Nhà đầu tư cần lưu ý những yếu tố kinh tế nào khi xuống tiền mua cổ phiếu năm 2023?
Theo Chứng khoán Rồng Việt, những yếu tố có ảnh hưởng tích cực đến thị trường chứng khoán năm 2023 có thể kể đến như Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa để điều tiết chính sách tiền tệ theo hướng ổn định vĩ mô và hỗ trợ kinh tế.
Lạm phát tại Mỹ có xu hướng tạo đỉnh và Fed giảm tốc đà tăng lãi suất giúp chỉ số DXY hạ nhiệt, giảm áp lực mất giá của các đồng tiền khác. Việc Trung Quốc tái mở cửa cũng có thể là cú huých đối với triển vọng kinh tế toàn cầu từ nửa cuối năm 2023.
Bên cạnh đó, hàng loạt dự thảo nhằm tháo gỡ các nút thắt thanh khoản trong hệ thống ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp đang được xem xét thông qua, điển hình như dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 22 về cách tính LDR; dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 16 về quy định nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại; sửa đổi Nghị định 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Thị trường cũng được ủng hộ nhờ chêch lệch tăng trưởng tín dụng – cung tiền trở lại mức cao trong 10 năm qua (tăng trưởng tín dụng cao gần gấp 3 lần tăng trưởng cung tiền). Công ty chứng khoán kỳ vọng sự chênh lệch này sẽ thu hẹp trong năm 2023, tạo động lực giảm cho lãi suất trong nền kinh tế.
Ngoài ra, định giá thị trường hấp dẫn cho việc mua và nắm giữ với thời gian tính theo năm. Thống kê tương quan giữa P/E thị trường và suất sinh lợi của việc đầu tư trong giai đoạn 2012 – nay cho thấy việc mua và nắm giữ khi P/E thị trường trong vùng 9,x – 11,x có thể mang lại hiệu suất lợi nhuận cao hơn tiền gửi ngân hàng sau 2 năm nắm giữ.
Tuy nhiên, thị trường cũng có những yếu tố sẽ tác động theo chiều hướng tiêu cực. Đơn cử, so với mức tăng trưởng lợi nhuận cao trong các năm quá khứ, lợi nhuận dự báo cho năm 2023 của hầu hết các doanh nghiệp đều giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm ở các doanh nghiệp từng được hưởng lợi lớn từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cùng với đó, thị trường chứng khoán thiếu đi sự dẫn dắt của dòng tiền lớn có khả năng tạo tính lan tỏa. Nguyên nhân có thể kể đến như kỷ nguyên tiền rẻ của thế giới đã tạm dừng; thị trường chứng khoán Việt Nam đang thiếu câu chuyện hấp dẫn để thu hút dòng tiền mới. Mặc dù vĩ mô ổn định và định giá thị trường hấp dẫn đang thu hút dòng tiền ETF từ các quốc gia lân cận, danh mục đầu tư hạn chế nên khó tạo sự lan tỏa.
Mặt khác, một số sự kiện có rủi ro thành Thiên Nga Đen bao gồm các chính sách điều hành trong nước thiếu sự đồng bộ có thể gây ra sự gián đoạn về thanh khoản và niềm tin trong những khoảng thời gian nhất định; sự đổ vỡ của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp dẫn đến mất mát niềm tin của nhà đầu tư và dẫn đến ảnh hưởng dây chuyền về áp lực thanh khoản trong hệ thống; cuộc chiến Nga – Ukraine chưa có hồi kết thì căng thẳng giữa Trung Quốc – Đài Loan đang có dấu hiệu leo thang.