|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Người dân Thủ Thiêm: Thanh tra Chính phủ chưa chỉ rõ cá nhân sai phạm

21:28 | 29/06/2019
Chia sẻ
Cử tri quận 2 cho rằng quyền lợi bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dự án nhưng cũng chưa được nhắc tới trong kết luận mới nhất.

Chiều 29/6, tổ đại biểu đơn vị 2 HĐND TP HCM do ông Nguyễn Văn Hiếu (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy) dẫn đầu, tiếp xúc cử tri quận 2 trước kỳ họp diễn ra ngày 11/7.

Như những lần tiếp xúc cử tri trước, vấn đề khiếu kiện ở Thủ Thiêm tiếp tục được người dân đề cập, nhất là trong bối cảnh Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có thông báo 1041 - kết luận một loạt sai phạm của TP HCM và các sở ngành trong quá trình thực hiện dự án Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm.

Người dân Thủ Thiêm: Thanh tra Chính phủ chưa chỉ rõ cá nhân sai phạm - Ảnh 1.

Cử tri Phạm Văn Thoi cầm tập hồ sơ liên quan đến dự án Thủ Thiêm khi phát biểu. Ảnh: Hữu Khoa.

Ông Nguyễn Xuân Đức (ngụ phường Cát Lái) nói rằng, người dân quận 2 kỳ vọng được tận hưởng những thành quả lớn sau khi KĐTM Thủ Thiêm được quy hoạch. Nhưng suốt 20 năm qua họ phải ly tán khắp nơi để mua nhà, bán nhà, ở trọ. "Kết luận của Chính phủ chỉ nói đến cơ quan nào vi phạm, tổ chức nào làm sai, chứ chưa nhắc gì đến đời sống người dân. Đây là đại án của cả nước, chứ không phải của riêng quận 2", ông Đức nói.

Cùng quan điểm, bà Lê Thị Bạch Tuyết không đồng tình với kết luận mới nhất của TTCP vì không nói đến "những nạn nhân" của các sai phạm.

Người dân đề nghị chỉ rõ sai phạm ở Thủ Thiêm. Video: Trần Huy.

Cử tri Nguyễn Thị Hà (ngụ phường Bình An) nói rằng, cả hai kết luận của TTCP về dự án Thủ Thiêm chưa ghi tên các cán bộ, lãnh đạo sai phạm cần kiểm tra. Vì vậy, bà đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc, như vậy mới đáp ứng được mong đợi của người dân.

"Thành phố đã sai phạm nhiều năm như vậy nhưng vì sao với quyền giám sát của mình các đại biểu HĐND không phát hiện ra. Chúng tôi cần TTCP làm rõ các sai phạm của lãnh đạo, sau đó làm rõ vấn đề ranh quy hoạch rồi mới đến đền bù cho dân", bà Hà nói và đề nghị phải khởi tố vụ việc chính quyền cưỡng chế, thu hồi 4,3 ha đất của khu phố 1, phường Bình An, nằm ngoài ranh quy hoạch; 160 ha đất tái định cư bị giao cho các doanh nghiệp...

Người dân Thủ Thiêm: Thanh tra Chính phủ chưa chỉ rõ cá nhân sai phạm - Ảnh 3.

Cử tri Nguyễn Thị Hà đề nghị phải khởi tố vụ việc cưỡng chế sai quy định. Ảnh: Hữu Khoa.

Cầm micro quay xuống dưới hội trường, cử tri Phạm Văn Thoi (phường Cát Lái) cho biết cũng là một trong những nạn nhân của dự án Thủ Thiêm. Ông xin được "cúi đầu thành thật xin lỗi bà con Thủ Thiêm" vì từng là người đại diện chính quyền địa phương đi vận động người dân di dời nhà cửa, bàn giao mặt bằng để làm dự án.

"Vai trò giám sát của HĐND thành phố qua bao nhiêu nhiệm kỳ ở đâu? Sai phạm ở Thủ Thiêm đã diễn ra 20 năm nay, chưa khi nào thấy đại biểu HĐND có ý kiến về bất cập của dự án này tại nghị trường", ông Thoi nói, vẻ bức xúc. "Đề nghị HĐND thành phố phải rà soát, thống kê cuộc sống của người dân Thủ Thiêm phải di dời hiện khó khăn thế nào".

Sau hơn 2 tiếng lắng nghe, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết đã ghi nhận tất cả ý kiến cử tri quan tâm như: xác định ranh quy hoạch, giải quyết khiếu nại khu 160 ha tái định cư, kiểm toán dự án tái định cư... Ông cam kết báo cáo đầy đủ lên các cấp, ban, ngành liên quan, phối hợp với UBND để có câu trả lời sớm nhất cho người dân.

"UBND thành phố đang tham mưu với Thành ủy triển khai thực hiện kết luận của TTCP trong thời gian tới để đảm bảo quyền lợi của người dân. Chúng tôi sẽ giám sát quá trình này để kịp thời báo cáo với cử tri", ông Hiếu nói.

Dự kiến đầu tháng 7 UBND TP HCM họp báo, công bố nhiều nội dung liên quan kết luận của TTCP về Thủ Thiêm và các bước triển khai thực hiện.

Người dân Thủ Thiêm: Thanh tra Chính phủ chưa chỉ rõ cá nhân sai phạm - Ảnh 4.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Hiếu trả lời ý kiến của cử tri quận 2. Ảnh: Hữu Khoa.

Hôm 26/6, TTCP công bố thông báo 1041 chỉ ra nhiều sai phạm của UBND TP HCM và các sở ngành tham mưu trong quá trình triển khai dự án KĐTM Thủ Thiêm như: chỉ định nhà đầu tư các dự án hạ tầng BT không đúng; sai sót trong quá trình phê duyệt tổng mức các dự án BT; tạm ứng ngân sách sai quy định...

Chính quyền thành phố được yêu cầu thu hồi hơn 26.000 tỷ đồng tạm ứng từ ngân sách để đầu tư cho KĐTM Thủ Thiêm sai quy định, khắc phục hàng nghìn tỷ đồng phê duyệt không đúng ở các dự án BT.

Trước đó, trong thông báo 1483 công bố ngày 7/9/2018, TTCP đã chỉ ra một loạt sai phạm của UBND thành phố cùng các sở ngành trong việc thu hồi 4,3 ha (khu phố 1, phường Bình An) nằm ngoài ranh quy hoạch; bồi thường, thu hồi đất không đúng Luật Đất đai; lấy đất tái định cư cho doanh nghiệp làm 51 dự án nhà ở, văn phòng, khu vui chơi, giải trí... khiến không đủ đất bố trí tái định cư, phá vỡ quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt. Việc xây dựng KĐTM Thủ Thiêm bị đình trệ do người dân khiếu nại kéo dài, cuộc sống nhiều người bị ảnh hưởng...

Bắt đầu triển khai quy hoạch từ năm 1996, KĐTM Thủ Thiêm tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn, đối diện quận 1 (cách 300 m đường chim bay), được kỳ vọng đẹp nhất Đông Nam Á. Đây là trung tâm hiện đại và mở rộng của TP HCM, có các chức năng về tài chính, văn hoá, thương mại, dịch vụ cao cấp, nghỉ ngơi, giải trí...

KĐTM Thủ Thiêm với quy mô 930 ha (trong đó: Khu đô thị mới 770 ha, Khu tái định cư 160 ha), dân số khoảng 200.000 người, khu tái định cư khoảng 45.000 người. Trung tâm khu đô thị được chia làm 5 khu vực chính gồm: Khu vực "lõi trung tâm", khu dân cư phía Bắc, khu dân cư dọc đại lộ Mai Chí Thọ, khu dân cư phía Đông và khu châu thổ phía Nam.

Hiện, dự án đã giải phóng hơn 99% mặt bằng. Còn hơn 100 hộ dân khiếu nại từ thành phố đến Trung ương gần 10 năm qua, cho rằng đất của họ nằm ngoài ranh quy hoạch nhưng vẫn bị giải tỏa; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sai quy định.

Hữu Nguyên

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.