Nhân viên môi giới và nỗi lo bị thay thế bởi công nghệ 4.0
Thị trường chứng khoán lao dốc, nhà đầu tư ‘khóc ròng’, nhân viên môi giới áp lực, lo thưởng Tết chỉ bằng một nửa năm ngoái |
Cuộc chạy đua công nghệ của các công ty chứng khoán.
Những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đã và đang có những tác động mạnh mẽ đến chiến lược cạnh tranh của các công ty chứng khoán trên thị trường. Giai đoạn cuối năm 2018 và đầu 2019, hàng loạt các ứng dụng công nghệ đã được các công ty chứng khoán giới thiệu tới nhà đầu tư của mình.
Có thể điểm đến một số cái tên đáng chú ý như sự ra đời của công cụ online tư vấn tài chính cá nhân TCWealth, One – Click, i- Advisor giúp công ty chứng khoán Ngân hàng Techcombank (Techcom Securities) duy trì một hệ thống hoạt động không có môi giới. Hay như công ty chứng khoán Ngân hàng VPBank (VPS), sau một thời gian triển khai ưu đãi chính sách thu hút các môi giới có số lượng tài sản quản lý lớn trên thị trường, đã cho ra mắt công cụ chat bot Smart Robo với các chức năng tra cứu thông tin thị trường, khuyến nghị mã chứng khoán, đặt lệnh thay thế cho nhân viên môi giới.
Và mới đây nhất, hãng có tuổi đời lâu năm trên thị trường là Công ty chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) cũng đã giới thiệu tới các nhà đầu tư sản phẩm iBroker, chat bot trợ lý ảo với ba chức năng cơ bản: phân tích kỹ thuật, phân tích cơ bản và tra cứu báo cáo phân tích.
Điểm chung của các hệ thống trên đều hướng tới mục tiêu tối ưu hóa quá trình giao tiếp giữa nhà đầu tư và công ty chứng khoán, loại bỏ các bước trung gian con người. Mọi công đoạn tư vấn, giao dịch đều được tự động hóa và sau đó được tối ưu hóa bằng các thuật toán xử lý lượng lớn dữ liệu (big data) thu thập được từ khách hàng và thị trường.
Nhân viên môi giới đang đánh mất vai trò của mình trong thị trường tài chính?
Cuộc "chạy đua vũ trang" công nghệ của các công ty chứng khoán đã và đang tạo ra những tác động nhất định tới đội ngũ môi giới chứng khoán trên thị trường. Các môi giới giờ đây không chỉ cạnh tranh với các đồng nghiệp ở các công ty mà còn phải cạnh tranh với chính hệ thống sản phẩm do công ty mình tạo ra. Hầu hết các nghiệp vụ truyền thống đơn giản như mở tài khoản, đặt lệnh, tìm kiếm thông tin mã chứng khoán, thị trường đều đã được thực hiện tự động hóa.
Mức độ tự động hóa cao tạo điều kiện cho các khách hàng, nhà đầu tư ở một số công ty chứng khoán hiện nay có thể lựa chọn giữa việc tự thực hiện các giao dịch để tiết giảm chi phí thay vì sử dụng dịch vụ chăm sóc từ môi giới như trước.
Áp lực đang ngày càng lớn đối với các môi giới, những người hiện đang đại diện các công ty chứng khoán tương tác trực tiếp với các khách hàng của mình. Với nhiều sự tiện lợi do công nghệ mang lại, các khách hàng có quyền đòi hỏi chất lượng và năng lực cao hơn so với giai đoạn trước đây từ nhà tư vấn của mình để xứng đáng với đồng phí họ chi trả.
Cách đây không lâu, trong một bài phỏng vấn báo chí, tổng giám đốc một công ty môi giới bất động sản lớn đã đưa ra nhận định rằng cuộc cách mạng công nghiệp mới sẽ khiến cho số lượng nhân viên môi giới giảm rõ rệt trong những năm tiếp theo. Liệu câu chuyện tương tự có xảy trên thị trường dịch vụ chứng khoán? Liệu các chuyên viên môi giới chứng khoán sẽ bị thay thế hoàn toàn bởi hệ thống robot tư vấn trong một tương lai gần?
Chiến thắng thuộc về số ít
Vào tháng 7/2018, một lãnh đạo của Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đã phát biểu trên trang Facebook cá nhân của mình rằng “95% thua lỗ. Chỉ 5% kiếm được tiền trên thị trường phái sinh. Nhà đầu tư siêu đẳng, anh là ai?”
Đây là một minh chứng cho thấy trong lĩnh vực tài chính chứng khoán, nơi mà những người chiến thắng nằm ở nhóm thiểu số.
Như vậy về mặt logic, chúng ta có thể đặt ra câu hỏi nếu nhà đầu tư hành động theo một hệ thống tự động phục vụ cho số đông trên thị trường, liệu họ có thể trở thành người chiến thắng?
Bên cạnh đó, các công nghệ mới được ứng dụng không phải không có nhược điểm của nó. AI hay Machine learning được vận hành dựa trên các thuật toán xử lý khối lượng dữ liệu lớn đưa vào, sau đó đưa ra câu trả lời trong thời gian ngắn nhất. Tuy nhiên, trong một thị trường chứng khoán cận biên bị đánh giá thiếu minh bạch, thiếu nhiều thông tin, dữ liệu đầu vào không đủ và không đúng sẽ khó đem lại câu trả lời chính xác cho nhà đầu tư.
Câu chuyện khi đó sẽ quay ngược trở lại về năng lực của từng môi giới.
Nếu chỉ dừng ở việc cung cấp các dịch vụ đơn thuần với năng lực hạn chế, không sớm thì muộn, các môi giới sẽ sớm bị thay thế bởi những robot tư vấn - thành quả của cuộc cách mạng công nghệ hiện nay. Ngược lại, những tư vấn viên có chuyên môn cao, có tư duy phản biện, năng lực thu thập và xử lý thông tin vượt trội so với số đông sẽ đưa ra được các chiến lược giao dịch thành công và ngày càng thu hút được nhiều khách hàng.
Sự phân hóa chất lượng dịch vụ tư vấn sẽ ngày càng rõ rệt. Dù muốn hay không, các broker cũng buộc phải thay đổi, nâng cao năng lực của mình. Bằng không, sự đào thải là điều khó tránh khỏi.
Xem thêm |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/