Nguyên nhân nào khiến Đông Nam Á được coi là 'mỏ vàng' cho ngân hàng Nhật?
Ảnh: Myanmar News |
Các doanh nghiệp sản xuất của Nhật đã liên tục có được lợi nhuận cao kỷ lục nhờ hàng loạt các biện pháp cắt giảm chi phí, sự tăng trưởng ấn tượng của thương mại toàn cầu và đồng yên yếu. Tuy nhiên cùng lúc đó, ngành ngân hàng làm ăn kinh doanh rất khó khăn. Kết quả kinh doanh được các ngân hàng công bố gần đây cho thấy điều này.
Trong lĩnh vực phi tài chính, lợi nhuận doanh nghiệp quý gần nhất tăng 35% so với cùng kỳ. Gần 2/3 các doanh nghiệp công bố lợi nhuận quý vừa qua cao vượt kỳ vọng. Tuy nhiên, đối với phần lớn các ngân hàng Nhật, lợi nhuận của họ tăng rất thấp, thậm chí giảm.
Chiến thắng vang dội của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong cuộc bầu cử gần nhất tại Hạ viện Nhật cho thấy chắc chắn chương trình kích thích kinh tế Abenomics sẽ vẫn tiếp tục được duy trì trong một số năm nữa.
Chiến thắng của Thủ tướng Abe cũng đồng nghĩa với việc Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Haruhiko Kuroda sẽ tiếp tục giữ cương vị này thêm một nhiệm kỳ nữa sau khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc vào tháng Tư năm 2018, điều chưa từng có trước đây.
Và trong trường hợp ngay cả nếu ông phải từ chức, chắc chắn người kế nhiệm cũng sẽ vẫn tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ của ông. Và như vậy, lãi suất tiền tệ ngắn hạn và dài hạn sẽ được duy trì ở quanh mức 0% kể cả lãi suất đồng USD tại Mỹ tiếp tục tăng.
Đối với các ngân hàng Nhật, môi trường vĩ mô chính sách như vậy gây quá nhiều sức ép lên lên hoạt động kinh doanh của họ. Một trong những kênh kiếm tiền còn tạm ổn đối với các ngân hàng Nhật chính là cho vay trong lĩnh vực bất động sản, thế nhưng các ngân hàng cũng không dám liều mạng cho vay quá nhiều, họ đã học được quá nhiều bài học từ trước đó.
Không còn nghi ngờ gì nữa, các ngân hàng đã học được quá nhiều bài học từ lịch sử, tuy nhiên khi mà lãi suất vẫn còn được duy trì ở mức siêu thấp, mọi vấn đề đều bị che đậy. Khi lãi suất thấp, công ty có khả năng tài chính tốt, kém và bình thường không có gì khác nhau, tất cả đều có khả năng trả được nợ.
Thế nhưng chỉ khi lãi suất bắt đầu tăng, các đối tượng có khả năng tài chính kém mới lộ ra, họ bắt đầu mất khả năng trả nợ và vì vậy lợi nhuận của ngân hàng bị tác động nặng nề. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của tương lai, còn ở hiện tại, mọi chuyện trong ngành ngân hàng Nhật dường như vẫn ổn.
Cùng lúc đó, nếu nhìn ra bên ngoài thị trường Nhật, cơ hội tìm kiếm thêm lợi nhuận của các ngân hàng Nhật quá hạn chế. Việc Anh rời Liên minh châu Âu cũng như các rủi ro liên quan đến thuế và khả năng tiếp cận thị trường khiến các ngân hàng Nhật chắc chắn không muốn mở rộng mạng lưới tại châu Âu.
Còn ngay cả tại Mỹ, nước đồng minh thân cận nhất của Nhật. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi TPP và đề cao chính sách ưu tiên cho nội địa Mỹ, khả năng ngân hàng Nhật tham gia vào lĩnh vực cho vay mua ô tô hay thâu tóm cổ phần các ngân hàng nội địa Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn ngay cả khi Thủ tướng Abe là bạn thân của Tổng thống Trump đi chăng nữa.
Như vậy, cuối cùng, các ngân hàng Nhật còn mỗi châu Á là nơi để hướng tới, không phải chỉ bởi các lý do liên quan đến vị trí địa lý mà còn bởi thị trường ngành ngân hàng châu Á còn non trẻ và có nhiều tiềm năng phát triển.
Châu Á có dân số trẻ, hoạt động thanh toán trên điện thoại di động còn mới, tiềm năng phát triển hoạt động thanh toán số cao.
Tuy nhiên trong khu vực châu Á khi mà chính phủ Trung Quốc và Ấn Độ đưa ra những quy định cực kỳ ngặt nghèo với ngành ngân hàng, thị trường các nước Đông Nam Á có thể coi như lựa chọn tốt nhất.
Tất nhiên bao lâu nay, các ngân hàng Nhật thừa hiểu điều này. Ngân hàng Nhật đã cố gắng để có sự hiện diện mạnh mẽ tại Indonesia, đất nước với dân số hơn 200 triệu dân nhưng mới chỉ có 36% dân số có tài khoản ngân hàng.
Từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, ba ngân hàng hàng đầu Nhật bao gồm Mitsubishi UFJ, Sumitomo Mitsui và Mizuho đã không ngừng mở rộng mạng lưới tại các nước Đông Nam Á cũng như Indonesia.
Họ mua thêm cổ phần tại các ngân hàng địa phương, thành lập liên doanh với các tổ chức tài chính địa phương nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực như tín dụng, phát triển hệ thống thanh toán và tài chính vi mô.
Một số con số sau đây có thể minh chứng cho sự bành trướng của các ngân hàng Nhật tại Đông Nam Á trong thời gian qua. Số liệu từ Ngân hàng Trung ương Nhật cho thấy tổng tín dụng của ngân hàng Nhật cho khu vực Đông Nam Á đã tăng 75% trong năm năm qua lên 22,4 nghìn tỷ yên tương đương 198 tỷ USD.
Trong tổng con số trên, tổng giá trị các khoản vay của ba ngân hàng lớn nhất Nhật chiếm đến 87% tức 172,7 tỷ USD. Mức tăng trưởng rất ấn tượng nhưng nếu so ra, con số trên vẫn không hơn nhiều nếu so với tổng lượng tiền ngân hàng Nhật rót vào hoạt động tín dụng ở Bắc Mỹ, tính đến cuối tháng Ba năm nay đạt 172,7 tỷ USD.
Con số tổng chưa lớn nhưng với tốc độ tăng trưởng đột biến như trên, khả năng ngân hàng Nhật tham gia nhiều hơn nữa vào tín dụng tại Đông Nam Á chắc chắn sẽ xảy ra. Trong nỗ lực tìm kiếm lợi nhuận, các ngân hàng Nhật không thể bỏ qua Đông Nam Á.
Xu thế trên chắc chắn sẽ vẫn tiếp diễn chừng nào các ngân hàng Nhật vẫn còn phải đương đầu với bối cảnh lãi suất thấp khiến hoạt động kinh doanh tại nội địa Nhật khó khăn.