|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhận diện thách thức của xuất khẩu nông, lâm, thủy sản những tháng cuối năm

19:30 | 28/07/2020
Chia sẻ
Khó khăn từ tác động của đại dịch COVID-19 cùng với những thách thức của từng ngành hàng được dự báo sẽ còn ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, xuất nhập, cũng như tiêu thụ trong nước của nông, lâm, thủy sản.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) những tháng cuối năm tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước cũng gia tăng. 

Nhiều thị trường nhập khẩu nông sản siết chặt hơn nữa hàng rào kĩ thuật và các biện pháp tự vệ thương mại, yêu cầu mới về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp chứng thư xuất khẩu, đẩy mạnh chính ngạch, thanh kiểm tra chất lượng tại nước xuất khẩu…, báo Chính phủ đưa tin.

Tại thị trường trong nước, ngành nông nghiệp hiện đang tiếp tục phát huy hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Việc Hiệp định VPA/FLEGT có hiệu lực là cơ hội lớn để gia tăng xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU và việc thực thi Hiệp định thương mại tự do EVFTA mở ra cơ hội, triển vọng thị trường lớn cho hàng nông sản Việt Nam.

Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức từ tác động của đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến sản xuất, xuất nhập, cũng như tiêu thụ trong nước. 

Bên cạnh đó, diễn biến thời tiết khó lường (hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt và dài), dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn, dẫn đến thiếu nguồn cung phải tăng nhập khẩu thịt các loại để đáp ứng nhu cầu trong nước. 

Ngoài ra, dịch bệnh trên thủy sản có nguy cơ tăng cao, như đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm; bệnh gan thận mủ và xuất huyết trên cá tra...

Trên cơ sở kết quả sản xuất kinh doanh 7 tháng vừa qua, ngành chăn nuôi heo được dự báo sẽ phục hồi do đã cơ bản kiểm soát được bệnh tả heo châu Phi; người dân, doanh nghiệp triển khai tái đàn có kiểm soát; nuôi trồng và khai thác thủy sản tiếp tục phát triển… 

Theo số liệu thống kê 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt gần 39,5 tỉ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 22,3 tỉ USD, giảm 2,8% so với cùng kì năm trước; nhập khẩu ước khoảng 17,2 tỉ USD, giảm 4,6%; xuất siêu gần 5,2 tỉ USD, tăng 3,8% so với cùng kì năm 2019.

Bộ NN&PTNT dự kiến phương án tăng trưởng toàn ngành phấn đấu đạt 2,6 - 3%, trong đó, nông nghiệp tăng 2,85%; thủy sản tăng 3%; lâm nghiệp tăng 2,57%. Phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 khoảng 41 tỉ USD.

Như Huỳnh