|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhà Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk có 'sổ đỏ' từ đất quốc phòng?

08:17 | 18/06/2019
Chia sẻ
Lập lại trật tự xây dựng cho các đô thị là điều cần thiết, nhưng phải ứng xử công bằng thì lòng dân mới thuận. Đều là công trình xây dựng trái phép, nhưng nhà dân thì bị cưỡng chế tháo dỡ trong khi nhà cán bộ lại được hợp thức hóa, như thế kỷ cương phép nước chưa thể nghiêm minh.
avatar_1560819668101

Biệt thự 2 mặt tiền số 21C của Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Êban Y Phu

Cả dãy phố xây trên đất quốc phòng

Trong rất nhiều đơn thư dân chúng kêu cứu về việc “đập nhà dân, để nhà lãnh đạo” mà báo Tiền Phong nhận được, có nhiều lá đơn chỉ rõ những khu nhà của cán bộ mọc lên không đúng nguyên tắc xây dựng, với câu hỏi “sao không ai đụng đến?”. Trong đó, có dãy nhà nằm dọc trục đường Tô Vĩnh Diện, phường Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột xây trên đất quốc phòng.

Phóng viên vào cuộc xác minh trường hợp này. Các tài liệu thu thập được cho thấy: Ngày 13/1/2017 UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành quyết định số 97/QĐ-UBND về việc thu hồi 15.586,5m2 đất quốc phòng tại phường Tân Thành và phường Tự An, thuộc quản lý của Bộ chỉ huy Quân sự (BCHQS) tỉnh Đắk Lắk, giao UBND TP Buôn Ma Thuột thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng sang đất ở đô thị. Trong đó phường Tân Thành có 2839,3 m2 có khu Nhà khách T284 và nhiều lô đất nằm dọc trục đường Tô Vĩnh Diện.

Hiện việc chuyển mục đích sử dụng khu đất quốc phòng sang đất ở đô thị tại khu vực này vẫn chưa xong. Đã 2 lần Sở Xây dựng Đắk Lắk trả lời bằng văn bản cho UBND TP Buôn Ma Thuột, là sở chưa thể trình UBND tỉnh phê duyệt bản điều chỉnh cục bộ quy hoạch. Công văn số 1370 ngày 30/6/2017, Sở Xây dựng Đắk Lắk nêu ra một trong các lý do là UBND TP chưa giải trình rõ về nguồn gốc nhiều căn nhà đã xây trên khu đất quốc phòng đó. Sau đó, tại Công văn số 2363 ngày 2/10/2018, sở này tiếp tục đề nghị UBND TP Buôn Ma Thuột báo cáo rõ hiện trạng các khu vực được đề xuất điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, nêu rõ nguyên nhân vì sao cần điều chỉnh.

Dù chưa được chuyển thành khu dân cư, nhưng từ lâu, nhiều căn nhà đã mọc lên san sát trên đất quốc phòng, dọc trục đường Tô Vĩnh Diện và Mai Hắc Đế. Phía đường Tô Vĩnh Diện có ngôi nhà 2 tầng ốp đá màu vàng gắn số 1. Tiếp đó là những căn nhà được xây cho thuê làm phòng trọ, tiệm sửa xe máy. Nhà số 13 và số 15 gắn số màu đỏ, nhà số 21 xây cao tầng… Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Sở Xây dựng Đắk Lắk nói: “Chúng tôi không rõ căn cứ vào đâu mà họ xây được nhà ở trên đất quốc phòng?”.

Khi phóng viên liên hệ các cơ quan chức năng đề nghị cung cấp giấy phép xây dựng hàng loạt công trình mọc trên khu đất quốc phòng đã có quyết định thu hồi dọc trục đường Tô Vĩnh Diện, nhưng không đơn vị nào cung cấp được. Ngoài một trường hợp rất đặc biệt: Nhà của Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Từ đề xuất bố trí đất cho “cán bộ khó khăn”

Căn biệt thự gắn biển số 21C đường Mai Hắc Đế còn có 1 mặt tiền đường Tô Vĩnh Diện là nhà ông Êban Y Phu- Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk. Trả lời phóng viên Tiền Phong qua điện thoại về nguồn đất gốc xây căn biệt thự này, ông Êban Y Phu xác nhận nhà ông xây tại đây từ lâu. Đất này nguồn gốc quốc phòng, nhưng ông đã được cấp sổ đỏ. Ông Êban Y Phu cho biết, ông bận nhiều việc, do vậy không thể tiếp PV về quy trình cấp thế nào thì phóng viên cứ tìm hiểu.

Tại Phòng Tài nguyên Môi trường TP Buôn Ma Thuột, phóng viên nhận được bộ hồ sơ cấp đất cho ông Êban Y Phu. Ngày 9/3/2011 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk (BCHQS) có tờ trình số 586 gửi Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 5, đề nghị chuyển giao 200,35m2 đất cho địa phương, với lý do đây là phần đất dư ra sau khi xây nhà khách T284. Theo Tờ trình, lô đất này phía Bắc giáp đường Mai Hắc Đế, phía Tây giáp đường Tô Vĩnh Diện, phía Đông giáp nhà khách T284 và phía Nam giáp khu dân cư, được “dự kiến sẽ quy hoạch bố trí cho cán bộ có hoàn cảnh khó khăn làm nhà ở”.

Sau nhiều văn bản trao đổi qua lại, ngày 29/3/2014, Bộ Quốc phòng có công văn đồng ý để BCHQS tỉnh Đắk Lắk chuyển diện tích đất nói trên cho địa phương quản lý, để “phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn”. Tiếp đó, BCHQS Đắk Lắk có công văn số 963 ngày 18/4/2014 gửi UBND tỉnh này, đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện các phần việc liên quan để “chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng sang mục đích xây dựng nhà ở gia đình quân đội”. Người ký văn bản này là đại tá Chỉ huy trưởng BCHQS tỉnh Đắk Lắk Êban Y Phu (nay là Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk).

Ngày 15/10/2014 biên bản thu hồi và bàn giao đất cho UBND TP Buôn Ma Thuột đã được lập tại thực địa với đại diện 7 bên. Và “bìa đỏ” khu đất rất giá trị này được UBND TP Buôn Ma Thuột cấp cho vợ chồng ông Êban Y Phu vào ngày 29/10/2015. Dân chúng thắc mắc việc cấp đất này đúng đối tượng hay không? Có phải là đặc quyền đặc lợi cho lãnh đạo tỉnh? Bởi khi thửa đất đó được cấp bìa đỏ ông Y Phu không còn là quân nhân. Ông đã chuyển qua làm Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk, rồi sau đó được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk nhiệm kỳ 2015-2020 từ ngày 24/9/2015. (Còn nữa)

Nhà Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk có 'sổ đỏ' từ đất quốc phòng? - Ảnh 2.

Dãy nhà ngay cạnh nhà Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk xây không phép dọc đường Tô Vĩnh DiệnNhóm PV Điều tra


Nhóm PV điều tra

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.