|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tín dụng tiêu dùng mang đến động lực nào cho tăng trưởng tín dụng?

08:00 | 13/01/2018
Chia sẻ
VDSC cho rằng dòng vốn tín dụng này sẽ là một trong những nhân tố chèo lái giá tài sản trên thị trường bất động sản và chứng khoán trong thời gian tới.
tin dung tieu dung mang den dong luc nao cho tang truong tin dung UBGSTC: Tín dụng tiêu dùng tăng trưởng 65% trong năm 2017
tin dung tieu dung mang den dong luc nao cho tang truong tin dung Kiểm soát chặt chẽ tín dụng tiêu dùng trong năm 2018
tin dung tieu dung mang den dong luc nao cho tang truong tin dung Vì đâu lãi suất cho vay tiêu dùng cao gấp 3 lần lãi vay ngân hàng?

Tín dụng tiêu dùng – Cánh cửa cho tăng trưởng tín dụng

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá tăng trưởng tín dụng tiêu dùng là cánh cửa cho tăng trưởng tín dụng. Trong ngắn hạn, dư địa tăng trưởng lĩnh vực này vẫn còn rất rộng mở khi quy mô tín dụng tiêu dùng chỉ khoảng 19% GDP năm 2017.

Đáng chú ý, VDSC cho rằng dòng vốn này sẽ tạo động lực cho tổng cầu của nền kinh tế và tác động tích cực tới tăng trưởng GDP trong các năm tới. Diễn biến này cũng sẽ hỗ trợ sự hồi phục của thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán Việt Nam.

tin dung tieu dung mang den dong luc nao cho tang truong tin dung
Chỉ số chênh lệch tín dụng/GDP là chênh lệch giữa tỷ lệ tín dụng/GDP hiện tại và tín dụng/GDP trong dài hạn. Chỉ số này cảnh báo cho nguy cơ khủng hoảng tài chính trong 3 năm tới.

Xu hướng dịch chuyển dòng vốn tín dụng sang khu vực hộ gia đình

Theo VDSC, ngày càng nhiều lo ngại liên quan đến rủi ro tín dụng của Việt Nam sau nhiều thập kỷ khai thác triệt để công cụ tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tính tới hiện tại, tổng quy mô tín dụng khu vực phi tài chính ước tính khoảng gần 290 tỷ USD, tương đương 133,8% GDP danh nghĩa của Việt Nam. Con số này tương đương với mức trung bình của các nước trong khối Emerging và cao hơn cả quốc gia đang gặp khủng hoảng Hy Lạp (122,3% GDP).

Mặt khác, chỉ số chênh lệch tín dụng/GDP, một lần nữa cảnh báo những hậu quả Việt Nam sẽ phải đối mặt khi duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng cao. Tính đến hết quý I/2017, chỉ số chênh lệch tín dụng/GDP của Việt Nam đạt 10,4% và tiến sát mức đỉnh ghi nhận hồi cuối năm 2010. Theo khuyến cáo từ Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS), khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính trong 3 năm tới sẽ tăng cao khi chỉ số trên vượt qua ngưỡng 10%.

tin dung tieu dung mang den dong luc nao cho tang truong tin dung

Trong khi đó, bộ đệm tài chính có dấu hiệu xói mòn khi mà ước tính tín dụng toàn hệ thống năm 2017 tăng trưởng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2016, trong khi tăng trưởng huy động chỉ đạt 15-16%. Đây cũng là xu hướng chung diễn ra trong 5 năm qua. Sự chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và huy động đang làm gia tăng quan ngại về rủi ro thanh khoản của hệ thống trước những biến động của thị trường.

Ở góc nhìn khác, cơ cấu tín dụng trong hệ thống ít thay đổi trong suốt thời gian qua khi 1/3 dư nợ tín dụng tập trung vào các lĩnh vực khác, bao gồm cả lĩnh vực bất động sản. Đáng chú ý, đây đều là những lĩnh vực rủi ro cao. Trong khi đó, việc chuyển dịch dòng vốn sang các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, xuất nhập khẩu vẫn chưa được như kỳ vọng.

tin dung tieu dung mang den dong luc nao cho tang truong tin dung

Một vấn đề nữa là trong bối cảnh khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, việc dịch chuyển dòng vốn tín dụng sang khu vực hộ gia đình như một lời giải phù hợp trong trung hạn cho bài toán duy trì tăng trưởng kinh tế. Theo ước tính của VDSC, tín dụng tiêu dùng 2017 tăng trên 60% so với năm 2016 và dự đoán sẽ tăng trưởng trung bình 30% trong 3 năm tới. Tính tới cuối năm 2017, quy mô tín dụng tiêu dùng/GDP đạt khoảng 19%.

Đáng chú ý, Việt Nam không còn là quốc gia tiết kiệm nhất thế giới và người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu các khoản lớn cho du lịch, mua sắm, bảo hiểm y tế,…sau khi chi trả các chi phí sinh hoạt thiết yếu. Theo kết quả khảo sát của Nielsen, chỉ số niềm tin người tiêu dùng quý 2/2017 đạt 117 điểm, mức cao nhất trong 5 năm gần đây, và giúp Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 5 toàn cầu về mức độ lạc quan.

tin dung tieu dung mang den dong luc nao cho tang truong tin dung

Tín dụng tiêu dùng sẽ tác động tích cực tới kinh tế trung hạn

Ở trên góc độ vĩ mô, VDS đánh giá việc dịch chuyển dòng vốn tín dụng sang lĩnh vực hộ gia đình sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong trung hạn và san sẻ rủi ro trong nền kinh tế.

Cụ thể, tính tới 2016, đóng góp của tiêu dùng vào GDP Việt Nam đạt 71% và nằm trong top của khu vực Châu Á. Nhờ lợi thế dân số trẻ cùng xu hướng chi tiêu ngày càng mở, thị trường tiêu dùng Việt Nam đang gợi mở những trái ngọt cho các tổ chức tín dụng.

Theo khuyến nghị của IMF, việc tăng quy mô nợ hộ gia đình vẫn có tác động tích cực lên nền kinh tế khi tỷ trọng chiếm dưới 30% GDP và rủi ro khủng hoảng tài chính trong hệ thống ngân hàng gia tăng khi dư nợ hộ gia đình chiếm trên 70% GDP. Do đó, dư địa phát triển của ngành này vẫn còn khá lớn trong 3 năm tới.

Xét riêng hệ thống ngân hàng, thời gian qua, tỷ lệ lãi cận biên nhìn chung giảm và duy trì ở mức dưới 3%, thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Thailand (3,07%), Indonesia (5.82%) và Philippines (3,58%).

Trong bối cảnh đó, ngày càng nhiều ngân hàng và công ty tài chính đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng, bán lẻ,… nhằm bù đắp nguồn lợi nhuận. Nguồn vốn tín dụng cho vay tiêu dùng chủ yếu đến từ hệ thống ngân hàng, đạt 23,27 tỷ USD, tương đương 87,6%, trong năm 2016. Sự tham gia của các công ty tài chính nở rộ trong thời gian qua và cung cấp 12,4% tổng vốn vay tiêu dùng.

tin dung tieu dung mang den dong luc nao cho tang truong tin dung

Ở góc độ khác, dòng vốn tín dụng cũng gián tiếp góp phần thu hẹp hoạt động tín dụng ngầm trong nền kinh tế. Năm 2013, quy mô tín dụng ngầm ở mức 50 tỷ USD, tương đương 30% tổng dư nợ chính thức trong nền kinh tế. Tại Việt Nam, dù các sản phẩm của hệ thống tài chính ngầm còn thiếu và yếu nhưng không thể phủ nhận đây là một trong những kênh tín dụng phổ biến và tồn tại song hành với hệ thống ngân hàng.

Không chỉ cung cấp các khoảng vay nhỏ lẻ giữa các cá nhân trong nền kinh tế, dòng vốn tín dụng ngầm cũng được các doanh nghiệp SMEs tìm đến do gặp khó trong việc tiếp cận tín dụng ngân hàng. Ngoài ra, theo báo cáo của Global Financial Integrity (GFI), trong giai đoạn 2005 - 2014, quy mô dòng tiền phi chính thức ròng vào Việt Nam dao động trong khoảng 2-9% tổng giá trị xuất nhập khẩu, tương đương 33-150 tỷ USD.

Tiến Vũ