|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhà máy đạm 12.000 tỉ thua lỗ nặng do... luật

20:24 | 27/09/2016
Chia sẻ
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, từ khi thực hiện Luật 71 từ tháng 1.2015, nhập khẩu phân u rê đã tăng 652.000 tấn, tăng hơn 3 lần so với 2014; riêng 7 tháng đầu năm 2016 lượng u rê nhập khẩu đã tăng gần 500.000 tấn, tăng hơn 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2015.
nha may dam 12000 ti thua lo nang do luat
Nhà máy đạm Ninh Bình.

Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết khi Luật 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế có hiệu lực, nhiều bộ ngành, tập đoàn, doanh nghiệp đã đề nghị sửa đổi vì nông dân không có lợi, doanh nghiệp bức xúc, bị thiệt hại bởi luật này. Cụ thể, nông dân được giảm thuế GTGT 5% khi mua phân bón, trong khi các doanh nghiệp mua hàng hóa, máy móc, chi phí vận chuyển, vật tư, chi phí lao động và xây dựng nhà xưởng… lại không được khấu trừ.

“Bình quân 6,5 - 7% thuế GTGT không được khấu trừ, doanh nghiệp sản xuất phân bón buộc phải cộng vào giá thành khiến đội giá phân bón lên cao hơn. Người nông dân phải gánh chịu. Mặt khác, thuế GTGT theo Luật 71 giảm cho nông dân 5% hiện mới chỉ có ý nghĩa về mặt hình thức”, đại diện hiệp hội cho biết.

Không những vậy, hệ lụy của Luật 71 còn tác động, làm ồ ạt nhập khẩu phân bón từ nước ngoài vào Việt Nam, giá phân rẻ do các mặt hàng trên thế giới đều hạ giá, như: giá than hạ hơn 40%, giá phân bón u rê hạ 41,25%, giá phân DAP hạ 25% và phân kali hạ 19%... Trong khi đó ở trong nước, giá nguyên liệu sản xuất phân bón, giá than không hạ, cộng với phải chịu Luật 71 nên số lượng các loại phân bón nhập khẩu giá rẻ càng tăng.

Theo Hiệp hội, từ khi thực hiện Luật 71 (tháng 1.2015), nhập khẩu phân u rê đã tăng 652.000 tấn, tăng hơn 3 lần so với năm 2014; 7 tháng đầu năm 2016 lượng phân u rê nhập khẩu đã tăng gần 500.000 tấn, tăng hơn 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2015. Điều này đã khiến các nhà sản xuất phân bón phải giảm công suất tối đa, đơn cử như Đạm Ninh Bình với công suất 550.000 tấn đã giảm xuống còn 150.000 tấn mà vẫn không bán được sản phẩm, thiệt hại năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 là 2.042 tỉ đồng, trong đó có nguyên nhân thiệt hại do Luật 71.

Trường hợp Công ty Super phosphat Lâm Thao trước đây mỗi ngày bán 3.000 tấn, nay chỉ bán được 2.000 tấn. Công ty phân đạm Hà Bắc công suất 550.000 tấn giảm xuống 40%, giá phân u rê bán ra giảm 20%. Năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 công ty này thiệt hại 889 tỉ đồng.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có tổng sản lượng phân bón u rê, DAP, NPK, lân, super, lân nung chảy, phân bón khác... chiếm gần 70% trên tổng số sản lượng của cả nước. Trong đó, có các công ty Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP Đình Vũ, DAP Lào Cai đã bị thiệt hại nặng nề.

“Làm sao không thiệt hại, không lỗ được. Nếu tình trạng này cứ để kéo dài các công ty, nhà máy ấy dễ có nguy cơ đóng cửa", báo cáo của Hiệp hội Phân bón bày tỏ sự lo lắng.

Ngoài ra, theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, còn nhiều doanh nghiệp khác đã chịu ảnh hưởng tiêu cực từ Luật 71 như: Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí thiệt hại 180 tỉ đồng và chi phí thiệt hại khác 340 tỉ đồng, Công ty Phân bón miền Nam, Công ty Phân bón Bình Điền, Tập đoàn Quế Lâm… hầu hết đều bị thiệt hại.

Theo Tuyết Nhung

Một thế giới