Chuyên gia lo thị trường chung cư có bong bóng
Tọa đàm đầu tư bất động sản do Tạp chí Đầu tư Tài chính tổ chức sáng 12/4 đề cập tình trạng phân khúc chung cư vẫn tăng trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa hết khó khăn. TS Lê Xuân Nghĩa gọi đây là hiện tượng "chung cư một mình một ngựa".
Ông dẫn chứng, nhiều khu vực tại Hà Nội ghi nhận đà tăng mạnh hơn 30%, thấp nhất cũng tăng 15%. Ví dụ, chung cư tại Khu đô thị Ciputra, quận Hồ Tây giờ hơn trăm triệu đồng mỗi m2. Một số tòa mới ở Khu đô thị Smart City, quận Nam Từ Liêm cũng trên 60 triệu đồng mỗi m2, thậm chí hơn 80 triệu đồng một m2.
Ông Nghĩa nói đây là "tốc độ đáng sợ" và "không tưởng tượng được ai sẽ mua được" khi giá liên tục leo thang. Lý do chung cư tăng nóng thời gian qua, theo ông, do cung cầu không còn cân đối, thậm chí đi ngược hướng vì cung liên tục giảm. Rổ hàng mới duy trì khan hiếm thời gian qua khiến nhu cầu dồn nén. Kết quả là giá nhà liên tục tăng.
Nguồn hàng sơ cấp hạn chế cũng kéo nguồn cung trên thị trường thứ cấp sụt giảm bởi nhóm người có nhà không muốn bán. "Ai cũng nghĩ giá nhà còn lên nữa nên không bán làm nguồn cung ách tắc khiến thị trường nguy cơ bong bóng", ông Nghĩa nói.
Giải pháp để hạ giá nhà được nhắc đến nhiều nhất là đẩy mạnh nguồn cung mới, tăng tính cạnh tranh cho thị trường, nhất là sản phẩm nhà ở xã hội, nhà giá rẻ. Tuy nhiên ông Nghĩa đánh giá đến nay, tiến độ triển khai, giải ngân vốn tín dụng cho nhà ở xã hội "gần như thất bại". Gói 125.000 tỷ đồng đến nay giải ngân với tốc độ rất chậm, chưa đạt 1% sau một năm triển khai. Chuyên gia cho rằng "không thể chỉ dựa vào ngân hàng để đẩy nhà ở xã hội lên" bởi ngân hàng cũng là tổ chức kinh doanh, ưu tiên lợi nhuận.
"Thiếu phân khúc cạnh tranh, chung cư đang một mình một ngựa trên thị trường nhà ở", TS Lê Xuân Nghĩa nói.
Cùng quan điểm, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho biết giá chung cư thời gian qua tăng nóng đến 30-40%. Nhiều chủ đầu tư chuẩn bị ra hàng cũng nâng giá bán. Ông cảnh báo điều này sẽ dẫn đến tình trạng giá chung cư "bong bóng", làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng phân khúc đang diễn ra trên thị trường.
TS Đinh Trọng Thịnh kiến nghị cơ quan quản lý cần tháo gỡ ách tắc pháp lý triệt để, thúc đẩy lượng sản phẩm ra thị trường, gia tăng sự cạnh tranh. "Nhà ở xã hội, nhà giá rẻ là giải pháp quan trọng để thay đổi tình trạng khủng hoảng phân khúc hiện nay", chuyên gia cho hay.
Ông Lê Xuân Nghĩa đánh giá Luật Đất đai mới tạo ra những cơ hội để khắc phục khó khăn đã tồn tại nhiều năm trên thị trường bất động sản. Ông kiến nghị đẩy nhanh các thủ tục pháp lý, xây dựng chương trình ưu đãi tín dụng mới với nhà ở xã hội, nhà giá rẻ để cân bằng thị trường, góp phần hạ giá chung cư.
Giá chung cư Hà Nội liên tục leo thang được nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường ghi nhận từ cuối năm ngoái đến nay. CBRE cho biết giá bán căn hộ mới tại Hà Nội tăng 19%, đạt trung bình 56 triệu đồng mỗi m2, chưa gồm VAT và phí bảo trì. Giá nhiều tòa chung cư cũ cũng nâng giá, tăng 17%, mức cao nhất từ trước đến nay. Điều này khiến chênh lệch giữa chung cư Hà Nội và TP HCM thu hẹp đáng kể, từ mức 35% hai năm trước về còn 10%.
Khảo sát mới đây của VnExpress với hơn 3.400 độc giả cho thấy gần một nửa người tham gia cho rằng giá chung cư Hà Nội đang bị "thổi cao" hơn giá trị sử dụng thật. Nhiều chuyên gia trong ngành cảnh báo giá chung cư tăng nóng có sự tham gia của một số tác nhân thổi giá nhằm hưởng lợi.