Người lao động thắng kiện doanh nghiệp
Bà Lê Thị Bình và luật sư Lê Tấn Tý (Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn) tại Tòa án nhân dân TP.Biên Hòa. Ảnh: N.An
Tòa đã chấp nhận nội dung đơn khởi kiện của bà Bình, buộc công ty phải bồi thường các khoản liên quan với tổng số tiền hơn 182 triệu đồng.
* Sa thải trái luật
Trước đây, bà Bình được Công ty nguyên liệu thuốc lá Nam (đây là doanh nghiệp nhà nước nằm trong hệ thống Tổng công ty thuốc lá Việt Nam) nhận vào làm việc từ tháng 3-1998. Đến năm 2004, công ty cổ phần hóa chuyển thành Công ty cổ phần Hòa Việt, bà Bình vẫn tiếp tục làm việc cho công ty theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn; công việc của bà là công nhân phân loại chế biến lá thuốc, với mức lương trước khi bị điều chuyển công việc là trên 6,1 triệu đồng/tháng.
Ngoài công việc chuyên môn, bà Bình còn tham gia công tác Công đoàn và đã có hơn 10 năm làm Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Bộ phận sản xuất 1 của công ty. Tháng 12-2017, bà được công nhân lao động tin tưởng bầu làm Phó chủ tịch Công đoàn Bộ phận sản xuất 1 của công ty trong nhiệm kỳ 5 năm.
Trong năm 2016 và 2017, do tình hình sản xuất gặp khó khăn nên công ty bố trí cho bà Bình ngừng việc với tổng cộng 84 ngày và có trả lương ngừng việc cho bà. Tuy nhiên, bà Bình sau đó phát hiện những sai phạm của công ty về chi trả lương ngừng việc không đúng đối với mình và nhiều công nhân lao động khác. Cụ thể, công ty trả lương ngừng việc bằng mức lương tối thiểu vùng mà không thương lượng với người lao động (theo Khoản 3, Điều 98 của Bộ luật Lao động). Với vai trò là cán bộ Công đoàn, bà mạnh dạn đứng ra bảo vệ quyền lợi cho mình và những người lao động khác.
Trong khi vụ việc trên đang chờ cơ quan chức năng giải quyết thì ngày 22-3-2018, công ty ra quyết định điều chuyển bà Bình sang làm việc tại bộ phận nhà ăn. Tuy nhiên, bà Bình không chấp hành vì cho rằng quyết định điều chuyển trên không đúng theo quy định pháp luật. Phía công ty thì cho rằng, bà Bình tự ý bỏ việc không có lý do chính đáng nên ngày 5-7-2018 công ty họp xét kỷ luật và ra quyết định sa thải người lao động. Bà Bình không đồng ý với quyết định sa thải nên làm đơn khởi kiện để nhờ tòa phân xử và bảo vệ quyền lợi cho mình.
* Công ty phải khắc phục hậu quả
Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Công ty cổ phần Hòa Việt cho rằng, hành vi bỏ việc của bà Bình đã vi phạm Khoản 15, Điều 12 và Khoản 3, Điều 21 của nội quy công ty. Trước khi sa thải, công ty nhiều lần gặp gỡ bà Bình để trao đổi, thậm chí còn nhắc nhở bằng văn bản, nhưng người lao động vẫn không chấp hành. Công ty đã họp xét kỷ luật với đầy đủ thành phần theo quy định và cũng có trao đổi nhất trí với bên Công đoàn công ty về việc sa thải bà Bình. Hơn nữa, trong HĐLĐ có ghi điều khoản thỏa thuận “người lao động có nghĩa vụ chấp hành sự điều động của công ty” nên việc bà Bình không chấp hành sự điều động là vi phạm HĐLĐ.
Tuy nhiên, theo luật sư Lê Tấn Tý, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh), trong HĐLĐ của bà Bình có thể hiện nội dung: điều chuyển người lao động qua làm việc khác theo sự điều động của công ty, nhưng việc điều động đó không phải diễn ra một cách tùy tiện, vô điều kiện mà phải nằm trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Trường hợp này, công ty điều chuyển trái pháp luật nên việc bà Bình không chấp hành là có cơ sở.
Hơn nữa, sự việc của bà Bình cũng đã được Thanh tra Sở Lao động - thương binh và xã hội có văn bản kết luận rằng: Công ty điều chuyển bà Bình qua bộ phận nhà ăn là sai và việc công ty sa thải bà Bình cũng trái pháp luật. Do vậy, luật sư Lê Tấn Tý kiến nghị tòa yêu cầu công ty phải thu hồi quyết định sa thải, khắc phục mọi quyền lợi cho người lao động.
Theo Hội đồng xét xử TAND TP.Biên Hòa nhận định, công ty có ban hành nội quy, tuy nhiên trong nội quy chưa quy định cụ thể các trường hợp xảy ra nào được xác định do “nhu cầu sản xuất kinh doanh” là trái với quy định tại Khoản 2, Điều 8 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12-1-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động. Do đó, việc bà Bình không chấp hành việc điều động là đúng. Mặt khác, bà Bình là cán bộ Công đoàn nhưng trước khi ra quyết định sa thải, công ty chưa có thỏa thuận với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở là không phù hợp với quy định tại Khoản 7, Điều 192 Bộ luật Lao động.
Từ những nhận định trên cho thấy, việc công ty ra quyết định sa thải bà Bình với lý do bỏ việc quá 5 ngày trong 1 tháng là trái pháp luật. Vì vậy, tòa chấp nhận nội dung đơn khởi kiện của bà Bình và buộc công ty phải bồi thường cho người lao động tổng số tiền hơn 182 triệu đồng (tiền lương trong những ngày không được làm việc, bồi thường 2 tháng lương do sa thải trái luật, trả tiền trợ cấp thôi việc và tiền trợ cấp thất nghiệp). Ngoài ra, công ty phải có nghĩa vụ truy đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian bà Bình không được làm việc theo quy định của pháp luật.
Trước đó, bà Lê Thị Bình cũng thắng kiện Công ty cổ phần Hòa Việt trong vụ lao động tranh chấp tiền lương ngừng việc. TAND tỉnh đã tuyên xử chấp nhận nội dung đơn khởi kiện của bà Bình và buộc công ty phải trả cho bà Bình khoản tiền lương ngừng việc còn thiếu của năm 2016, 2017 là hơn 7,8 triệu đồng. |