|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Người Trung Quốc mua nhà không mặc cả

07:57 | 18/09/2019
Chia sẻ
Vốn từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam tiếp tục tăng đột biến trong nhiều lĩnh vực.
von-TQ

Ảnh: QH

Không chỉ có các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng nung nấu ý định rời bỏ đất nước để tìm kiếm cơ hội mới và hạn chế phần nào ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. 

Nhờ lợi thế chung biên giới, hạ tầng ngày càng được nâng cấp, đi cùng nền kinh tế duy trì đà tăng tưởng mạnh, Việt Nam đã lọt vào tầm ngắm của giới đầu tư Trung Quốc với nhiều ý định hết sức rõ ràng.

Điển hình là mới đây, Tập đoàn nội thất Kuka Home đã quyết định rót 50 triệu USD mở một nhà máy tại Bình Phước. Sản phẩm của dự án này bao gồm bàn, ghế, tủ... phục vụ cho thị trường xuất khẩu. 

Hiện tập đoàn này có trên 6.000 cửa hàng và bán sản phẩm tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hay ở Thanh Hóa, Tập đoàn Mintal đề xuất triển khai tổ hợp luyện kim thép không gỉ, kim loại màu và Ferrochrome Carbon tại Khu Kinh tế Nghi Sơn. 

Nếu được đầu tư, dự kiến Tập đoàn sẽ thuê 300ha đất gần khu vực bến cảng để xây dựng nhà máy với công suất giai đoạn 1 là 1,5 triệu tấn Ferrochrome Carbon/năm; giai đoạn 2 là 1 triệu tấn thép không gỉ và 1 triệu tấn kim loại màu/năm. 

Tổng kinh phí thực hiện cả 2 giai đoạn cho dự án là 2 tỉ USD. Tổ hợp luyện kim tỉ USD dự kiến sẽ nhập khẩu khoảng 80% nguyên liệu từ Nam Phi, còn 20% nguyên liệu còn lại dự kiến sẽ thu mua tại Việt Nam.

Người Trung Quốc mua nhà không mặc cả - Ảnh 2.

Tất nhiên, dự án của Mintal không chỉ giúp tránh được thuế suất quá nặng đang phải gánh chịu từ thị trường Mỹ, mà còn giúp nhà đầu tư này tránh được các biện pháp chống bán phá giá đối với nhiều sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc mà Việt Nam đang áp dụng.

Trong nửa đầu năm 2019, Hồng Kông bất ngờ trở thành đối tác đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam với tổng số tiền đầu tư 5,3 tỉ USD (chiếm 28,7%), Trung Quốc đại lục chiếm vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư 2,3 tỉ USD (12,4%). 

Các ngành thu hút được nhiều vốn đầu tư Trung Quốc là nội thất, lốp xe, chăn nuôi hay hạ tầng giao thông.

Thời gian tới, danh sách thương hiệu lớn của Trung Quốc đang xem xét di dời đến Việt Nam có thể là Lenovo, TCL... Tất cả hứa hẹn sẽ cải thiện đáng kể vị thế của nhà đầu Trung Quốc trong dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam.

Nhưng không chỉ có rót vốn đầu tư dây chuyền sản xuất trực tiếp, người Trung Quốc còn nằm trong số những nhà đầu tư năng động nhất trên thị trường mua bán - sáp nhập (M&A). 

Theo ghi nhận của Quỹ đầu tư Asia Frontier Capital, các doanh nhân Trung Quốc không chỉ mua đất công nghiệp, mà còn có các tài sản khác như căn hộ, đất đai, công ty bất động sản.

Người Trung Quốc mua nhà không mặc cả - Ảnh 3.

Các nhà đầu tư Trung Quốc có sở thích về bất động sản tại các thành phố như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đà Lạt và TP.HCM. Quảng Ninh và Hải Phòng khá gần với biên giới Trung Quốc - Việt Nam. 

“Với sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, cũng có nhu cầu gia tăng từ những người nhập cư mới của Trung Quốc để mua căn hộ, nhà ở hoặc đất. 

Hơn nữa, Việt Nam là một trong những điểm du lịch được nhiều du khách Trung Quốc ghé thăm nhất do chi phí phải chăng và cảnh quan đẹp. Đây là lý do tại sao giá bất động sản ở 5 thành phố đang tăng với tốc độ nhanh”, đại diện Asia Frontier Capital nhận định.

Mặc dù người nước ngoài không được phép mua đất tại Việt Nam, một số nhà đầu tư Trung Quốc vẫn tìm cách mua đất tại Việt Nam thông qua ủy quyền của Việt Nam. 

Điều thú vị cần lưu ý là tại các thành phố như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Đà Lạt, Nha Trang và Hải Phòng, nhiều nhà hàng, khách sạn và điểm du lịch được sở hữu và điều hành bởi người Trung Quốc. 

Điển hình như casino lớn nhất ở Đà Nẵng là Crowne Plaza thuộc sở hữu của một công dân Trung Quốc. Hay ở Long An, nhà đầu tư Hoàn Cầu Việt Nam (Đài Loan - Trung Quốc) đã lập dự án đầu tư với diện tích 831ha ở huyện Cần Giuộc. Trong đó, dự án đô thị - thương mại và tái định cư trên 700ha được Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định chủ trương đầu tư.

Người Trung Quốc mua nhà không mặc cả - Ảnh 4.

Theo Công ty Tư vấn CBRE, gần 1/3 tổng số giao dịch của họ trong năm 2018 đến từ khách hàng Trung Quốc. 

Ông Thiên Nguyễn, Giám đốc Môi giới Công ty Chứng khoán Mirae Asset, nhà môi giới lớn nhất Hàn Quốc tại Việt Nam, cho biết phải tổ chức 2-3 cuộc họp và hội nghị cho các nhà đầu tư Trung Quốc hằng tuần để giới thiệu về các dự án bất động sản tại TP.HCM. 

Các nhà đầu tư Trung Quốc rất muốn mua bất động sản Việt Nam và họ thường không mặc cả.

Sở dĩ giới đầu tư Trung Quốc đổ xô ra nước ngoài để đầu tư bất động sản là do thị trường bất động sản trong nước đang ngày một ảm đạm, dư địa đầu tư đang cạn dần. 

Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung cũng tác động không nhỏ đến quyết định này của nhà đầu tư Trung Quốc.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, khuyến cáo đã có rất nhiều khoản đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc có sự hậu thuẫn của chính phủ nước này cho mục đích phi kinh tế. 

Do vậy, Việt Nam cần cẩn trọng khi đấu giá những khu đất vàng, những khu đất có vị trí quan trọng về mặt kinh tế, chính trị, đồng thời cần mở cửa thị trường một cách có lựa chọn và không làm tổn hại đến an ninh quốc gia.

Nguyễn Sơn

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.