Nhà đầu tư nước ngoài ưa thích cổ phiếu Việt Nam
Báo cáo mới đây nhất của HSBC đã dành cụm từ "thời kỳ hoàng kim" để nói đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, khi mà các yêu tố nổi bật đang đồng hành thuận lợi trong thời điểm hiện tại. GDP quý III tăng 6,6% so với cùng năm ngoái, đây là mức cải thiện rất tốt từ tốc độ tăng trưởng 5,6% được ghi nhận trong cả quý I và quý II/2016. Với một bức tranh vĩ mô tươi sáng, Việt Nam được đánh giá là một thị trường đầy hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài, thể hiện qua việc 10 tháng đầu năm, mặc dù NĐT nước ngoài bán ròng hơn 4.300 tỷ đồng song nếu tính lượng mua vào thì nhà đầu tư nước ngoài mua vào 74.620 tỷ đồng cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán TPHCM, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.
Trong cuộc tọa đàm NDH Talk chủ đề: “20 năm thị trường chứng khoán và bước chuyển của dòng vốn ngoại” do chuyên trang Người Đồng hành tổ chức chiều 16/11, bà Lê Thị Lệ Hằng – Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) cũng chia sẻ nhà đầu tư nước ngoài đang đánh giá cao tiềm năng thị trường Việt Nam.
Bằng chứng rõ ràng là từ đầu năm đến nay, SSIAM đã huy động được 100 triệu USD. Tổng vốn mới huy động cho các quỹ Andbanc Investments SIF – Vietnam Value and Income Portfolio (đầu tư chủ yếu vào cổ phiếu niêm yết), Quỹ Daiwa-SSIAM Vietnam Growth Fund II LP (đầu tư vào các công ty tư nhân -private equity) và SSIAM UCITS (đầu tư cổ phiếu niêm yết). Trong đó, quỹ SSIAM UCITS mới đi vào hoạt động từ 11/11/2016.
Ông Dominic Scriven – Chủ tịch Dragon Capital cũng tự hào cho biết chủ đề về Việt Nam thu hút được số lượng người tham gia đông nhất trong một hội thảo quốc tế tổ chức ở Hong Kong và có rất nhiều công ty quản lý quỹ lớn trên thế giới rất muốn đầu tư vào Việt Nam thời điểm này. Sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam rất rõ ràng, vậy nên dù trải qua nhiều khó khăn, biến động, chủ tịch quỹ đầu tư đang quản lý khối tài sản 1,5 tỷ USD khẳng định sẽ tiếp tục ở lại thị trường Việt Nam.
Theo đó, câu chuyện nâng hạng thị trường là vấn đề được các nhà đầu ngoại đặc biệt quan tâm trong thời điểm hiện nay. Ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM dẫn một khảo sát vừa mới thực hiện với hơn 100 quỹ đầu tư đang vận hành 2.400 tỷ USD, trong đó tài sản ở Việt Nam khoảng 10 tỷ USD cho biết 83% trong số này đều trả lời sẽ lập tức tăng tiền cho thị trường Việt Nam nếu thăng hạng từ cận biên (frontier market) lên mới nổi (emerging market). “Hiện nay, quyết tâm của Chính phủ, cơ quan quản lý trong việc nâng hạng thị trường là rất lớn. Tôi tin rằng chúng ta có thể nâng hạng được và từ đó thu hút nhà đầu tư nước ngoài tốt hơn”, ông Dũng nói.
Đồng quan điểm, lãnh đạo Dragon Capital đánh giá nếu nâng hạng thị trường sẽ tạo cú hích lớn cho chứng khoán Việt Nam. “Chỉ số emerging market ra đời cách đây 20 năm, frontier là 10 năm, nhưng nếu quy mô frontier là 1 thì emerging là 100”, ông Dominic cho biết.
Tuy nhiên, không dừng lại ở câu chuyện thăng hạng thị trường, theo lãnh đạo các doanh nghiệp và nhà quản lý, Việt Nam vẫn phải tiếp tục tăng tính minh bạch của môi trường kinh doanh để bảo vệ nhà đầu tư, song song với đó là cải thiện sức khỏe của nền kinh tế bởi đây chính là sức hút tự nhiên để thu hút dòng vốn ngoài. “Việc phát triển của thị trường dựa vào sự phát triển của nền kinh tế, ngoài ra còn là sự minh bạch, chuẩn hóa kế toán của doanh nghiệp hiện tại”, bà Hằng bày tỏ.
“Chúng ta có thể khẳng định để thị trường cạnh tranh được không có con đường nào khác là cần minh bạch và đào tạo nguồn nhân lực”, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhấn mạnh khi nói về những yếu tố để thị trường chứng khoán Việt Nam cạnh tranh với các nước trong khu vực.