Nhật Bản hướng tới xã hội không tiền mặt
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản dự kiến mở cửa vào tháng 4 tới cho nhóm lao động tri thức nước ngoài, hiện đang đối mặt với rào cản trong việc mở tài khoản ngân hàng do thiếu tài sản trong nước và lịch sử giao dịch. Ngoài tiền điện tử được nhập vào thẻ căn cước và điện thoại thông minh, các khoản tiền mua thẻ điện thoại trả trước và ứng dụng điện thoại thông minh đều sẽ được cân nhắc. Tiền ảo thường rất dễ biến động do đó sẽ không được áp dụng.
Theo TTXVN, Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch áp dụng thanh toán lương không tiền mặt tại các đặc khu trước khi nhân rộng ra toàn quốc. Hiện nay, phần lớn người lao động Nhật Bản nhận lương bằng tiền mặt hoặc thông qua chuyển khoản. Luật Lao động Nhật Bản yêu cầu các công ty phải trả lương bằng tiền mặt ít nhất một lần một tháng để họ không thể trả thay thế bằng sản phẩm. Việc chuyển khoản cũng được chấp nhận theo quy định của Bộ Lao động.
Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu siết chặt việc thanh toán lương không dùng tiền mặt cho các nhà kinh doanh có tình trạng tài chính tốt và đã đăng ký với Cơ quan Dịch vụ tài chính. Dự kiến, chính phủ và các bộ ngành sẽ thảo luận để quyết định xem phương thức nào giúp bảo vệ người lao động khỏi việc chậm thanh toán lương nếu các nhà buôn phá sản.
Mặc dù thẻ tín dụng và tiền điện tử ngày càng trở nên phổ biến, Nhật Bản vẫn là xã hội trọng tiền mặt, khi các khoản thanh toán không tiền mặt chỉ chiếm 20% vào năm 2015, thấp hơn nhiều so với mức 90% tại Hàn Quốc và 60% tại Trung Quốc. Chính quyền Tokyo và một số đơn vị khác đã yêu cầu sử dụng tiền điện tử để thanh toán lương, khẳng định nhu cầu này đang rất cao.
Hiện tại, các nhà buôn giao dịch bằng tiền điện tử đang chịu trách nhiệm bảo vệ tiền của người dùng, song lại không bị nhà chức trách giám sát chặt chẽ như ngân hàng. Nếu nhà giao dịch phá sản, sẽ mất tới 3 tháng để người dùng nhận lại tài sản. Kể cả khi công ty bảo hiểm chi trả thiệt hại, việc trả tiền cho những người không có tài khoản ngân hàng cũng sẽ gặp khó khăn.