Nhà đầu tư 'dồn' vốn vào khách sạn
M&A khách sạn ở Sài Gòn sôi động suốt một thập kỷ | |
Khách sạn 5 sao đang nằm trong tay ai? |
Du khách quốc tế, nguồn khách quan trọng của các khách sạn 3-5 sao, tăng đến hơn 29% trong năm qua đã giúp thị trường này phát triển tốt. Ảnh: Minh Duy |
Một năm có thêm 88.000 phòng mới
Theo báo cáo thường niên du lịch Việt Nam 2017 vừa được Tổng cục Du lịch giới thiệu, trong năm qua, số phòng lưu trú cho khách du lịch đã tăng thêm đến 88.000 phòng. Cụ thể, cả nước có khoảng 25.000 cơ sở lưu trú với 508.000 phòng, tăng 21,9% về số lượng cơ sở lưu trú và 21% về số phòng so với năm 2016.
Trong số này, nhà đầu tư bỏ vốn nhiều nhất vào dòng khách sạn từ 3-5 sao, khiến phân khúc này dẫn đầu về tăng trưởng. Tính đến hết năm 2017, các khách sạn từ 3-5 sao đã có mặt ở 56/63 tỉnh, thành với 882 khách sạn và 104.000 phòng, chiếm gần 1/5 trong tổng số phòng ngủ cho khách du lịch trên cả nước. Trong đó, số phòng và tỷ lệ tăng trưởng của khách sạn 4, 5 sao gần bằng nhau, với số lượng phòng lần lượt là 33.764, tăng 14,47% và 34.444, tăng 14,57%. Còn phân khúc 3 sao cũng có số lượng phòng tương đương, 34.332 phòng nhưng tăng trưởng thấp hơn, chỉ 11,11% so với năm trước đó.
Tương tự như những năm trước, vùng duyên hải là nơi thu hút nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài đến nghỉ dưỡng nên các khách sạn tại khu vực này có công suất sử dụng phòng bình quân cao nhất cả nước, lên đến 70%. Trong khi đó, khách sạn ở khu vực miền Bắc đạt công suất từ 61-65%, ngoại trừ một số tỉnh như Hà Nam, Hải Dương, Phú Thọ, Tuyên Quang chỉ đạt công suất phòng bình quân dưới 50%. Tỷ lệ chung của cả nước vào năm ngoái là 56,5%. Vào năm ngoái, cả nước đón hơn 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29,2% so với năm trước đó và 73,2 triệu lượt khách nội địa, tăng 18,1%. Tổng thu từ du lịch ước đạt hơn 541.000 tỉ đồng. Thị trường khách sạn có doanh thu tốt chính là nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của lượng khách quốc tế nói trên.
Từ số liệu về chi tiêu của du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, nguồn khách đóng góp hơn 58,4% trong tổng thu từ khách du lịch, có thể thấy hệ thống cơ sở lưu trú đã đạt doanh số rất lớn trong năm ngoái. Theo đó, trong năm 2017, tổng chi tiêu cho một khách du lịch quốc tế có nghỉ đêm tại cơ sở lưu trú là 1.171,3 đô la Mỹ. Trong đó, chi phí để thuê chỗ ở chiếm tỷ lệ cao nhất, 33,5%, sau đó mới đến các khoản chi khác như 23,94% cho ăn uống, 17,34% để mua hàng và 12,68% cho đi lại.
Báo cáo về thông tin tài chính, hoạt động cũng như tiếp thị cho năm 2017 của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng 4 và 5 sao tại Việt Nam, được Công ty Tư vấn và Kiểm toán Grant Thornton thực hiện năm 2018 cũng thấy những số liệu tích cực về thị trường. Theo đó, công suất phòng bình quân của phân khúc này tăng 5,3%; giá phòng bình quân tăng 2,8%, từ 89,3 đến 91,8 đô la Mỹ/đêm.
Condotel, homestay phát triển nhanh
Trong giai đoạn 2010-2015, phần lớn cơ sở lưu trú chỉ thuộc sở hữu của những chủ đầu tư ban đầu nhưng từ năm 2016, đặc biệt đến năm 2017, các loại bất động sản du lịch với nhiều nhà đầu tư thứ cấp đã phát triển nhanh chóng. Nổi bật nhất trong xu hướng này là condotel, loại hình căn hộ khách sạn, nghỉ dưỡng đang phát triển mạnh mẽ ở các trọng điểm du lịch như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc và Bà Rịa-Vũng Tàu. Báo cáo của Tổng cục Du lịch dẫn số liệu từ một hội nghị lớn về thị trường condotel diễn ra đầu năm nay cho biết khoảng 22.800 căn hộ condotel đã được bán ra thị trường trong năm 2017, với số giao dịch thành công là hơn 12.500 căn.
“Dự báo, xu hướng phát triển condotel sẽ tiếp tục là “làn sóng” trong năm nay. Trong đó, Phú Quốc là một trong những điểm đến mới cho dịch vụ này với hàng loạt dự án quy mô lớn. Chẳng hạn, vào giữa tháng 10 tới, một dự án có tổng diện tích 87 héc ta, với khoảng 10.000 căn condotel từ 2-5 sao cùng hàng loạt căn hộ dịch vụ khác sẽ được tung ra thị trường”, báo cáo nêu.
Nhiều hình thức lưu trú khác như nhà dân có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), khu căn hộ du lịch chia sẻ kỳ nghỉ (timeshare) cũng đã làm thay đổi sự phân bố và cơ cấu cơ sở lưu trú trên cả nước. Trong những năm trước, phân khúc homestay phát triển bình thường nhưng đến năm 2017 thì tăng trưởng cao. Cả nước hiện có 1.763 homestay với 12.948 phòng, tăng đến 521 cơ sở và 3.778 phòng so với năm 2016.
“Homestay hiện chiếm 10,1% về số lượng cơ sở lưu trú và 3,4% về số lượng phòng ngủ, hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm nay khi hàng loạt địa phương ở miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long... đang khuyến khích người dân đầu tư vào dịch vụ lưu trú này”, Tổng cục Du lịch nhận định.
Về triển vọng tăng trưởng du lịch năm nay, cơ quan này dự báo sẽ rất hứa hẹn với mức tăng trưởng khách quốc tế từ 22-24%, khách nội địa tăng từ 8-10%. Tổng thu từ khách du lịch sẽ tăng từ 16-18%, trong đó, khách quốc tế sẽ mang đến cho Việt Nam 17 tỉ đô la Mỹ.