Nhà nước hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho hộ nghèo, cận nghèo đến 90%
Sự kiện thu hút hơn 150 đại biểu đến từ 11 địa phương: Bình Định, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau; đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm và môi giới bảo hiểm.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Huyền, Phó cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm cho biết, bảo hiểm nông nghiệp đã được triển khai thí điểm từ năm 2011 đến năm 2013 đối với cây trồng (cây lúa), vật nuôi (trâu, bò, gia cầm) và thủy sản (tôm, cá tra) tại địa bàn 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong giai đoạn thí điểm này, chương trình đã thu được các kết quả tích cực như hoàn chỉnh cơ chế chính sách về thí điểm, hình thành 3 sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp (cây lúa, vật nuôi, thủy sản), thu hút được các hộ dân tham gia; thực hiện bồi thường kịp thời khi xảy ra tổn thất và có được sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trên cơ sở tổng kết thực hiện giai đoạn thí điểm và tổng hợp ý kiến đề xuất của các địa phương, Bộ Tài chính đã cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP (Nghị định 58) ngày 18/4/2018 về bảo hiểm nông nghiệp, nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý ổn định, minh bạch, thống nhất và các quy định mang tính đặc thù phù hợp với đặc điểm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
Triển khai thực hiện Nghị định 58, ngày 26/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg (Quyết định 22) về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.
Ông Huyền cho biết, đến nay, bảo hiểm nông nghiệp đang được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện thỏa thuận, không giới hạn tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, đối tượng, rủi ro được bảo hiểm và phạm vi địa bàn, đã thu hút được khá nhiều hộ dân, cá nhân sản xuất nông nghiệp tham gia.
Bên cạnh đó, ông Bùi Thanh Hải, Phó trưởng phòng Quản lý, giám sát bảo hiểm phi nhân thọ (Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm) cho biết, Nghị định 58 quy định chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện phù hợp với khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ, thông qua việc hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho một số tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, đối tượng bảo hiểm rủi ro được bảo hiểm và trong phạm vi địa bàn nhất định nhằm thực hiện chính sách an sinh xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp của Chính phủ.
Nghị định cũng quy định rõ khung tiêu chí về đối tượng, mức hỗ trợ, rủi ro bảo hiểm và địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp.
Còn Quyết định 22 quy định cụ thể việc thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp với các nội dung sau: Đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cây trồng là cây lúa; vật nuôi là trâu, bò; nuôi trồng thủy sản là tôm sú, tôm thẻ chân trắng.
Về mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ được hỗ trợ đến 90%; cá nhân sản xuất nông nghiệp khác là 20%; các tổ chức sản xuất nông nghiệp đáp ứng các điều kiện cụ thể về hợp tác, liên kết, quy mô lớn có ứng dụng công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường là 20%.
"Còn về địa bàn, có 7 tỉnh được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với cây lúa gồm: Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp. 8 tỉnh, thành được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với trâu, bò gồm: Hà Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương. 5 tỉnh được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng gồm: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Thời gian hỗ trợ từ ngày 26/6/2019 đến hết ngày 31/12/2020", ông Hải cho biết.
Có 7 tỉnh được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đối với cây lúa gồm: Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp
Tại hội nghị, một số nội dung được đại diện các tỉnh phía Nam quan tâm nêu ra như: cơ sở để xây dựng dự toán bảo hiểm nông nghiệp; cơ chế thí điểm và thực hiện có gì khác nhau; những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện bảo hiểm nông nghiệp; làm sao để xác định tổn thất; phân biệt giữa thiên tai và dịch bệnh; cơ quan có thẩm quyền xác nhận dịch bệnh là cơ quan nào, mức phí tham gia là bao nhiêu…
Các vấn đề liên quan đến chính sách bảo hiểm nông nghiệp và hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cũng được 2 cục trên giải đáp.
Đại diện các cơ quan này cũng khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm và tái bảo hiểm phối hợp thực hiện bảo hiểm nông nghiệp nhằm tạo điều kiện cho người dân chủ động khắc phục, bù đắp thiệt hại tài chính do không may gặp phải trong sản xuất nông nghiệp.