Người tiêu dùng Việt Nam vay mượn quá mức trong khi tỷ lệ tiết kiệm thấp
Tín dụng tiêu dùng mang đến động lực nào cho tăng trưởng tín dụng? | |
Kiểm soát chặt chẽ tín dụng tiêu dùng trong năm 2018 |
Rủi ro tiềm ẩn của tín dụng tiêu dùng
Như phần trước, chúng tôi trình bày nhận định của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) về tăng trưởng tín dụng tiêu dùng vẫn là cánh cửa cho tăng trưởng tín dụng.
Trong ngắn hạn, dư địa tăng trưởng lĩnh vực này vẫn còn rất rộng mở khi quy mô tín dụng tiêu dùng chỉ khoảng 19% GDP năm 2017. Quan trọng hơn, dòng vốn này sẽ tạo động lực cho tổng cầu của nền kinh tế và tác động tích cực tới tăng trưởng GDP trong các năm tới. Diễn biến này cũng sẽ hỗ trợ sự hồi phục của thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, những rủi ro tài chính cũng lớn dần khi tâm lý chi tiêu và vay mượn để chi tiêu của khu vực hộ gia đình cởi mở hơn trong bối cảnh tỷ lệ tiết kiệm khá thấp so với các quốc gia khác trong khu vực.
Ngoài ra, lịch sử cho thấy có những tương tác qua lại giữa giá tài sản và dòng vốn tín dụng chảy vào khu vực hộ gia đình. Trong một môi trường tăng trưởng tín dụng cao, khó tránh một phần dòng vốn chảy sang các tài sản đầu cơ cao, qua đó thúc đẩy giá tài sản tăng nhanh. Ở chiều ngược lại, các ngân hàng có thể đang đánh giá cao mức độ tín nhiệm của người đi vay khi các tài sản trên được mang đi thế chấp.
Người tiêu dùng vay mượn quá mức, lạc quan thái quá vào khả năng thu nhập trong tương lai
Theo VDSC, rủi ro đáng quan ngại nhất chính là khả năng người dân vay mượn vượt qua khả năng chi trả của bản thân. Trong năm 2017, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng Việt Nam tăng đột biến gần 60% so với năm 2016 và dự đoán trong 3 năm tới, tốc độ tăng trưởng bình quân của lĩnh vực này lên tới 29-30%/năm.
Trong khi đó, tính tới năm 2016, tỷ lệ tiết kiệm của Việt Nam chỉ đạt 29% GDP, khá thấp trong tương quan so sánh với các quốc gia trong khu vực. Với những xu hướng hành vi tiêu dùng, VDSC nhận thấy tâm lý lạc quan thái quá vào khả năng thu nhập trong tương lai và họ sẵn sàng đánh đổi, vay mượn nhiều hơn cho chi tiêu ở thời điểm hiện tại. Điều này làm gia tăng quan ngại về khả năng trả nợ của người dân. Hơn nữa, nếu tăng chi tiêu dùng không gắn với tăng trưởng kinh tế thì sức khỏe của nền kinh tế sẽ yếu đi trong dài hạn.
Nhiều quốc gia thắt chặt chính sách tiền tệ
Quy mô nợ sẽ gia tăng khi thế giới đang ở giai đoạn đầu của quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ. Bắt nguồn từ ý chí của NHTW Mỹ (Fed), làn sóng trên đã dần lan tỏa tới khắp các châu lục, bao gồm cả các quốc gia châu Á.
Theo số liệu từ Bộ giáo dục Mỹ, số người Mỹ không thể thanh toán được các khoản nợ sinh viên đã lên tới gần 4,6 triệu người trong quý III/2017 - cao gấp đôi mức của 4 năm trước.
Mới đây, NHTW Hàn Quốc (BOK) đã quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 0,25% lên mức 1,5%/năm trong khi đó NHTW Trung Quốc (PBOC) cũng quyết định tăng lãi suất trên nghiệp vụ thị trường mở và cơ chế cho vay trung hạn.
Xét riêng bài học từ Hàn Quốc – nơi dư nợ hộ gia đình lên tới 1,3 nghìn tỷ USD tính tới tháng 9/2017, tăng lãi suất thêm 0,25% cơ bản sẽ khiến gánh nặng nợ của nước này gia tăng thêm 325 tỷ USD. Đi kèm với đó là những tác động tiêu cực tới tâm lý chi tiêu của người dân.
Trong thời gian gần đây, NHTW Anh (BOE) và NHTW Canada (BOC) đã quyết định tăng lãi suất điều hành sau nhiều năm giữ ở mức thấp. Một trong những nguyên nhân thúc đẩy các nhà lập pháp hành động là do quy mô nợ khổng lồ của khu vực hộ gia đình, 87,2% GDP tại Anh và 100,5% GDP tại Canada. BOE cũng khuyến cáo các ngân hàng Anh cần dự phòng thêm 11 tỷ bảng tiền vốn, trước những quan ngại rằng các ngân hàng hiện đánh giá quá cao mức độ tín nhiệm của những người đi vay tiền.
Rủi ro giá tài sản tăng, đặc biệt là bất động sản
VDSC cũng cho rằng việc tăng trưởng nợ hộ gia đình và diễn biến giá tài sản có sự tương tác hai chiều thông qua bài học lịch sử từ các quốc gia trên thế giới.
Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, giá nhà tại Canada và Mỹ có sự khác biệt đáng kể. Trong khi chỉ số giá nhà tại Mỹ giảm gần 25% kể từ mức đỉnh giữa năm 2008 thì giá nhà tại Canada nhìn chung giữ được xu hướng tăng dài hạn.
Một trong những nguyên nhân quan trọng là do sự khác nhau giữa dòng vốn tín dụng chảy vào khu vực hộ gia đình. Ngược lại, khi tài sản bất động sản tăng giá và được sử dụng như một tài sản thế chấp sẽ làm đẹp bức tranh tín dụng của các hộ gia đình. Do đó, các hộ gia đình có xu hướng chủ động sử dụng đòn bẩy tài chính cá nhân.
VDSC cũng ghi nhận bài học từ Trung Quốc khi hầu hết chuyên gia đều lo ngại bong bóng tài sản ở quốc gia này. Mức độ tương quan thuận chiều chặt chẽ giữa tốc độ tăng giá nhà ở các thành phố lớn và tốc độ tăng nợ hộ gia đình ở Trung Quốc.
Đứng trước rủi ro ngày càng cao, cùng các biện pháp hành chính từ Chính phủ, PBOC đã chủ động giảm tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay khu vực hộ gia đình của nước này kể từ đầu năm 2017. Kế hoạch trên bước đầu đã đạt được kết quả đáng ghi nhận khi tốc độ tăng giá nhà tại Bắc kinh đang thu hẹp dần.
Với diễn biến thị trường Việt Nam, giá nhà ở và giá văn phòng hồi phục rõ nét trong gần 5 năm qua. Chỉ số giá nhà tại thành phố Hồ Chí Minh tính tới quý II/2017 đạt 93 điểm, tăng 5,1% so với mức đáy 2014 trong khi chỉ số giá văn phòng được ghi nhận ở mức 89 điểm, tăng tới 23,1% so với đầu năm 2013.
Có nhiều nguyên nhân giải thích cho sự phục hồi trên, song VDSC cho rằng dòng vốn tín dụng chính là một trong những điểm nhấn.
Ngoài ra, những lo lắng về dòng vốn tín dụng chảy sang tài sản đầu cơ càng gia tăng khi nhìn sang diễn biến thị trường chứng khoán. Theo VDSC, tăng trưởng tín dụng có tác động đáng kể lên diễn biến thị trường chứng khoán với độ trễ 3 tháng. Kể từ đầu năm tới nay, chỉ số VN-Index đã tăng 42% và PE thị trường lên tới 18,6 lần, qua đó trở thành thị trường có kết quả ấn tượng nhất trong khu vực.
Kết luận lại, dư địa tăng trưởng tín dụng tiêu dùng vẫn còn rộng mở và tác động tích cực đến nền kinh tế trong trung hạn. Tuy nhiên, những rủi ro tiềm ẩn không thể bỏ qua khi hơn hơn 50% dòng vốn tín dụng tiêu dùng chảy vào bất động là một động lực rất lớn hỗ trợ sự hồi phục của thị trường. Điều này góp phần tạo nên sai lệch trong cách tính toán và số liệu công bố về dòng vốn tín dụng bất động sản.
Diễn biến này cũng mang tới rủi ro khi các tài sản trên được mang đi thế chấp và các ngân hàng đánh giá quá cao mức độ tín nhiệm của người đi vay.