Nguy cơ bất ổn toàn cầu gia tăng, ECB vẫn tự tin về eurozone
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tự tin rằng họ có thể bảo vệ khu vực đồng euro khỏi các biến động lớn trên thị trường, sau khi những sự kiện chính trị như việc ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ làm tăng sự bất ổn.
Phó chủ tịch ECB Vitor Constancio cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg rằng: “Chúng tôi chắc chắn đang thấy sự thay đổi diễn ra tại Mỹ. ECB sẽ tiếp tục phát huy vai trò bình ổn thị trường, và tôi không cho rằng sẽ có hiệu ứng lan truyền xảy ra với Châu Âu”.
Phát biểu trên được ông Constancio đưa ra nhân dịp công bố Báo cáo Bình ổn Tài chính mới của ECB, vốn được xuất bản 2 lần mỗi năm. Báo cáo cho rằng nguy cơ thị trường toàn cầu đi xuống đã tăng đáng kể do các bất ổn về chính trị, gây ra rủi ro cho ngành ngân hàng, sự bình ổn và tăng trưởng kinh tế. Những chính sách của tân tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể dẫn đến việc tăng chi tiêu công và đẩy lạm phát tăng lên nhanh hơn tại Mỹ. Ảnh hưởng của chúng lên khối euro sẽ là rất khó để đánh giá, khi tính đến những hành động đáp trả chủ nghĩa bảo hộ của ông Trump, cũng như cơ may chiến thắng khá cao của các đảng phái dân túy tại châu Âu.
Cũng theo ECB thì: “Có nhiều khả năng xảy ra những bất ổn trong tương lai gần, và rủi ro về sự đi xuống đột ngột của thị trường vẫn còn lớn. Căng thẳng địa chính trị leo thang và bất ổn chính trị tăng cao, giữa lúc các cuộc bầu cử diễn ra ở các nền kinh tế lớn, sẽ làm phát sinh tâm lý lo ngại rủi ro và có thể dẫn tới một cú sốc lớn về niềm tin”.
Chỉ số Bất ổn chính sách kinh tế toàn cầu (màu vàng) và chỉ số đo lường biến động thị trường VIX (màu xanh) có chiều hướng lên xuống giống nhau. Hai đường kẻ dọc màu đen đánh dấu 2 mốc thời gian là cuộc trưng cầu dân ý về Brexit ở Anh và bầu cử tổng thống Mỹ. Ảnh: Bloomberg
Cuộc bầu cử tại Mỹ đánh dấu đỉnh cao cho một giai đoạn bất ổn về chính trị, vốn đã bắt đầu với cuộc trưng cầu dân ý về về Brexit tại Anh, và có thể sẽ tiếp tục diễn ra tại các nền kinh tế lớn khác của châu Âu. So sánh với báo cáo của mình 6 tháng trước đây, ECB đã tăng sự quan ngại về “việc giá tài sản giảm có thể dẫn tới khủng hoảng tài chính lan rộng, xuất phát từ những bất ổn về chính trị ở các nước phát triển và sự thiếu bền vững của các nền kinh tế mới nổi”.Theo ông Constancio, các chính sách kích thích tài khóa của nước Mỹ có thể đi kèm “với các biện pháp tự vệ thương mại, làm giảm ảnh hưởng của chính sách kích thích này lên các khu vực khác của thế giới”. Ông cho rằng việc giá các loại tài sản gia tăng gần đây sẽ chỉ trở nên bền vững ở châu Âu nếu lạm phát và tăng trưởng trong khu vực tăng lên. Việc đồng USD mạnh lên gần đây cũng không gây ra những ảnh hưởng lớn cho châu Âu như với các nền kinh tế mới nổi.
Trong khi nền kinh tế và hệ thống tài chính của khu vực đồng euro (eurozone) vẫn đang dần hồi phục, việc xảy ra thêm các bất ổn chính trị trong những tháng tới có thể tạo áp lực lên các ngân hàng yếu kém, cũng như những nước đang chịu nợ công cao. ECB rất quan tâm tới rủi ro áp lực gia tăng lên những nền kinh tế yếu nhất trong khối, vì sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy làm cản trở các cải cách cần thiết.
Báo cáo của ECB cho rằng: “Bất ổn chính trị tăng cao có thể dẫn đến các chính sách đóng cửa và cản trở tăng trưởng. Điều này sẽ cản trở những cải cách cần thiết về cấu trúc và tài khóa, và trong tình huống xấu nhất có thể làm gia tăng áp lực đối với các nền kinh tế thiếu bền vững.”
Trong vòng 12 tháng tới, nhiều nền kinh tế chủ chốt của khối eurozone sẽ tổ chức bầu cử hoặc trưng cầu dân ý: Hà Lan, Pháp, Đức, Áo, Italia và đóng góp GDP cho khu vực đồng Euro. Ảnh: Bloomberg
Rủi ro từ ngành ngân hàng
Trong một buổi họp báo, ông Constancio cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến giai đoạn suy giảm thương mại quốc tế. Nếu có thêm làn sóng chủ nghĩa bảo hộ, hoạt động thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể bị ảnh hưởng”.
Phó chủ tịch ECB khẳng định rằng mặc dù rủi ro đang tăng cao, ECB vẫn dự báo khu vực eurozone sẽ tăng trưởng khoảng 1,6% trong năm 2017, còn lạm phát sẽ đạt khoảng 1,25% vào mùa xuân. Tuy nhiên, ông vẫn nhấn mạnh rằng một số ngân hàng trong khối vẫn còn thiếu bền vững, và cần tiếp tục giải quyết các khoản chi phí khổng lồ và gánh nặng nợ xấu.
Báo cáo của ECB nói thêm: “Các ngân hàng lớn trong eurozone vẫn còn khá nhiều điểm yếu. Triển vọng lợi nhuận trong khu vực eurozone vẫn còn thấp, trong hoàn cảnh tăng trưởng kinh tế đang chậm lại.”
Ít nhất là kết quả bầu cử tại Mỹ đã thúc đẩy sự đi lên của các cổ phiếu ngân hàng, khi giới đầu tư cho rằng chính phủ Mỹ sẽ bỏ ý định kiểm soát ngành này chặt chẽ hơn. Theo ECB, điều này sẽ giúp cải thiện triển vọng lợi nhuận của các ngân hàng trong eurozone.