|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhập khẩu tôm của Mỹ tăng vọt

08:55 | 09/09/2020
Chia sẻ
Theo Undercurrentnews, nhập khẩu tôm hàng tháng của Mỹ tăng trở lại mức cao nhất trong năm vào tháng 7 nhờ vào sản lượng tôm xuất khẩu lớn từ Ấn Độ, nhà cung cấp tôm lớn nhất của Mỹ.

Theo số liệu thương mại mới nhất từ Cơ quan quản lí khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), nhập khẩu tôm của Mỹ tháng 7 tăng 17 nghìn tấn lên 68 nghìn tấn so với tháng 6 khi mà sản lượng tôm xuất khẩu hàng tháng từ Ấn Độ lớn nhất kể từ trước đại dịch COVID-19.

Nhập khẩu tôm của Mỹ tăng vọt - Ảnh 1.

Nguồn: Undercurrentnews

Điều này đã làm tăng sản lượng tôm nhập khẩu của Mỹ lên 378 nghìn tấn trong bảy tháng đầu năm 2020, tăng 4% so với cùng kì năm ngoái.

Giá trị nhập khẩu tôm của Mỹ đạt 3,2 tỉ USD trong giai đoạn này.

Việc sản lượng tôm xuất khẩu từ Ấn Độ trong tháng 7 tăng mạnh là dấu hiệu cho phục hồi ngành tôm của nước này sau khi Ấn Độ đứng sau Indonesia trong bảng xếp hạng các nước xuất khẩu tôm lớn nhất của Mỹ trong tháng 5 và tháng 6. 

Trong khi nhập khẩu tôm từ các nước như Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Ecuador tăng lên đã bù đắp phần nào thì việc giảm nhập khẩu tôm từ Ấn Độ xuất phát từ việc nước này áp dụng biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn COVID-19 đã ảnh hưởng đến các nhà chế biến và hậu cần tại Mỹ. 

Tổng sản lượng nhập khẩu tôm của Mỹ trong tháng 5 và tháng 6 lần lượt giảm xuống còn 38 nghìn tấn và 51 nghìn tấn. 

Nhập khẩu tôm của Mỹ tăng vọt - Ảnh 2.

Nguồn: Undercurrentnews.

Tuy nhiên trong tháng 7, nhập khẩu tôm của Mỹ từ Ấn Độ đã tăng 104% so với tháng 6 lên 24 nghìn tấn và tăng 3% so với cùng kì năm ngoái, theo số liệu từ Cơ quan quản lí khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ.

Giá trị nhập khẩu tôm từ Ấn Độ trong tháng 7 đạt 205,8 triệu USD. 

Trong khi đó các nhà xuất khẩu tôm Ecuador vẫn đang phải đối mặt với sự cản trở trong việc tiếp cận thị trường Trung Quốc do những hạn chế và nỗi lo của người tiêu dùng về sự bùng phát trở lại của COVID-19 có liên quan đến thực phẩm nhập khẩu. 

Trong tháng 7, sản lượng tôm Ecuador xuất khẩu sang Mỹ là 14 nghìn tấn, cao hơn nhiều so với con số 10,8 nghìn tấn trong tháng 6. 

Mặc dù giá trị đơn vị trung bình của tôm Ecuador trong tháng 7 tăng so với tháng 6, giá trị này vẫn chỉ đạt mức 6,27 USD/kg, giảm 11% so với cùng kì năm ngoái. 

Điều này cho thấy cơ hội kiếm được “món hời” của các nhà nhập khẩu Mỹ. 

Nhập khẩu tôm của Mỹ tăng vọt - Ảnh 3.

Nguồn: Undercurrentnews.

Ecuador cũng chuyển hướng xuất khẩu tôm sang Mỹ khi gặp khó ở Trung Quốc

Trong bối cảnh tình hình kinh doanh tại thị trường Trung Quốc gặp khó khăn, các công ty xuất khẩu tôm Ecuador hướng sang thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ hai của nước này là Mỹ. 

Các nhà xuất khẩu Ecuador lên phương án hạ giá bán tôm để xuất khẩu sang Mỹ xuống 3,15 USD/pound đối với tôm cỡ 21/25 con/pound, so với mức 3,6 USD/pound hồi giữa tháng 6.

Tuy nhiên, các nhà cung cấp Ecuador cũng gặp khó khăn vì Mỹ tiếp tục hạn chế việc mở cửa trở lại dịch vụ thực phẩm để ngăn chặn COVID-19. Ngoài ra, họ còn lúng túng trong việc đóng gói sản phẩm đúng qui cách để phục vụ ngành bán lẻ. 

Các block tôm đông lạnh từ 2-5 kg phục vụ nhà hàng thì hiện phải chuyển đổi thành tôm lột vỏ, bỏ chỉ lưng đóng túi 1-2 pound để phục vụ bán lẻ.

Đồng thời, ngành tôm Ecuador đang vận động để đáp ứng được những yêu cầu mới của thị trường nhập khẩu

Xét nghiệm PCR nhanh nhằm phát hiện virus đã được áp dụng rộng rãi tại các nhà máy đóng gói tôm và các biện pháp an toàn sinh học cũng được tăng cường trong các khu vực đóng gói nguyên liệu và container.

Các nhà sản xuất Ecuador cũng đang nhắc nhở nhau về việc cần phải liên kết lại để giá tôm không giảm sâu hơn nữa, cùng bảo vệ quyền lợi của các nhà sản xuất, kêu gọi sự hỗ trợ của Chính phủ, nỗ lực vượt qua khó khăn và tìm kiếm thêm các thị trường mới, không nên chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc. 

H.Mĩ

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.