Người Việt già trước khi giàu: Có nên tăng độ tuổi nghỉ hưu?
Nguy cơ "già trước khi giàu"
Trong nhiều thập kỷ, đối tượng trong độ tuổi lao động chiếm phần lớn dân số Việt Nam. Điều này giúp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiểm soát quỹ lương hưu cũng như chi tiêu y tế.
Từ năm 2007, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” - là thời kỳ cơ cấu dân số thể hiện số người trong độ tuổi lao động chiếm tỷ trọng cao hơn số người phụ thuộc. Thời kỳ này đem đến cơ hội là nguồn lao động dồi dào, tạo ra lượng của cải vật chất lớn để tích lũy cho tương lai.
Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi kể từ năm 2013. Trong khi dân số của Việt Nam chạm mốc 92 triệu, với 26 triệu là đối tượng chiếm tỷ trọng dân số lớn nhất xét theo lứa tuổi, câu chuyện về phát triển kinh tế đã có chuyển biến.
Theo báo cáo mới công bố của IMF, Việt Nam đang đối mặt với tỷ lệ sinh nở giảm, trong khi tuổi thọ trung bình đang tăng lên. Mặc dù hiện tượng này không phải hiếm gặp trên thế giới, song thực tế lại cho thấy Việt Nam rơi vào tình trạng này quá sớm so với giai đoạn phát triển kinh tế.
Nói cách khác, người Việt có nguy cơ già trước khi giàu có. Nó đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ có ít thời gian để thích nghi với những thách thức của một xã hội lớn tuổi hơn so với nhiều nền kinh tế khác.
Điều này có ý nghĩa thế nào với nền kinh tế Việt Nam? Sự suy giảm tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người trong giai đoạn 2020-2050. Một khi Việt Nam có quá nhiều người lao động tham gia các ngành nghề chịu đánh thuế như nông-lâm nghiệp, năng suất lao động nhìn chung có khả năng giảm.
Dân số già đi đồng nghĩa với việc gánh nặng lương hưu và chăm sóc sức khoẻ tăng lên. Nguồn thu từ thuế của người lao động theo đó cũng giảm. Những yếu tố này sẽ gây áp lực cho ngân sách nhà nước.
Việt Nam nên làm gì để có thể tận dụng thời kỳ "dân số vàng"?
Báo cáo về Việt Nam công bố ngày 5/7 vừa qua của IMF chỉ ra rằng, khi dân số sớm trở nên già đi, Việt Nam cần nhanh chóng thông qua các chính sách phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động và hạn chế gánh nặng ngân sách.
Cụ thể, Việt Nam cần tăng cường sự tham gia của phụ nữ và người cao tuổi vào lực lượng lao động. Bên cạnh đó, Chính phủ nên khuyến khích người lao động tham gia các ngành nghề có năng suất cao hơn. Hiện, 40% lao động Việt Nam đang làm các công việc liên quan tới nông nghiệp.
Người Việt có nguy già trước khi giàu có. Ảnh: Tuyengiao. |
Về chính sách, theo IMF, Việt Nam cần nâng cao tuổi nghỉ hưu (hiện tại là 60 cho nam giới và 55 đối với phụ nữ), giảm bớt các ưu đãi cho nghỉ hưu sớm và sắp xếp chỉ số lợi ích một cách chặt chẽ hơn với lạm phát.
Kết thúc ưu đãi về vốn và đất đai do các doanh nghiệp nhà nước sở hữu cũng là một gợi ý giúp Việt Nam tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các công ty tư nhân. Ngoài ra, Chính phủ cần chuyển đổi các nguồn lực để sử dụng có hiệu quả hơn.
IMF cũng cho rằng Việt Nam cần tái huy động các ngân hàng nhà nước giảm nợ xấu và tăng dòng tín dụng cho nền kinh tế.
Phát triển giáo dục, chuyển lao động từ nông nghiệp năng suất thấp sang công nghiệp và dịch vụ năng suất cao sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế. Với chính sách đúng đắn, theo IMF đánh giá, người Việt Nam có thể sống lâu, khỏe mạnh, có cuộc sống sung túc và có hiệu quả.
Có nên tăng độ tuổi nghỉ hưu?
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, PGS.TS. Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý (ĐH Kinh tế Quốc dân) cho biết, thực tế cho thấy dân số Việt Nam có nguy cơ bước vào ngưỡng già trước khi thu nhập bình quân đầu người đạt ngưỡng giàu.
Theo dữ liệu của Ngân hàng thế giới, hiện Việt Nam có hơn 7% dân số trên 65 tuổi (và được gọi là 'đang già'), trong khi thu nhập bình quân đầu người mới chỉ là khoảng 5.600$ (đã tính theo sức mua tương đương thực tế năm 2011) nên vẫn là nước có thu nhập trung bình. Vì thế, nếu dân số tiếp tục già nhanh như dự báo, trong khi thu nhập tiến tới ngưỡng thu nhập cao thì nguy cơ "già trước khi giàu" là hiện hữu.
Cũng theo PGS.TS. Long, thực tế cho thấy tuổi thọ của người Việt Nam đã cải thiện, đặc biệt là những người lao động khu vực chính thức (vì họ có môi trường làm việc ổn định hơn, chăm sóc sức khoẻ tốt hơn...) và vì thế thì theo xu hướng thế giới, việc tăng tuổi hưu không có gì ngạc nhiên. Tuy nhiên, việc tăng tuổi bao nhiêu cho nam, nữ... lại còn tuỳ thuộc vào khả năng lao động sau tuổi hưu hiện nay của họ, nhu cầu làm việc...
Việc hạn chế nghỉ hưu sớm là chủ trương đúng (trừ việc cho nghỉ hưu sớm với những trường hợp đặc biệt về sức khoẻ). Thực tế thì dù tuổi hưu là 60, 55 tương ứng cho nam, nữ lao động, nhưng vẫn tới hơn 40% người Việt Nam sau độ tuổi này vẫn đang làm việc. Thế nên, nhu cầu làm việc xuất phát từ cá nhân, gia đình, chứ không phụ thuộc nhiều vào tuổi hưu. Kinh nghiệm các nước cho thấy cần có tuổi hưu linh hoạt.
"Điều này có nghĩa là khống chế tuổi về hưu cao nhất là khoảng 70, còn từ 60-70 cho nam giới thì nghỉ lúc nào cũng được và sau tuổi 70 thì có chính sách hỗ trợ, ưu đãi nếu người cao tuổi tiếp tục làm việc", PGS.TS Long cho biết.
Theo thông tin từ Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (Ðại học Kinh tế quốc dân), thời kỳ dân số vàng bắt đầu từ 2007 được dự báo sẽ kéo dài đến năm 2041. PGS.TS. Long đánh giá, thời kỳ "dân số vàng" này đo lường thuần tuý bằng tỷ số nhân khẩu học, còn nếu xét theo khía cạnh kinh tế học thì thời gian thực tế cho giai đoạn này ngắn hơn nhiều. Ông Long đánh giá, trong 10 năm qua, mặc dù Việt Nam đã có những chính sách cụ thể hơn về dân số - phát triển nhưng việc tận dụng cơ hội này thì vẫn chưa rõ nét...
Còn theo GS. Trần Văn Thọ , Đại học Waseda (Tokyo), Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội từ dân số vàng. Theo GS. Thọ, giai đoạn 2006 – 2015, tốc độ phát triển chậm lại, chỉ còn trên dưới 5,5% và kém hiệu suất. Việt Nam đang loay hoay với mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc kinh tế.
Do đó, cùng với việc đẩy mạnh đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động thì cần đẩy mạnh phát triển thị trường liên quan đến yếu tố sản xuất như thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường đất đai; đẩy mạnh cải cách DN Nhà nước…