|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nhật Bản, Ấn Độ hợp tác lập dự án đối đầu với 'vành đai, con đường' của Trung Quốc

12:38 | 17/05/2017
Chia sẻ
Mới đây, Nhật Bản và Ấn Độ lên kế hoạch hợp tác hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng xuyên suốt châu Phi, Iran, Sri Lanka và Đông Nam Á. Đây được xem như một chiến lược đối đầu với dự án cơ sở hạ tầng đơn phương “Một vành đai, Một con đường” (OBOR) kết nối châu Âu và châu Phi của Trung Quốc.
nhat ban an do hop tac lap du an doi dau voi vanh dai con duong cua trung quoc
Lo ngại về việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng thông qua dự án "Một vành đai, Một con đường", Nhật Bản và Ấn Độ hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng xuyên suốt châu Phi, Iran, Sri Lanka và Đông Nam Á.

Ấn Độ thể hiện rõ ràng việc không tham gia vào dự án được gọi là “Con đường Tơ lụa mới”, được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra hôm Chủ nhật (14/5) vừa rồi, vì những lo ngại liên quan đến vấn đề chiến lược và an ninh.

Trong khi đó, Delhi (Ấn Độ) và Tokyo (Nhật Bản) lên kế hoạch tài trợ và công suất xây dựng cho những dự án cơ sở hạ tầng tại miền Đông châu Phi. Nhật Bản dự kiến sẽ tham gia vào nỗ lực của Ấn Độ trong việc mở rộng cảng Chabahar của Iran và đặc khu kinh tế Charbahar. Năm ngoái, Ấn Độ đã đầu tư 20 tỷ USD vào hai khu vực này.

Ở miền Đông Sri Lanka, Nhật Bản và Ấn Độ được kỳ vọng sẽ tham gia mở rộng cảng Trincomalee. Ngoài ra, hai quốc gia có vẻ cũng sẽ bắt tay trong việc phát triển cảng Dawei dọc biên giới Thái Lan – Myanmar.

Theo The Economic Times, Nhật Bản và Ấn Độ sẽ mở hội nghị riêng cho các nhà đầu tư quan tâm đến từ châu Phi vào ngày 24/5, bên lề cuộc gặp mặt thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Phi ở Ahmedabad, để thảo luận về công suất thi công và cơ sở hạ tầng cho các dự án hợp tác. Bộ trưởng Tài chính của Nhật Bản sẽ dẫn đầu phái đoàn của quốc gia này trong buổi gặp mặt.

Kế hoạch mới giữa Nhật Bản và Ấn Độ là một phần của dự án “Hành lang Tự do”, kéo dài từ châu Á – Thái Bình Dương đến châu Phi.

Một chuyên gia về các vấn đề liên quan tới các dự án quốc tế cho biết, mục đích của sự hợp tác này nhằm mang lại ổn định cho khu vực trong bối cảnh Trung Quốc tiến hành dự án chiến lược OBOR khiến nhiều quốc gia cảm thấy không thoải mái.

Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản đã công bố dự án phát triển hành lang kinh tế này trong lần nhà đồng cấp Narendra Modi của Ấn Độ có chuyên công du tới Tokyo vào tháng 11 năm ngoái. Các vấn đề về hợp tác cũng được thảo luận khi bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley ghé thăm Nhật Bản trong lần gần đây.

Nhật Bản và Ấn Độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng để cân bằng sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Chủ đề chính của kế hoạch này là chính sách “Hợp tác vì Cơ sở Hạ tầng Chất lượng” (PQI) của Nhật Bản, bên cạnh sự hợp tác với miền Đông Bắc Ấn Độ, Andaman và đảo Nicobar.

PQI là chính sách nhằm thúc đẩy chuyên môn của Nhật Bản trong phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng trong việc xây dựng các hành lang kinh tế. Chính sách này được ông Abe đưa ra vào tháng 5/2015.

Thắt chặt quan hệ Nhật Bản - Ấn Độ

“Nguyên nhân khiến Ấn Độ và Nhật Bản củng cố quan hệ kinh tế là vì những nỗ lực của Trung Quốc trong việc cải thiện ảnh hưởng của quốc gia này trong khu vực thông qua việc tài trợ các dự án phát triển cho các nước láng giềng.

Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng một dự án cơ sở hạ tầng xuyên suốt đường bộ và đường biển để kết nối Đông Nam Á và châu Âu. Một khi Trung Quốc mở rộng tầm hưởng của mình ở khắp châu Á, Nhật Bản và Ấn Độ tự nhiên cũng muốn làm vậy.

Hợp tác kinh tế lần này giữa Nhật Bản và Ấn Độ ở cả hai lĩnh vực hỗ trợ phát triển và phát triển cơ sở hạ tầng, sẽ giúp củng cố hợp tác nội địa và khu vực”, ông Darshana Baruah của trung tâm Carnegie ở Ấn Độ cho biết.

Chiến lược phát triển tuyến đường xuyên lục địa và xuyên biển của dự án OBOR trở thành mối lo ngại cho Ấn Độ vì liên quan đến an ninh quốc gia, khiến chính quyền New Delhi phải theo đuổi hợp tác gần gũi hơn với Tokyo để phản ứng lại những động thái bành trướng của Bắc Kinh.

Thông qua việc củng cố quan hệ song phương giữa hai nước để hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng xuyên suốt châu Á và châu Phi, ông Abe và Modi đang tìm cách để thúc đẩy kinh tế Nhật Bản và chiến lược của Ấn Độ để vượt qua Nam Á và tiến đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

“Châu Phi là điểm đến quan trọng tiếp theo. Quan hệ hợp tác Nhật - Ấn sẽ mở ra tiềm năng kinh tế thực sự của châu Phi. Hành lang kinh tế Mekong - Ấn Độ (MIEC) kết nối với đặc khu kinh tế Kenya – Tanzania – Mozambique (KTM) thông qua cảng Jawaharlal Nehru và Kochi sẽ mở ra một khung cảnh mới cho liên kết giữa châu Phi và châu Á”, ông Prabir De, chủ tịch của trung tâm India – Asean, nhận định.

Lyly Cao