Nhà thiết kế Thái Công: Tôi không bán đồ nội thất, tôi bán phong cách sống
Bỏ trống thị trường nội thất tỉ đô | |
Chàng trai bốc vác ôm mộng tạo lập công ty thanh lý nội thất triệu USD |
ting – PR ngày càng có vai trò quan của một doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh khẩu vị người tiêu dùng liên tục thay đổi theo các xu hướng mới. Do đó, thực trạng doanh nghiệp đặc biệt là trong ngành sản xuất có những thời điểm chỉ tốn 1 đồng để làm ra sản phẩm nhưng tốn tới 3 đồng để quảng bá sản phẩm là chuyện không hiếm.
Tuy nhiên, chuyện gì cũng có ngoại lệ, ví dụ như Công ty Thái Công của Nhà thiết kế (NTK) Thái Công. Chia sẻ với TheLEADER, NTK Thái Công cho biết, kể từ khi quyết định về Việt Nam lập nghiệp năm 2014 đến nay, anh chưa từng tốn một đồng chi phí cho việc marketing – PR mà dùng chiến lược “hữu xạ tự nhiên hương”. Yếu tố ngoại lệ này theo anh có 3 lý do:
Thứ nhất, dù là người được đánh giá có sẵn cả 2 năng khiếu nghệ thuật và kinh doanh nhưng tham vọng làm giàu của anh không ngùn ngụt như nhiều doanh nhân khác. Trong suốt buổi trò chuyện với phóng viên TheLEADER, không ít lần anh nhấn mạnh rằng: "Tôi đang hạnh phúc vì có thể cân bằng 3 yếu tố: đam mê sáng tạo – tận hưởng cuộc sống – kiếm tiền trong cuộc sống của mình". Người đàn ông tuổi tứ tuần này đang hoàn toàn hài lòng với sự phát triển chậm mà chắc của thương hiệu Thái Công.
Thứ hai, Thái Công hoàn toàn tự tin vào tài năng và gout thẩm mỹ của bản thân. Hiện tại, trên thị trường thiết kế nội thất, khó có thể tìm được một người chuyển tải cho khách hàng cảm xúc "chuẩn châu Âu" sâu sắc hơn anh. Do vậy, NTK Thái Công cho rằng: "Khi mà mình đã có thứ độc nhất vô nhị thì không cần phải phô trương với ai bởi việc đó nhiều khi lại phản tác dụng".
Thứ ba, đối tượng khách hàng của Thái Công khá khu biệt và không phải ai cũng có thể trở thành khách hàng của công ty. Những người có thể trở thành khách hàng của Thái Công là những người may mắn, bởi họ không chỉ được sống trong một không gian đầy đủ tiện ích mà phong cách sống còn được nâng tầm đáng kể.
Anh tốt nghiệp đại học chuyên ngành thời trang và nhiếp ảnh, cơ duyên nào đưa anh đến với công việc thiết kế nội thất cũng như việc anh quyết định về Việt Nam lập nghiệp năm 2014? Anh đã chuẩn bị gì trước khi về Việt Nam kinh doanh?
NTK Thái Công: Có thể nói, việc tôi đến với ngành nội thất cũng hết sức tình cờ. Năm 2007, tôi có tổ chức một buổi triển lãm nhiếp ảnh, nhiều khách tham quan nói rằng: ảnh của tôi rất nghệ thuật nhưng họ còn ấn tượng với không gian của phòng triển lãm hơn.
Đến một ngày, một người bạn nói với tôi "mình cũng mua những đồ nội thất như cậu gợi ý nhưng sao khi mình bỏ trong phòng nó lại không đẹp như phòng triển lãm của cậu, hay cậu đến thiết kế nội thất giúp mình luôn", vậy là tôi bước chân vào ngành thiết kế nội thất từ lúc ấy.
Dường như, nhiều sự việc quan trọng đến với cuộc đời tôi thường hết sức tình cờ như cái duyên đã định sẵn, việc trở thành nhà thiết kế nội thất hay quyết định trở về Việt Nam năm 2014 đều như vậy. Năm 2013, tôi có về Việt Nam chơi, sau khi ngao du các thành phố lớn như Hồ Chí Minh và Hà Nội, tôi nhận ra: tại Việt Nam, rất hiếm khách sạn - nhà hàng - quán cà phê có nội thất sang trọng chuẩn châu Âu, trừ khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội.
Có lẽ, thời cơ của mình – một nhà thiết kế có tay nghề chuẩn châu Âu biết nói tiếng Việt và rành văn hóa Việt, đã đến, mọi chuyện chỉ đơn giản như thế!
Tôi thật ra không phải là người kinh doanh theo phương thức bài bản ngay từ đầu, theo quan niệm của tôi: chúng ta cứ làm, khi nào công ty mở rộng quy mô thì thuê thêm người, trong từng bước đường kinh doanh, thiếu cái gì thì bổ sung cái đó. Hồi mới định mở cửa hàng đầu tiên ở Hamburg (Đức), có một người bạn đã ngồi vạch ra cho tôi một kế hoạch kinh doanh bài bản: bán những gì, giá sản phẩm bao nhiêu, cần bao nhiêu doanh thu để có lời… nhưng cũng may là tôi không có chú tâm lắm, nếu không tôi sẽ chẳng dám khởi nghiệp.
Sau 4 năm hoạt động ở Việt Nam, có vẻ quy mô công ty của anh vẫn chưa lớn lắm, anh có cảm thấy hài lòng với những gì mình làm?
NTK Thái Công: Ai nhìn phong thái và khí chất của tôi đều biết tôi là một người đang hạnh phúc.
Mỗi người có một định nghĩa riêng về thành công, có người cho rằng kiếm được rất nhiều tiền là thành công, có người nghĩ nuôi được vợ con là thành công, còn theo quan niệm của tôi, một doanh nhân thành công tức là có thể cân bằng giữa thỏa sức đam mê sáng tạo nhưng vẫn kiếm được tiền và có thời gian hưởng thụ cuộc sống. Tôi nghĩ, tôi đã và đang có được sự cân bằng này. Thế nên, tôi hài lòng với những gì mà mình đang có!
Người ta thường bảo, nghệ sỹ thường có cái tôi lớn - chỉ thích làm theo ý mình, làm việc cảm tính, không chịu quan tâm đến thẩm mỹ của số đông cũng như những công việc phải tính toán chuẩn xác, thế nên hiếm người thành công khi tự đứng ra mở công ty... - anh có vẻ là một trường hợp đặc biệt?
NTK Thái Công: Có lẽ vậy, tôi nghĩ năng khiếu kinh doanh của tôi có thể được di truyền một chút từ ba, vì hồi xưa ở Việt Nam, ba mẹ tôi có mở công ty kinh doanh về xà bông.
Còn việc mọi người cho rằng, nhiều người học nghệ thuật chỉ thích thiết kế theo sở thích của mình thì tôi cũng đã gặp. Như hồi học về thiết kế thời trang tại Đức, nhiều "tiểu thư" sau khi tốt nghiệp như tôi, về tự mở tiệm bán mũ và chỉ bán đúng loại mũ mà cô ta thiết kế theo sở thích – gu thẩm mỹ khác biệt của bản thân mà không quan tâm đến xu hướng của thị trường hay khách hàng muốn gì. Tất nhiên, chỉ vài năm, các cửa hàng mũ đó phải đóng cửa.
Với tôi, được bay bổng sáng tạo theo ý thích quan trọng nhưng việc kiếm tiền quan trọng cũng không kém. Tôi không phải là người theo chủ nghĩa “vị nghệ thuật” như những họa sỹ hồi xưa ở châu Âu, có thể sáng tác tranh trong nghèo đói và đợi ra đi mới được thế giới công nhận. Thật ra, tôi nghĩ mình là người may mắn, nhiều người phải trả tiền để được làm thứ mình đam mê, trong khi tôi ngược lại.
Khi thiết kế nội thất, nguyên tắc của anh là gì?
NTK Thái Công: Tôi thường tự nhận mình không phải là nhà thiết kế nội thất đơn thuần, mà là một người “may đo” nội thất cho khách hàng. Tôi có 3 nguyên tắc khi thiết kế: phải dùng đồ tốt nhất, thiết kế phải nổi bật được cá tính của chủ nhân ngôi nhà, thiết kế phải dựa vào môi trường – ví dụ nhà ở trung tâm thành phố lớn sang chảnh không thể giống ngôi nhà ở bờ biển đầy nắng và gió. Thế nên, mỗi công trình thiết kế của tôi đều rất khác nhau, trước tiên nó phải có cá tính của chủ nhà, sau đó mới đến dấu ấn của Thái Công.
Nhà thiết kế Thái Công. |
Bên cạnh đó, theo quan niệm của tôi, một không gian sống xa xỉ - sang trọng không chỉ phải dùng những chất liệu tốt nhất mà phải khiến người sống trong ngôi nhà đó có một cuộc sống thoải mái và tiện nghi nhất một cách có thể.
Ví dụ: người Việt Nam mình thường có thói quen đặt tủ áo quần hay tivi trong phòng ngủ, nhưng tôi thường thuyết phục khách hàng của mình đừng làm thế. Đầu tiên, vì khi để áo quần trong phòng ngủ, lúc mình ở ngoài về, người và áo quần sẽ có mùi, khiến không khí trong phòng ngủ không được trong lành – tốt nhất nên có phòng để áo quần riêng; hoặc nếu chồng muốn xem đá bóng, vợ lại muốn ngủ, có thể có tranh luận không đáng có – nên đặt tivi ở phòng khách.
Sau khi sống trong không gian do tôi thiết kế, nhiều khách hàng đã “than thở” rằng: họ đã từ bỏ thói quen mua hàng lưu niệm mỗi khi đi du lịch, vì mua về không biết chưng ở đâu trong nhà, do mọi thứ đã quá hoàn hảo và tiện nghi, họ cảm thấy thêm hay bớt vật dụng đều không nên.
Anh từng nói rằng "những thiết kế của Thái Công thực sự mang dấu ấn Châu Âu chứ không dừng lại ở sự tương đồng" có nghĩa là sao?
NTK Thái Công: Cái này phải đi sâu xa một chút. Tôi qua châu Âu khá sớm, lúc 8 tuổi, nên có thể nói, tôi được hấp thụ văn hóa châu Âu từ nhỏ, thêm nữa, tôi còn là người rất thích văn hóa cổ điển châu Âu.
Sau khi học ở trường nghệ thuật và hoạt động trong ngành thiết kế nội thất tại thành phố Hamburg – Đức, tôi được hấp thụ những tinh hoa văn hóa tinh túy nhất của tầng lớp thượng lưu Đức nói chung và châu Âu nói riêng. Thế nên, phong cách thiết kế châu Âu của tôi không phải là lấy cảm hứng từ châu Âu mà nó chính là châu Âu thực thụ.
Dường như để trở thành khách hàng của Thái Công phải có một vài tiêu chuẩn nhất định? Có lúc nào anh và khách hàng không tìm được tiếng nói chung khiến dự án phải dừng lại giữa chừng?
NTK Thái Công: Đúng vậy, như tôi đã nói ở trên, muốn có một không gian sống đúng chuẩn mực châu Âu, tôi buộc phải dùng những vật dụng nội thất tốt nhất; thế nên, đầu tiên, muốn trở thành khách hàng của tôi, bạn phải có tiền.
Thứ hai, ngoài có tiền, bạn còn phải biết thưởng thức những tinh hoa văn hóa thế giới, tiêu biểu như văn hóa châu Âu. Bởi, nếu không phải là người biết thưởng thức, bạn sẽ không thể chấp nhận được mức giá của những vật dụng mà tôi sẽ sử dụng khi “may đo” nội thất cho bạn.
Bên cạnh đó, bạn phải là người có một phông văn hóa nhất định thì mới có thể tin tưởng hoàn toàn vào bản thân tôi, hiểu được giá trị công việc mà tôi làm hay không gian sống mà tôi mang lại. Và chỉ những người như thế mới hiểu được vì sao tôi nói cái dĩa 3 triệu đồng mà chị đang dùng có giá đắt nhất trong nhà hàng này.
Lý do: bạn không thể bày cái dĩa 3 triệu đồng này dưới nền nhà để ăn, trước khi mua cái dĩa 3 triệu, bạn phải mua một bộ bàn ăn hay uống cà phê/trà vài trăm triệu để xứng tầm với nó. Tương tự, chẳng nhẽ bạn lại bỏ bộ bàn ghế vài trăm triệu trong một ngôi nhà tồi tàn, thế nên, trước khi tậu bộ bàn ghế về nhà, bạn phải mua một ngôi nhà vài tỷ đồng. Tức là, để có thể sắm cái dĩa 3 triệu, bạn phải bỏ ra vài tỷ đồng để mua ngôi nhà và bàn ghế.
Ở châu Âu, người ta hay ví von “cần 3 đời để trở thành quý tộc”, tôi không khắt khe với khách hàng của mình đến mức như thế, nhưng ít nhất, khách hàng tôi phải được bồi dưỡng văn hóa đúng từ nhỏ hoặc liên tục qua nhiều năm.
Tôi không đơn giản là người bán đồ nội thất mà là người bán phong cách sống. Trước đó, bạn sống như thế nào tôi không biết nhưng sau khi trở thành khách hàng của Thái Công và sống trong không gian do Thái Công thiết kế, lối sống của bạn sẽ được nâng lên tầm cao mới, được thụ hưởng cuộc sống thoải mái – tiện nghi – thư giãn nhất trong chính ngôi nhà của mình.
Một công trình của nhà thiết kế Thái Công. |
Thậm chí, có những thói quen chưa tốt mà khách hàng không biết, Thái Công sẽ chỉ ra và thuyết phục họ thay đổi để có được không gian sống hoàn thiện nhất. Thế nên, có thể nói, những người đã trở thành khách hàng của Thái Công là những người may mắn.
Ví dụ: ở Việt Nam, nhiều người thường thích lót sàn bằng gạch men hoặc gỗ, nhiều khách đến nhà chơi, do lịch sự họ thường cởi giày đi chân đất vào nhà, nhất là phụ nữ mang giày cao gót, vì họ sợ tạo ra tiếng ồn. Nhưng theo tôi, nếu một phụ nữ mặc váy thật lộng lẫy hoặc đàn ông mang suit thật sang trọng phải cởi giày đi chân đất thì rất kỳ lạ, thế nên, tôi thường khuyên khách hàng của mình, nên lót sàn bằng thảm và tất nhiên tôi sẽ tìm loại thảm tốt nhất cho họ - êm chân, sang trọng và dễ vệ sinh.
Do tôi chọn lựa khách hàng khá kỹ, trước khi chính thức hợp tác thường phải gặp nhau vài lần, nên tôi chưa từng gặp bất cứ sự cố nào như kiểu bất đồng quan điểm mà phải dừng dự án giữa chừng.
Vậy mối tương quan giữa giá trị vô hình (phong cách sống) và giá trị hữu hình (đồ nội thất) mà anh mang đến cho khách hàng như thế nào?
NTK Thái Công: Theo tôi, cả hai có vai trò quan trọng ngang nhau, bổ trợ cho nhau, không giá trị nào lớn hơn giá trị nào. Nhờ phong cách sống mà tôi xây dựng cho khách hàng giúp vật dụng nội thất phát huy hết giá trị gia tăng của chúng, ngược lại, nếu không có những vật dụng nội thất hảo hạng, tôi không thể tạo nên phong cách sống châu Âu sang chảnh cho khách hàng.
Xem thêm |