Nhận định thị trường ngày 31/7: Tận dụng nhịp điều chỉnh kỹ thuật, tăng tỷ trọng cổ phiếu
Thị trường ghi nhận tuần giao dịch khởi sắc với VN-Index (+2,0%) tăng 3/5 phiên lên 777,1 điểm trong khi HNX-Index (+2,5%) ghi nhận 4 tuần tăng liên tiếp lên 100,6 điểm. Đáng chú ý, diễn biến hồi phục này nhận được sự đồng thuận của thanh khoản với KLGD và GTGD nhìn chung tăng mạnh và đạt ngưỡng trung bình 20 phiên.
Tài chính là nhóm ngành hồi phục ấn tượng nhất khi VNFIN bật tăng 7,4% trong tuần qua, theo sau bởi VNCOND (+4,0%) và nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu VNMAT (+3,2%). Ở phương diện khác, cổ phiếu vốn hóa lớn đóng vai trò dẫn dắt khi VN30-Index bật tăng 2,9%, theo sau bởi VNMID (+2,4%) và VNSMAL (+1,8%).
Dòng tiền đang hướng về nhóm vốn hóa lớn |
Cuộc chơi đang mang tính đầu cơ
Chứng khoán Đầu tư Việt Nam – IVS
Sự lình xình từ cuối phiên hôm 27/7 nối tiếp sang đầu phiên hôm 28/7 nhưng chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn. Phiên hôm 28/7 trùng khớp với những diến biến của kịch bản thứ hai mà chúng tôi đề cập đến trong bản tin ngày hôm trước đó. VN-Index chỉ giảm về 771,21 điểm ở đầu phiên, sau đó đà tăng được duy trì vững chắc nhờ các cổ phiếu lớn. Xét về mặt kỹ thuật, đà tăng mạnh vào cuối phiên, trong đó có phiên ATC, đã giúp chỉ số đóng cửa vượt lên khỏi đường xu hướng giảm bắt đầu từ đầu ngày 7/7. Cơ hội cho thị trường có thể nói đã tiếp tục được mở ra.
Tuy nhiên, có một số điểm cần lưu ý ở đây. Thứ nhất, đợt điều chỉnh này xét về thời gian và cường độ là tương đối lớn, nhưng về vị thế thì chưa thể tính là tương đương với đợt điều chỉnh diễn ra vào tháng 4 trước đó. Thứ hai, tuy nhiên, về mặt biên độ, tính từ khi thị trường điều chỉnh vào tháng 4, biên độ tăng của VN-Index đến thời điểm này đã là khá lớn.
Việc thị trường thoát khỏi một xu hướng giảm với sự đồng thuận từ các cổ phiếu vốn hóa lớn và dòng tiền thực sự là tín hiệu tích cực không thể phủ nhận tại thời điểm này, nhưng nhìn xa hơn trong khoảng thời gian sắp tới sẽ khiến dấy lên những nghi ngại nhất định. Như chúng tôi từng đề cập trong bản tin hôm 27/7 rằng, dù thị trường không cần tăng mạnh, nhưng những cổ phiếu riêng lẻ lại có điều kiện thuận lợi để tăng giá. Cuộc chơi khi đó sẽ không dành cho số đông mà là cuộc chơi mang tính đầu cơ nhiều hơn.
Áp lực bán gia tăng, rung lắc mạnh
Chứng khoán KIS Việt Nam – KIS
Trước mắt VN-Index và HNX-Index có thể đối diện với áp lực bán gia tăng và rung lắc mạnh khi cả hai chỉ số đồng loạt tiệp cận các mức đỉnh cũ 780 và 103 điểm. Các chỉ báo kỹ thuật cũng đồng thuận với nhận định trên khi độ dốc của hai đường xu hướng SMA20 và SMA35 tiếp tục thu hẹp và dãi Bollinger Bands tiếp tục co thắt. Do đó, chúng tôi tiếp tục giữ quan điểm thận trọng và khuyến nghị NĐT quan sát, chờ đợi các phiên điều chỉnh sâu để tìm kiếm cơ hội sinh lời.
Dòng tiền hướng đến nhóm vốn hóa lớn
Chứng khoán BIDV - BSC
Phiên giao dịch ngày hôm 28/7 chứng kiến đà tăng trở lại sau một phiên điều chỉnh nhẹ ngày hôm trước đó. Thanh khoản thị trường vẫn tiếp tục hồi phục. BSC vẫn duy trì nhận định rằng thanh khoản của thị trường sẽ tiếp tục hồi phục với tốc độ khá chậm trong trạng thái thận trọng đã được duy trì ở mức cao của thị trường. Xu hướng chung của dòng tiền sẽ vẫn nhắm đến các cổ phiếu vốn hóa lớn và dẫn dắt thị trường đứng trước cơ hội chinh phục ngưỡng kháng cự 780 điểm trước đó.
Rủi ro điều chỉnh sâu ngắn hạn đã được giảm đáng kể
Chứng khoán Bảo Việt – BVSC
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm ngành ngân hàng đang hỗ trợ tốt cho diễn biến tăng của chỉ số. Rủi ro điều chỉnh sâu trong ngắn hạn đã được giảm đi đáng kể. Nhà đầu tư với khẩu vị rủi ro cao có thể thực hiện hoạt động mua vào trong các phiên đầu tới nhằm phục vụ hoạt động trading hoặc tái cơ cấu danh mục đầu tư.
Tận dụng điều chỉnh kỹ thuật, tăng tỷ trọng cổ phiếu
Chứng khoán FPT - FPTS
Phiên tăng mạnh hôm 28/7 là nhờ sự trở lại của nhóm ngành dầu khí bên cạnh diễn biến tăng ổn định từ nhóm ngành tài chính (ngân hàng, chứng khoán…) trong 04 phiên trở lại đây. Điều này làm nổi bật lên vai trò trụ cột thị trường của nhóm này trong bối cạnh diễn biến bất ổn từ các ngành khác. Do đó, dòng tiền cũng đang tập trung phần lớn vào các phiếu thuộc nhóm tài chính, ngân hàng.
Chính bởi vậy, nhà đầu tư lướt sóng có thể yên tâm hơn để tìm kiếm cơ hội ở các cổ phiếu đang đón nhận thông tin KQKD quý II tích cực và tận dụng các phiên điều chỉnh kỹ thuật trong giai đoạn phục hồi để tăng nhẹ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.