|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Người đồng sáng lập Facebook chống Facebook

19:05 | 28/07/2019
Chia sẻ
Chris Hughes, bạn học của ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg, đồng thời là người đồng sáng lập Facebook, đang tham gia cuộc vận động chống độc quyền nhằm vào chính công ty mạng xã hội này.
Người đồng sáng lập Facebook chống Facebook - Ảnh 1.

Chris Hughes (trái) và Mark Zuckerberg hồi năm 2005. Ảnh: Getty

Chris Hughes cùng Mark Zuckerberg là những người đồng sáng lập Facebook. Từ thời sinh viên, Hughes đã cùng Mark Zuckerberg trong một phòng ký túc xá ở Đại học Harvard bàn thảo kế hoạch xây dựng Facebook từ con số không. 

Ông chịu trách nhiệm không chính thức cho quá trình thử nghiệm beta của nền tảng này và đưa ra nhiều đề xuất phát triển sản phẩm.

Ngoài Chris Hughes, có ba người bạn học khác hỗ trợ Zuckerberg phát triển Facebook gồm Eduardo Saverin, Andrew McCollum và Dustin Moskovitz.

Giờ đây, Hughes đang bàn luận với các cơ quan quản lý để thuyết phục lý do Facebook cần phải bị giải thể bằng cách xé nhỏ ra thành nhiều công ty.

Trong những tuần gần đây, Hughes cùng hai giáo sư về luật chống độc quyền Scott Hemphill ở Đại học New York và Tim Wu ở Đại học Columbia đã tham gia các cuộc họp với các quan chức của Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC), Bộ Tư pháp Mỹ và các tổng chưởng lý của các bang. 

Trong các cuộc họp này, cả ba trình bày lý lẽ để tiến hành một vụ kiện chống độc quyền nhằm vào Facebook.

Họ cho rằng trong gần một thập kỷ,  Facebook đã tiến hành “hàng loạt vụ thâu tóm phòng vệ” để bảo vệ vị thế thống lĩnh trên thị trường mạng xã hội, theo nội dung bản thuyết trình slide đã chiếu cho các quan chức xem.

Họ cho rằng động thái thâu tóm các đối thủ mới nổi có thể cho phép Facebook tính phí quảng cáo trực tuyến cao hơn đối với khách hàng và có thể khiến người dùng chịu đựng những trải nghiệm tệ hại hơn.

Sự tham gia của Hughes trong các cuộc họp này gây chú ý vì rất ít các nhà sáng lập vận động giải thể công ty mà họ đã góp sức tạo ra.

Khi sự giám sát đối với các công ty công nghệ lớn trên thế giới gia tăng trong năm qua, các khiếu nại chống lại họ chủ yếu đến từ các đối thủ cạnh tranh hoặc giới học giả.

Hôm 24-7, Facebook xác nhận FTC đã khởi động cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào công ty này. Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ và các nhà làm luật Mỹ cũng bắt đầu tiến hành cuộc thẩm tra chống độc quyền rộng rãi đối với ngành công nghệ.

Vẫn chưa rõ mức độ mà Hughes đang đóng góp trong cuộc vận động chống Facebook với các cơ quan quản lý. Hughes đã rời Facebook cách đây hơn 10 năm và kể từ đó, ông ngày càng gia tăng chỉ trích mạng xã hội này.

Song Hughes có thể, chẳng hạn, cung cấp cho các nhà điều tra các manh mối dẫn đến các nhân viên hiện tại và cựu nhân viên của Facebook cũng như các đối thủ cạnh tranh để họ tiến hành thẩm vấn hoặc gửi lệnh triệu tập đến tòa làm nhân chứng.

Trong những tháng qua, Hughes, người kiếm được hàng trăm triệu đô la Mỹ trong thời gian còn làm việc ở Facebook, chỉ trích mạnh mẽ quyền lực thị trường quá lớn của Facebook đồng thời kêu gọi chính phủ hành động.

Trong một bài xã luận đăng trên tờ New York Times hồi tháng 5, ông viết:

“Chúng ta là một quốc gia có truyền thống kiểm soát các công ty độc quyền dù lãnh đạo của các công ty này có dụng ý tốt như thế nào đi nữa”.

Hughes cho rằng quyền lực mà Facebook và người đồng sáng lập Zuckerberg, người bạn đại học cũ của ông, đang nắm giữ là “chưa có tiền lệ”. Ông kết luận: “Đã đến lúc phải giải thể Facebook”.

Trong cuộc trò chuyện với hãng tin CNBC hồi tháng trước, Hughes nói rằng ông vẫn xem Zuckerberg là bạn và không có bất kỳ ác cảm cá nhân nào đối với Zuckerberg. Song ông cho rằng: “Vấn đề là quyền lực của ông ấy đã phát triển quá lớn vì chúng ta không quản lý các thị trường của chúng ta theo cách phải làm”.

Trong bản thuyết trình slide, Hughes và hai giáo sư luật chống độc quyền cho rằng Facebook, thành lập vào năm 2004, thành công trong những năm đầu tiên nhờ làm tốt hơn các đối thủ bao gồm Myspace bằng cách cung cấp một mạng xã hội ưu việt hơn bao gồm ít quảng cáo và cam kết bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.

Song đến năm 2010, Facebook đã vội vã điều chỉnh chiến lược kinh doanh để thích ứng với nền tảng smartphone cũng như ứng phó với sự trỗi dậy của các dịch vụ mạng xã hội mới bao gồm chia sẻ hình ảnh.

Người đồng sáng lập Facebook chống Facebook - Ảnh 2.

Chris Hughes và hai giáo sư chống độc quyền cho rằng Facebook để tiến hành chiến lược thâu tóm các đối thủ tiềm tàng để dập tắt cạnh tranh. Ảnh: New York Times.

Họ cho rằng nỗ lực này của Facebook được thực hiện bằng chương trình thâu tóm các đối thủ tiềm tàng. Các thương vụ thâu tóm đình đám nhất của Facebook bao gồm chi 1 tỉ đô la để mua lại mạng xã hội chia sẻ hình ảnh Instagram vào năm 2012 và “nuốt chửng” ứng dụng nhắn tin WhatsApp với giá 19 tỉ đô la vào năm 2014.

Hồi tuần trước, tại cuộc điều trần trước một tiểu ban chống độc quyền tại Hạ viện Mỹ, Matt Perault, Giám đốc chính sách cộng đồng của Facebook được các nghị sĩ yêu cầu nêu tên các đối thủ của Facebook.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo này tỏ ra lưỡng lự và đã không cung cấp danh sách các đối thủ. Giáo sư Tim Wu, người cũng tham gia cuộc điều trần này, nói: “Facebook không thể nêu tên các đối thủ vì công ty này đã mua hết chúng”.

Tuy nhiên, trong văn bản trả lời, Matt Perault, liệt kê một loạt các đối thủ bao gồm Snapchat, Telegram, Twitter và YouTube. 

Ông mô tả các vụ thâu tóm các công ty như WhatsApp và Instagram như là “các khoản đầu tư cho sáng tạo” và khẳng định đây là các dịch vụ mới dành cho người dùng mà Facebook củng cố và mở rộng bằng tiền bạc và các nguồn lực khác.

Song bản thuyết trình của Hughes và hai vị giáo sư lại cho rằng chiến lược thâu tóm có thể là một thủ thuật bất hợp pháp để bảo vệ tình trạng độc quyền của Facebook khỏi bị áp lực cạnh tranh.

 Liệu FTC có theo đuổi điều tra nghi vấn này hay không vẫn chưa rõ bởi các cuộc điều tra của FTC có thể kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm và thường tiến hành bí mật. Tuy nhiên, các chuyên gia về luật chống độc quyền cho rằng các cuộc thâu tóm của Facebook có thể là “mục tiêu hứa hẹn nhất” cho một cuộc điều tra chống độc quyền.

Gene Kimmelman, cựu quan chức cấp cao về chống độc quyền ở Bộ Tư pháp Mỹ và hiện nay là cố vấn cấp cao của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Public Knowledge, cho rằng yếu tố then chốt là phải tập hợp được bằng chứng chứng minh rằng Facebook cố ý tiến hành chiến dịch thâu tóm các công ty được xem là các mối đe dọa trong tương lai, dù chúng chỉ là những công ty khởi nghiệp non trẻ vào thời điểm bị Facebook thâu tóm.

Tiếp đó, các nhà điều tra có thể phải chứng minh các tổn hại kinh tế, chẳng hạn phí cao hơn mà Facebook thu từ các nhà quảng cáo hay dịch vụ cho người dùng bị xuống cấp.


Khánh Lan