theo tinh thần tinh giản đầu mối.
Đáng chú ý hơn cả tại dự thảo này có đề xuất tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam. Đề xuất này đang còn nhiều ý kiến khác nhau bởi đơn vị này từng được thành lập năm 2013 có chức năng tham mưu cho Tổng cục trưởng thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành về đường bộ cao tốc.
Tuy nhiên, đến năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 35/2018/QĐ - TTg về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải theo hướng tinh gọn lại bộ máy, tổ chức của cơ quan quản lý nhà nước về đường bộ, chấm dứt sự tồn tại của Cục Quản lý đường bộ cao tốc chỉ sau 5 năm hoạt động.
Theo nhìn nhận của các chuyên gia, quyết định trên được cho là đúng đắn khi theo đúng tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc sáp nhập các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng giúp gọn nhẹ bộ máy, giảm đầu mối, tránh chồng chéo, trùng lặp trong quản lý công việc.
Kinh nghiệm các nước trên thế giới có mạng lưới giao thông phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… những nước này cũng không thành lập cục đường cao tốc riêng mà chỉ có cục đường bộ quản lý vận hành.
Theo tờ trình của Bộ Giao thông Vận tải, lý do tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành 2 cục là Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam là do ý kiến của Bộ Nội vụ cho rằng Tổng cục Đường bộ Việt Nam chưa đáp ứng các tiêu chí thành lập Tổng cục (do có phân cấp địa phương về quản lý, bảo trì hệ thống đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã).
Tuy nhiên, tờ trình này cũng nêu rằng sau khi tổ chức lại, cơ bản Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam hiện nay.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, việc tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo hướng giảm cấp xuống Cục theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đang được các đơn vị của Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương triển khai.
Tuy nhiên, việc thành lập Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam trên cơ sở sắp xếp lại Tổng cục đường bộ Việt Nam theo hướng chia tách riêng quản lý đường bộ thành quốc lộ và đường bộ cao tốc cho 2 cơ quan quản lý là có sự trùng lắp, chồng chéo; chưa đảm bảo nguyên tắc “một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Huyện, xét về mặt bản chất, đường bộ cao tốc cũng là một cấp đường nếu thành lập riêng một Cục Đường bộ cao tốc sẽ lãng phí nguồn lực. Thực tế, thống đường cao tốc hiện nay với hơn 1.000 km cũng có rất nhiều đoạn đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Ví dụ như tại Quảng Ninh thì cao tốc được đầu tư chủ yếu do tư nhân đầu tư, trực tiếp quản lý, vận hành và khai thác. Hay như 5 tuyến cao tốc (Nội Bài – Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Tp. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây và Bến Lức – Long Thành) hiện do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) trực tiếp quản lý.
Theo một lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông Vận tải), sau khi các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 hoàn thành sẽ tổ chức thu phí để thu hồi vốn Nhà nước thông qua hình thức chuyển nhượng quyền thu phí trong một thời hạn nhất định (3 năm, 5 năm hoặc 10 năm). Như vậy, khi đó vai trò quản lý đường cao tốc sẽ do doanh nghiệp quản lý, vai trò quản lý nhà nước chỉ mang tính chất quản lý chung.
Do đó, không nhất thiết phải thành lập một Cục chuyên quản lý các tuyến đường này. Có thể chỉ thành lập một đơn vị nằm trong Cục Đường bộ Việt Nam theo dõi, quản lý là đủ.
Ngoài ra, các chuyên gia giao thông nhìn nhận, nếu đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải được phê duyệt, các doanh nghiệp BOT sẽ rơi vào tình trạng “một cổ 2 tròng”, chịu sự quản lý từ 2 cơ quan tương đương. Điều này sẽ gây không ít khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp.
Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đường cao tốc đang khai thác khoảng 1.227km; trong đó Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý bảo trì trực tiếp 194km trên chính tuyến và đường dẫn, 32km đường nhánh (4 tuyến cao tốc), còn lại 1.033km là đường BOT đầu tư, kinh doanh khai thác và đường cao tốc địa phương quản lý. Năm 2022, vốn sự nghiệp kinh tế đường bộ bố trí cho quản lý, bảo trì đường cao tốc do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý là 257 tỷ đồng. Nếu Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam được thành lập thì thì công việc quản lý sẽ ít, gây lãng phí nguồn lực.
Một số ý kiến cho rằng, nếu đầu mối quản lý về đường bộ “phình” ra thì sẽ phát sinh thêm chi phí để đầu tư trụ sở, nhà hạt, xe máy... Tổ chức một Cục cần khoảng 5 Phòng và 3 Chi cục sẽ làm tăng số cán bộ lãnh đạo, quản lý nên chí phí thường xuyên khó giảm. Dự kiến nhân sự của Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam sẽ vào khoảng 180 người.
PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho hay, việc sắp xếp tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam là cần thiết để giảm đầu mối và tăng tính hiệu quả của việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực đường bộ.
Theo dự kiến, việc thành lập Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam trên cơ sở tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần đánh giá, xem xét cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ để tránh chồng chéo với Cục Đường bộ Việt Nam – đơn vị kế thừa chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam hiện nay.
Một chuyên gia giao thông phân tích, quản lý nhà nước ngành giao thông vận tải hiện nay được thiết kế theo nguyên tắc Bộ Giao thông Vận tải thống nhất quản lý 5 chuyên ngành: Đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải và hàng không. Tương ứng với mỗi chuyên ngành nói trên là một Cục chuyên ngành thuộc Bộ. Riêng ngành đường bộ hiện đang do một bộ máy cấp Tổng cục phụ trách.
Nếu đề xuất tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành hai Cục Đường bộ Việt Nam và Đường bộ cao tốc Việt Nam được thông qua sẽ dẫn đến trường hợp có 2 Cục cùng làm một nhiệm vụ. Bởi đường bộ là khái niệm nói chung, được cấu thành bởi nhiều cấp đường (Quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, đường xã, đường đô thị, đường chuyên dùng). Cao tốc thực tế chỉ là một cấp đường, một lĩnh vực trong đường bộ.
“Nếu ra đời Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam, thì bản chất chỉ là làm nhiệm vụ quản lý lĩnh vực chứ không phải là cơ quan quản lý nhà nước về chuyên ngành như các Cục Hàng hải, Đường thủy nội địa hay Hàng không… Vì cao tốc là một lĩnh vực thuộc hệ thống đường bộ Việt Nam”, một cán bộ ngành giao thông chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên TTXVN về nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ Giao thông Vận tải chưa họp và chốt việc này nên chưa thể thông tin được.