'Người hùng' chèo lái con thuyền suýt đắm Nissan
Nissan khởi nghiệp tại Yokohama vào năm 1933, khi những chiếc xe hơi đầu tiên được làm bằng tay và họ chỉ sản xuất được 500 chiếc xe mỗi năm. Trong nhiều thập kỷ, công ty đã trở thành tên tuổi mạnh trong ngành công nghiệp, xuất khẩu ô tô khắp thế giới mà sản phẩm điển hình là những mẫu xe thể thao được mong đợi nhất hành tinh, như mẫu xe 240Z huyền thoại. Từ những năm 1950 đến 1970, công ty đã lớn mạnh đáng kinh ngạc với doanh số bán hàng ở Mỹ vượt 500.000 xe một năm.
Nhưng đến những năm 1990, Nissan bước thụt lùi do các mẫu xe trở nên nhàm chán. “Dấu hiệu đầu tiên cho thấy Nissan suy yếu đến từ thiết kế của nó”, Giáo sư chuyên ngành quản lý và tổ chức trường ĐH Quốc gia Singapore nhận định.
Ông Carlos Ghosn được ghi nhận là Tổng Giám đốc người nước ngoài nổi tiếng nhất trong lịch sử Nhật Bản |
Lựa chọn tốt nhất - bán cho người ngoài
Khi doanh số giảm, công ty nỗ lực tháo gỡ bằng cách tung ra thị trường những chiếc xe con dạng hình hộp, thiếu đi những kiểu dáng đẹp đã làm nên tên tuổi của Nissan. Họ cũng khiến cho khách hàng bị rối khi đưa ra hàng chục loại vô lăng gắn với những mẫu nội thất khác nhau để khách lựa chọn. Với chi phí sản xuất tăng lên, Nissan thua lỗ khoảng 1.000 USD cho mỗi chiếc xe bán ra trên thị trường Mỹ vào những năm 1990.
Năm 1993, Nissan thua lỗ 1 tỷ USD, lần đầu tiên trong 50 năm công ty không có lợi nhuận và đến năm 1999, họ quay cuồng với món nợ gần 20 tỷ USD. Đến năm 1999, họ trở nên tuyệt vọng và bắt đầu tìm kiếm người cứu vớt. Phó Chủ tịch phụ trách thiết kế toàn cầu của
Nissan, ông Alfonso Albaisa nhớ lại, một số công ty nội địa được chào mời nói rằng không quan tâm đến việc mua lại Nissan. Tuy nhiên, hãng Renault của Pháp lại để ý đến “con tàu đang chìm” này.
Bên bờ vực phá sản, công ty 84 năm tuổi với tên gọi nghĩa là “sản xuất tại Nhật Bản” đã quyết định làm một điều không tưởng: Nhượng quyền cho một người nước ngoài, ông Carlos Ghosn, khi đó là Chủ tịch của Hãng xe Pháp Renault. Tháng 3-1999, nhà sản xuất xe hơi Pháp đã mua 36,8% cổ phần của Nissan, tạo ra liên doanh Renault - Nissan.
Công ty gần như bị phá sản, vì các ngân hàng đã ngừng cho vay tiền. Không chỉ được cứu nhờ tiền của Renault, Nissan còn tìm được vị cứu tinh của mình, ông Carlos Ghosn, người đã thay đổi Nissan hoàn toàn để trở thành hãng xe hơi hàng đầu thế kỷ XXI.
Đội ngũ nhân viên Nissan làm việc theo nhóm chức năng và được khuyến khích thử nghiệm mọi ý tưởng mới |
Cuộc “cách mạng” của vị tân Tổng Giám đốc
Nói chính xác là Nissan đã thuê được một người cực kỳ có kinh nghiệm trong ngành công nghiệp xe hơi. Ông Ghosn đã làm ở nhiều vị trí tại công ty lốp xe Michelin trước khi trở thành Trưởng bộ phận Nam Mỹ của hãng ở tuổi 30. Làm Phó chủ tịch hãng xe hơi Renault từ năm 1996, ông là người có công lớn trong việc phục hưng tên tuổi của hãng và được báo chí Pháp ca ngợi về giải pháp cắt giảm chi phí đáng kinh ngạc.
Người ta đã đặt câu hỏi, liệu ông chủ này có thể làm gì cho hãng? Một lãnh đạo nước ngoài hòa nhập với nền văn hóa Nhật Bản như thế nào, đơn giản nhất là sự khác biệt về ngôn ngữ? Nhưng ông Ghosn đã biến những điều đó thành lợi thế của mình. Cụ thể, tân Tổng Giám đốc Nissan đã đi trước một bước, giữ đúng biệt danh của mình, cắt giảm chi phí bằng cách đóng cửa 5 nhà máy thua lỗ, cắt giảm chi phí tiền lương của Nissan bằng cách cắt giảm 20.000 nhân công trong số khoảng 150.000 lao động.
Nhà lãnh đạo mới đã đến thăm tất cả các cơ sở của Nissan trên khắp thế giới để tìm hiểu quan điểm cũng như sự hiểu biết của nhân viên về Nissan. Ông cho phép mọi người đều có quyền đóng góp ý kiến, thậm chí khuyến khích đưa ra những nhận xét về thiếu sót, hạn chế của công ty. “Mọi người đều biết rằng họ có quá nhiều kế hoạch, quá nhiều nhà cung cấp, quá nhiều mẫu mã... Trong bối cảnh đặc biệt đó, mọi người không chỉ nói về các vấn đề tiêu cực trong lúc trò chuyện mà được phép trình bày thẳng thắn”, Giáo sư Pokarier nói.
Hồi sinh và tiên phong trong lĩnh vực mới
Ông Ghosn sớm được gọi bằng biệt danh 7-11 bởi vì ông thường đến văn phòng lúc 7h sáng và rời công ty lúc 10 - 11h đêm trong những năm đầu tiên. Sau khi để đội ngũ nhân viên Nissan đối thoại lần nữa, ông đã bố trí cho họ làm việc trong các nhóm chức năng đa chức năng mà ông đã áp dụng hiệu quả tại
Michelin. Phương pháp này đã buộc những người có các chức năng khác nhau, chẳng hạn như các kỹ sư và nhà thiết kế, không phân biệt tuổi tác và giới tính cùng nhau giải quyết các vấn đề của công ty. Đó chính là yếu tố then chốt cho sự hồi sinh của Nissan.
Năm 2001, chưa đầy 2 năm sau khi gia nhập Nissan, ông Ghosn đã công bố lợi nhuận gần 3 tỷ USD, mức cao nhất mà họ từng đạt được. Năm đó, ông trở thành Giám đốc điều hành nhưng hiểu rằng đó không phải chiếc ghế để nghỉ ngơi. Bước tiếp theo là hiện đại hóa những chiếc xe mới của Nissan, bằng việc phối hợp với ông Alfonso Albaisa - người phụ trách thiết kế của Nissan. Giai đoạn này, các nhà thiết kế được khuyến khích thử nghiệm những ý tưởng mới về mọi khía cạnh, từ giao diện của hệ thống định vị toàn cầu đến hình dạng của chiếc xe. Những khách hàng từng quay lưng với Nissan sẵn sàng góp ý và vì thế, Nissan tiệm cận với xu hướng tiêu dùng hơn.
Trong khi Nissan trở thành thương hiệu dẫn đầu về dòng xe kết hợp dáng thể thao với kiểu hatchback (xe có khoang hành lý kèm 1 cửa ngược phía sau lên), năm 2010, hãng này đã dấn thêm một bước khi cho ra đời Nissan Leaf - chiếc xe chạy hoàn toàn bằng điện, đánh dấu sự trở lại vị trí tiên phong trong ngành sản xuất xe hơi. Thực tế là phát hiện xu thế này, Honda và Toyota bắt đầu tham gia vào cuộc chạy đua sản xuất xe điện.
Nissan đã bán được gần 300.000 chiếc Leaf, làm cho dòng xe này trở thành chiếc xe điện bán chạy nhất thế giới, đánh dấu kỳ tích mới của ông Ghosn trong 18 năm làm việc với Nissan. Hãng Nissan hiện là một trong những thương hiệu xe hơi hàng đầu của châu Á với lợi nhuận năm gần đây nhất là gần 7 tỷ USD. Tháng 4 vừa qua, ông Ghosn đã từ chức, khép lại kỷ nguyên từ một người ngoài cuộc trở thành vị Tổng Giám đốc người nước ngoài nổi tiếng nhất trong lịch sử Nhật Bản và ông vẫn giữ chức Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Renault.