|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhà đầu tư thận trọng sau báo cáo về thị trường lao động Mỹ

14:08 | 09/03/2024
Chia sẻ
Nền kinh tế Mỹ đã bổ sung thêm 275.000 việc làm trong tháng 2/2024, cao hơn so với dự kiến của các nhà phân tích và tăng so với mức điều chỉnh của tháng 1/2024.

Quang cảnh Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tâm lý thận trọng bao trùm thị trường chứng khoán toàn cầu trong phiên ngày 8/3, trong bối cảnh các nhà đầu tư vừa nhận được báo cáo việc làm của Mỹ. Báo cáo này được cho là không giải quyết được cuộc tranh luận về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu hạ lãi suất.

Nền kinh tế Mỹ đã bổ sung thêm 275.000 việc làm trong tháng 2/2024, cao hơn so với dự kiến của các nhà phân tích và tăng so với mức điều chỉnh của tháng 1/2024.

Tuy nhiên, báo cáo trên cũng cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 3,7% lên 3,9%.

Ba chỉ số chứng khoán của Mỹ đều giảm điểm khi đóng phiên 8/3. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,2% xuống 38.722,69 điểm; chỉ số S&P 500 giảm 0,7% xuống 5.123,69 điểm; còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 1,2% xuống 16.085,11 điểm.

Chứng khoán Phố Wall đã đạt mức cao kỷ lục trong phiên ngày 7/3, sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell bóng gió về một chính sách tiền tệ ôn hòa hơn. Tuy nhiên, ông Powell cũng thừa nhận rằng Fed cần thấy nhiều dấu hiệu chiến thắng hơn trong cuộc chiến chống lạm phát trước khi cắt giảm lãi suất.

Tại châu Âu, thị trường Paris đóng cửa tăng nhẹ, còn thị trường Frankfurt và London đi xuống. Cụ thể, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 0,2% lên 8.028,01 điểm; chỉ số FTSE 100 của London giảm 0,4% xuống 7.659,74 điểm; và chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 0,2% xuống 17.814,51 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 0,3% xuống 4.961,11 điểm.

Trước đó trong phiên 7/3, các chỉ số chứng khoán của Paris và Frankfurt cũng đạt mức cao kỷ lục sau khi người đứng đầu Ngân hàng trung ương châu Âu Christine Lagarde ám chỉ về khả năng cắt giảm lãi suất từ tháng 6/2024.

Fed và ECB đã tăng lãi suất để chống lạm phát tăng vọt sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ. Lạm phát hiện đã giảm tốc, nhưng vẫn cao hơn mức mục tiêu của các ngân hàng trung ương. Lãi suất cao hơn có nguy cơ đẩy các nước vào suy thoái, đặc biệt là ở châu Âu.

Số liệu chính thức ngày 8/3 cho thấy sản xuất công nghiệp của Đức đã tăng lần đầu tiên sau gần một năm trong tháng 1/2024, làm dấy lên hy vọng rằng sự suy giảm sản xuất ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã chạm đáy.

Thị trường chứng khoán thế giới trong các phiên đầu tuần 4 và 5/3/2024 đều đi xuống trong lúc nhà đầu tư chờ đợi các số liệu kinh tế quan trọng và động thái của các ngân hàng trung ương. Bên cạnh những thông tin quan trọng về thị trường việc làm và ngành dịch vụ của Mỹ, trong tuần qua các nhà đầu tư còn ngóng chờ phiên điều trần trước Quốc hội của Chủ tịch Fed Jerome Powell, Thông điệp Liên bang của Tổng thống Mỹ Joe Biden và quyết sách của Ngân hàng trung ương châu Âu.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng khoảng 10% từ đầu năm đến nay, nhờ lực đẩy từ nhóm cổ phiếu công nghệ.

Giá cổ phiếu của nhà sản xuất chip Nvidia tăng 85% từ đầu năm đến nay, còn cổ phiếu của Meta tăng giá 46%, trong khi giá cổ phiếu của Apple giảm 7%.  Đáng chú ý, cổ phiếu của nhà sản xuất ô tô điện Tesla đã để mất 29% giá trị.

Phiên 8/3, đồng tiền điện tử Bitcoin đã lần đầu tiên vượt qua mốc 70.000 USD do nhu cầu của nhà đầu tư ngày càng tăng.

Minh Hằng