|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Người nuôi cá tra cũng hóng tỉ giá và thương chiến Mỹ - Trung

22:42 | 10/08/2019
Chia sẻ
Dù cho biết chưa bị ảnh hưởng nhiều nhưng các doanh nghiệp bày tỏ lo ngại việc xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc sẽ gặp khó khăn hơn, sau khi đồng nhân dân tệ giảm giá.
 - Ảnh 1.

Người nuôi cá tra bị lỗ bởi nguyên nhân liên tục lặp lại: nuôi quá nhiều, không theo quy hoạch - Ảnh: C.QUỐC

Theo Hiệp hội Cá tra VN, thị trường Trung Quốc và Hong Kong vẫn đang dẫn đầu với 24,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra VN, kế đến là EU (15%) và Mỹ (14,2%). 

Nếu xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó, chắc chắn ngành thủy sản VN nói chung và ngành cá tra nói riêng sẽ khó tránh khỏi bị vạ lây. Do đó, nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ phải tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu mới.

Người nuôi cá đang lỗ nặng

Dù giá cá tra có chiều hướng nhích lên trong những ngày đầu tháng này nhưng người nuôi vẫn đang lỗ. 

Tại vùng nuôi ở huyện Châu Thành (Đồng Tháp), giá cá tra nguyên liệu được mua ở mức 21.000 - 22.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với cách đây 1 tuần. Tuy nhiên, phần lớn người nuôi cá đã bán tháo khi giá cá tra xuống thấp trước đó.

Ông Minh - một hộ nuôi ở Long Xuyên (An Giang) - cho biết khi giá cá còn 19.500 - 20.000 đồng/kg, nhiều người nuôi cá đã phải bán tháo, chấp nhận chịu lỗ vì không biết tương lai thế nào trong khi càng duy trì ao nuôi càng tốn kém do phải mua thức ăn cho cá. 

Cũng theo ông Minh, giá có tăng nhẹ nhưng vẫn dưới giá thành, người nuôi vẫn còn lỗ.

Theo ông Trần Văn Hài, tổng giám đốc Công ty TNHH thủy sản Phát Tiến (Đồng Tháp), giá cá tra nguyên liệu đang ở dưới mức giá thành, nếu xuống thấp nữa chắc người nuôi càng lỗ nặng nên sẽ không muốn bán. 

Doanh nghiệp cũng xoay xở để tìm kiếm thị trường khác chứ không thể chấp nhận giảm giá hơn nữa.

Ông Thái An Lai - chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, cho rằng nguyên nhân chính khiến giá cá tra giảm sâu là do cung vượt cầu. Sau vụ cá tra năm 2018 thắng lớn, có thời điểm lên tới 36.000 - 38.000 đồng/kg, nhiều hộ dân đã mở rộng ao nuôi khiến sản lượng cá tra trong năm 2019 tăng đột biến.

"Một nguyên nhân khác là do tác động của việc tăng thuế bán phá giá ở thị trường Mỹ. Ngoài ra, quy định xuất khẩu theo đường chính ngạch sang thị trường Trung Quốc ngày càng siết chặt cũng góp phần kéo giá cá tra giảm mạnh" - ông Lai cho biết.

Nuôi cá ngó tỉ giá

Ông Trương Vĩnh Thành - phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai - bày tỏ lo lắng rằng hoạt động xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là cá tra, sẽ gặp khó khi xuất sang thị trường Trung Quốc, sau khi đồng nhân dân tệ giảm giá. 

"Đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh nên giá cá tra VN xuất sang thị trường này sẽ trở nên đắt đỏ hơn với người tiêu dùng Trung Quốc, từ đó họ cân nhắc khi mua sản phẩm này" - ông Thành nói.

Theo ông Thành, trong bối cảnh giá cá tra đang ở mức thấp, việc gặp khó trong xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường đang tiêu thụ mạnh sản phẩm cá tra VN - chắc chắn sẽ gây nhiều khó khăn không chỉ với doanh nghiệp xuất khẩu mà người nuôi cá cũng vạ lây. 

Do đó, theo ông Thành, doanh nghiệp này cũng chủ động tìm kiếm và mở rộng thêm nhiều thị trường xuất khẩu khác thay vì phụ thuộc thị trường Trung Quốc.

Ông Nguyễn Văn Đạo, tổng giám đốc Công ty Gò Đàng (Khu công nghiệp Mỹ Tho, Tiền Giang) cũng cho biết một số lô hàng giao dịch với đối tác Trung Quốc trong những ngày đầu tháng này đã bắt đầu gặp khó, dù chưa đến mức độ nghiêm trọng. 

Tuy nhiên, theo ông Đạo, chắc chắn hoạt động xuất khẩu thủy sản sang thị trường này trong thời gian tới sẽ khó khăn hơn. 

Do đó, ông Đạo kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ có chính sách điều chỉnh tỉ giá VND phù hợp để hạn chế khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Ông Trương Vĩnh Thành cho rằng ngoài tỉ giá, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản VN cũng gặp khó với nhiều rào cản kỹ thuật do Trung Quốc dựng lên. 

Từ đó, ông Thành kiến nghị Nhà nước cần có chính sách quản lý vùng nuôi hiệu quả hơn, không để tự phát.

Lo giá tôm bị vạ lây

Những ngày qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên địa bàn Cà Mau gặp nhiều khó khăn do đồng nhân dân tệ mất giá.

Là doanh nghiệp xuất khẩu tôm nhiều sang thị trường Trung Quốc, ông Trần Văn Trung - giám đốc Công ty TNHH thủy sản Anh Khoa - cho biết trong hơn nửa tháng nay, việc xuất khẩu sản phẩm sang thị trường này bắt đầu gặp khó, lượng mua giảm lại.

"Khi nhân dân tệ mất giá, công ty bị ảnh hưởng rất nhiều, vì công ty xuất khẩu 90% sang Trung Quốc. Nhân dân tệ giảm giá sẽ ảnh hưởng đến giá xuất khẩu, giá tôm mua trong dân cũng bị vạ lây" - ông Trung nói.

Nuôi nhiều nhưng kim ngạch xuất khẩu giảm

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tính đến ngày 31-7, toàn vùng ĐBSCL sản xuất được 15-17 tỉ con cá bột và cho sản lượng khoảng 3,5 tỉ con cá giống, diện tích ương dưỡng cá tra giống đạt khoảng 6.000ha.

Hầu hết các tỉnh đều có sản lượng tăng so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó các tháng đầu năm 2019, giá cá nguyên liệu 30.000-31.000 đồng/kg, đến tháng 3-2019 còn 25.000 đồng rồi giảm liên tục, hiện chỉ còn 19.500-21.500 đồng/kg.

Tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,043 tỉ USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ 2018. Trong đó thị trường Trung Quốc và Hong Kong đứng đầu, đạt 283,7 triệu USD; Mỹ đạt 156,2 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ 2018.

Mở thêm thị trường mới cho cá tra

photo-2

Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc gặp khó do đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh - Ảnh: B.ĐẤU

Chiều 9-8, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT tổ chức cuộc họp "Đánh giá tình hình sản xuất, tiêu thụ và bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu cá tra các tháng cuối năm 2019".

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện các địa phương cho rằng đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh sẽ khiến hoạt động xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc trong thời gian tới gặp khó khăn hơn, ảnh hưởng chung đến toàn ngành thủy sản.

Thuế chống bán phá giá của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (POR 14) đã tác động đến kim ngạch xuất khẩu thủy sản VN.

Trong khi đó, các nước trong khu vực đang có xu hướng gia tăng nuôi cá tra như: Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia và Trung Quốc, với diện tích thả nuôi cá tra ngày càng lớn.

Cũng tại cuộc họp, Tổng cục Thủy sản khuyến cáo các địa phương phải tăng cường phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định mới của Trung Quốc; thường xuyên cập nhật diễn biến để chủ động có các giải pháp kịp thời.

Với thị trường Hoa Kỳ, tập trung giải quyết các rào cản (POR 14, Farm Bill...); khơi thông lại thị trường Saudi Arabia; tăng cường công tác xúc tiến thương mại tại các thị trường truyền thống và các thị trường mới...

Bửu Đấu


T.Nhơn - B.Đấu - T.Tú - C.Quốc - Ng. Hùng

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.