Nguyên nhân chính khiến Telegram đang dần vượt mặt 'ông lớn' Whatsapp
Do những thay đổi mới trong chính sách của WhatsApp trong năm 2021, đặc biệt là về điều khoản bảo mật đang gây tranh cãi, nhiều người dùng bắt đầu chuyển hưởng sang các ứng dụng nhắn tin khác.
Sự thay đổi này không phải là ngẫu nhiên và Pável Dúrov, nhà sáng lập ứng dụng Telegram, đã trả lời một cuộc phỏng vấn trên Entrepreneur để giải thích vì sao nền tảng nhắn tin của Mark Zuckerberg không còn giữ được sự tin tưởng của cộng đồng.
Vào ngày 1/1/2021, trong một bài đăng trên kênh Telegram chính thức, Dúrov giải thích rằng sức hút của ứng dụng do ông tạo ra nhắm thẳng vào điểm yếu của WhatsApp. “Tôi nghe nói Facebook có cả một bộ phận chuyên tìm hiểu tại sao Telegram lại thành công như vậy.
Cứ tưởng tượng đến hàng chục nhân viên làm việc toàn thời gian thật lãng phí. Tôi rất vui khi tiết kiệm cho Facebook hàng chục triệu USD và cho miễn phí bí quyết của chúng tôi: tôn trọng người dùng”, doanh nhân người Nga phát biểu.
Ông trùm 36 tuổi tiếp tục giải thích rằng người dùng đang chuyển sang Telegram để tìm kiếm sự riêng tư mà họ sẽ không còn trên WhatsApp. “Hàng triệu người tỏ ra phẫn nộ trước thay đổi mới nhất về điều khoản của WhatsApp, yêu cầu người dùng phải gửi tất cả dữ liệu cá nhân cho công cụ quảng cáo của Facebook. Không có gì ngạc nhiên khi một lượng lớn người dùng WhatsApp ngay lập tức chuyển sang Telegram và điều này đã diễn ra trong vài năm trở lại đây", bài đăng viết.
Theo thông báo chính thức của Whatsapp, ngày 8 tháng 2 tới là hạn chót để chấp nhận các điều khoản sử dụng mới liên quan đến việc cho phép ứng dụng này chia sẻ dữ liệu cá nhân với Facebook như danh bạ, thông tin thiết bị, vị trí và nhiều chi tiết khác. Bản cập nhật cũng bao gồm cả công cụ quảng cáo nhắm mục tiêu có thể xuất hiện dưới dạng biểu ngữ để chuyển hướng đến các trang web bên ngoài hoặc yêu cầu hành động cụ thể từ người dùng.
Pável chỉ ra rằng ứng dụng do anh và anh trai Nikolái tạo ra đã trở thành đối thủ đáng gờm của cả Facebook và WhatsApp, vì "họ không thể cạnh tranh với Telegram về chất lượng và quyền riêng tư". Ngoài ra, trong khuôn khổ bài đăng, CEO này cũng đính chính một số thông tin không chính xác về Telegram đang lan truyền trên các mạng xã hội.
Ông chỉ ra rằng, mặc dù ông và anh trai của mình sinh ra ở Nga, công ty không phải của Nga và "đã bị cấm sử dụng tại Nga từ năm 2018 đến năm 2020". Trên thực tế, trụ sở chính của công ty hiện đặt tại Dubai, hoàn toàn không có máy chủ hoặc văn phòng trên lãnh thổ Nga. Pável cũng nói rõ rằng Telegram đã sử dụng mã nguồn mở kể từ khi được ra mắt vào năm 2013 và tất cả cuộc trò chuyện đều được mã hóa.
“Chúng tôi có các cuộc trò chuyện đầu cuối bí mật và các cuộc trò chuyện đám mây cũng cung cấp khả năng bảo mật theo thời gian thực và lưu trữ đám mây. Mặt khác, WhatsApp không có mã hóa trong vài năm và sau đó đã áp dụng giao thức mã hóa do chính phủ Mỹ tài trợ. Ngay cả khi chúng tôi giả định rằng mã hóa của WhatsApp rất mạnh, nó sẽ bị vô hiệu thông qua nhiều cửa sau và phụ thuộc vào các bản sao lưu", ông giải thích chi tiết.
Cuối cùng, Dúrov chỉ ra rằng "Facebook đã chi gần 10 tỷ USD cho quảng cáo" vào năm 2019. Ngược lại, Telegram "không chi tiền" cho lĩnh vực này. “Chúng tôi tin rằng mọi người đủ thông minh để lựa chọn những gì tốt nhất và đánh giá bởi 500 triệu người sử dụng Telegram tới thời điểm này là cam kết mạnh mẽ nhất", bài đăng này kết luận.
Trước đó, tỉ phú giàu nhất hành tinh Elon Musk cũng từng phản ứng rất gay gắt trước thay đổi chính sách mới của Whatsapp và khuyến khích người dùng chuyển sang sử dụng Signal - một ứng dụng nhắn tin khác trên trang Twitter cá nhân.
Sau tuyên bố này, số lượng người dùng tăng vọt và đã có tới hơn 100.000 lượt tải về trên 2 kho ứng dụng chính của Apple và Google trong hai ngày qua, theo dữ liệu của Sensor Tower. Trên thực tế, một số lượng lớn các yêu cầu đã khiến nền tảng Signal gặp sự cố trong giây lát, khiến mã xác minh bị gửi chậm. tuy nhiên, nó đã được giải quyết nhanh chóng và người dùng “sẽ không còn gặp vấn đề khi tham gia”.