|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nguyên nhân sâu xa hàng loạt lô hàng hoa quả Việt Nam bị ách tách khu vực cửa khẩu Tân Thanh

14:16 | 24/10/2019
Chia sẻ
Đại diện Hiệp hội Rau - Củ - Quả Việt Nam cho biết hàng loạt lô hàng chôm chôm, thanh long bị tắc ở cửa khẩu Tân Thanh vừa qua là do vấn đề doanh nghiệp gian lận nguồn gốc và vụ mùa thanh long ở Việt Nam trùng với Trung Quốc.

Nguồn gốc không rõ ràng và "đụng chợ"

Trao đổi riêng với người viết bên lề Hội thảo chuyên đề xuất khẩu Rau - Hoa - Quả - Những chuyển động mới từ thị trường Á Âu diễn ra sáng ngày 24/10, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư kí Hiệp hội Rau - Củ - Quả Việt Nam cho biết nguyên nhân sâu xa là:

"Nhiều doanh nghiệp Việt Nam thiếu hàng để giao cho khách hàng bên Trung Quốc nên nhập chôm chôm của Thái Lan để 'đắp' vào lô hàng xuất khẩu nếu không sẽ bị phạt hợp đồng".

2_1571901241

Ảnh: ĐQ, Thiết kế: Đức Việt

Tổng Thư kí Hiệp hội Rau - Củ - Qủa Việt Nam nói thêm không chỉ Trung Quốc mà trước đây đối với nhiều thị trường khác, doanh nghiệp cũng nhập hàng Thái Lan để bù đắp vào nguồn cung thiếu hụt để đáp ứng đơn hàng trong hợp đồng vì trái cây Việt Nam và Thái Lan khá giống nhau.

Bên cạnh đó, một số lô hàng ruột một đằng nhưng bao bì ghi một nẻo nên Hải quan Trung Quốc buộc phải dỡ bạt từng xe chở hàng để kiểm tra.

Chính vì những sai sót này mà Trung Quốc tăng cường kiểm soát đối với lô hàng chôm chôm của Việt Nam khiến thời gian thông quan lâu hơn. 

Đối với các lô hàng thanh long, ông Nguyên cho biết do vụ mùa của Việt Nam và Trung Quốc trùng nhau nên xảy ra tình trạng "đụng chợ". Điều này dẫn đến Hải quan Trung Quốc có những biện pháp kĩ thuật để làm các lô hàng thanh long bị chậm lại. 

"Vụ mùa thanh long của Việt Nam kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, trùng với thời điểm vụ mùa thanh long ở các tỉnh biên giới của Trung Quốc. Trong khi đó, hầu hết thanh long Việt Nam được bán sang các tỉnh này của nước bạn", ông Nguyên nói. 

Cần thâm nhập sâu hơn vào thị trường nội địa Trung Quốc

Để khắc phục tình trạng này, doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường tham gia các hội trợ thương mại rau - củ - quả để kết nối với các doanh nghiệp Trung Quốc ở phía Bắc. Điều này giúp trái thanh long Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào nội địa Trung Quốc thay vì các tỉnh biên giới.

"Thực tế, đã có doanh nghiệp xuất khẩu thanh long vào các tỉnh phía Bắc của Trung Quốc qua đường biển, chi phí không quá cao mà còn tránh được tình trạng "đụng chợ" khi mùa thanh long tới. 

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là chưa có nhiều doanh nghiệp biết được điều này", ông Nguyên cho biết.

Cùng lúc đó, thanh long Việt Nam có chất lượng tốt hơn so với thanh long Trung Quốc, đặc biệt là thanh long ruột đỏ nên người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Bên cạnh đó, người dân nên nên trồng rải vụ từ tháng 11 đến tháng 5 bằng các phương pháp kĩ thuật. Đây là khoảng thời gian mà Trung Quốc không thể trồng thanh long. 

Trao đổi với báo chí ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Việt Nam cho biết Cơ quan Hải quan Việt Nam đã làm việc Hải quan tỉnh Bằng Tường (Trung Quốc) và họ đồng ý kéo dài thời gian thông quan đến 22h, do đó hiện tại đã cơ bản giải quyết được tình trạng ách tách.

Bên cạnh đó, vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã kiến nghị Hải quan Trung Quốc mở đường thông quan riêng cho thanh long tương tự với quả vải.

Đức Quỳnh