|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Người thu nhập thấp có nhất thiết phải sở hữu nhà ở không?

10:28 | 17/04/2024
Chia sẻ
Một số chuyên gia cho rằng nên cho thuê nhà ở xã hội bên cạnh việc bán, cho thuê mua. Tuy nhiên, cũng có chuyên gia cho rằng tư tưởng người thu nhập thấp chỉ cần thuê nhà ở là không ổn.

(Ảnh minh họa: TTXVN).

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến nay, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 156.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,79 triệu m2. Có 401 dự án đang triển khai với quy mô xây dựng khoảng 455.000 căn, với tổng diện tích khoảng 22,7 triệu m2.

Trong đó, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 175 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng 93.000 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 4,6 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai 274 dự án, quy mô xây dựng khoảng 293.000 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 14,6 triệu m2.

Ngoài ra, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án nhà ở công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ, tổng diện tích 3,1 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai (bao gồm các dự án đã được chấp thuận đầu tư và đang triển khai đầu tư xây dựng) 127 dự án với quy mô xây dựng khoảng 160.000 căn hộ, tổng diện tích 8 triệu m2.

Bộ Xây dựng đánh giá, với kết quả này, việc phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp chưa đáp ứng nhu cầu rất lớn cùng như yêu cầu đặt ra. Do đó việc phát triển nhà ở xã hội cần tập trung đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.

Liên quan đến gói hỗ trợ lãi suất 120.000 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đến nay vẫn rất thấp, chưa tới 1.000 tỷ đồng.

Chia sẻ tại "Hội nghị công bố Báo cáo thị trường bất động sản Việt Nam quý I/2024" do Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) tổ chức mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia nêu quan điểm: “Chúng ta nên quên gói 120.000 tỷ đi. Bởi đây là gói tín dụng do 4 ngân hàng quốc doanh đề xuất để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân, họ không có trách nhiệm phải cung cấp vốn cho thị trường. Thay vào đó, các doanh nghiệp phải tự thu xếp nguồn vốn, nếu có ưu đãi thì nên là Chính phủ đứng ra làm. Tôi cho rằng phải thiết kế một gói mới bên cạnh gói này và Chính phủ cần phải có một chiến lược tài chính nhà ở thực sự”

Chuyên gia cho hay, có một số người cho rằng người nghèo không nhất thiết phải sở hữu nhà ở mà đi thuê cũng được. “Tư tưởng đấy không được đâu. Người Việt Nam chúng ta không bao giờ có tư tưởng cả đời đi thuê nhà ở để có thể giáo dục con cái trở thành nhân tài. Tư tưởng của người Việt mình xưa nay ít nhiều gì cũng phải có miếng đất cắm dùi”, vị này nói.

Ông Nghĩa dẫn chứng thêm, Thủ tướng cũng từng nói rằng chính sách của Chính phủ không phải để đi xây nhà trọ mà là xây nhà ở cho dân.

“Thủ tướng dùng khái niệm rất hay nhà ở và nhà cho thuê mua. Thuê và về lâu về dài có thể mua. Phải là nhà ở, phải là sở hữu. Nếu không mua thì phải để cho bà con thuê mua. Nếu chúng ta có chính sách và quan điểm như vậy thì tôi nghĩ những khó khăn về nhà ở cho người thu nhập thấp có thể xử lý được”, ông Nghĩa nhận định.

Trước đó, một chuyên gia nêu quan điểm, chương trình nhà ở xã hội đang có nhiều vấn đề bất hợp lý. Dù người mua nhà ở xã hội đáp ứng đúng các điều kiện thì cũng không thể mua được, kể cả cho vay với lãi suất 0% vì thu nhập của họ rất thấp, thậm chí là không đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày. Việc trả nợ gốc theo đó đã khó chứ chưa nói đến trả lãi.

“Vì thu nhập thấp nên họ chỉ có thể đi thuê và Nhà nước nên hỗ trợ họ thuê nhà giá rẻ chứ không phải bán nhà giá rẻ cho họ. Trong bối cảnh hiện nay, việc duyệt bán nhà sai đối tượng tất yếu xảy ra vì không thể bán nhà cho đúng đối tượng được (vì những đối tượng này không tồn tại trong thực tế)”, vị này nói.

Theo chuyên gia, chương trình nhà ở xã hội cần phải thay đổi theo hướng Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp về đất đai và nguồn vốn. Đồng thời hỗ trợ đối tượng thu nhập thấp để họ có thể thuê nhà với giá thuê phù hợp. Khoản hỗ trợ này là không hoàn lại chứ không phải cho vay ưu đãi. Chỉ có như vậy mới khắc phục được hạn chế, bất cập, thậm chí là sai phạm và bất bình đẳng của chương trình nhà ở xã hội hiện nay.

Một số chuyên gia khác cũng cho rằng nên cho thuê nhà ở xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh thuê thì cũng nên cho phép mua bán để ai có đủ năng lực mua thì mua, ai không đủ thì thuê.

Công Tâm

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.